Sắc mới Nậm Sài

NDO -

NDĐT - Nậm Sài là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; nằm trên sườn phía đông dãy Hoàng Liên Sơn, có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đường sá đi lại khó khăn. Trong những năm gần đây, cấp ủy và chính quyền địa phương đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định đời sống theo hướng giảm nghèo bền vững.

Trồng cam ở Nậm Sài.
Trồng cam ở Nậm Sài.

Xóa nghèo bằng trồng cây ăn quả

Chúng tôi đến xã vùng sâu Nậm Sài, bắt gặp những vườn cam chín vàng, thơm ngon và những cánh đồng dưa hấu vào mùa thu hoạch sai lúc nhúc quả. Giống cây này rất phù hợp đồi đất có độ phì màu mỡ cho quả mỏng vỏ, ruột đỏ ngọt lịm. Để có được những vườn cây cho trái ngọt như vậy là cả một thời gian dài lăn lộn, trăn trở của cấp ủy, chính quyền và người dân Nậm Sài.

Những người đi tiên phong trong chuyển đổi đó phải kể đến những nông dân tiêu biểu, như: ông Nguyễn Danh Minh, ông Hoàng Văn Lộc, bà Nguyễn Thị Thủy, ông Chẩu Vàng Châu…. Đó là những nông dân không cam chịu đói nghèo, chịu khó học hỏi, nuôi chí quyết tâm xóa nghèo và cần cù lao động.

Chúng tôi cùng ông Nguyễn Danh Minh lên thăm khu đồi cam của gia đình ở thôn Bản Sài. Ông là một người đầu tiên đem cây cam về trồng thí điểm và cũng là người đầu tiên lặn lội về đất Hòa Bình đem giống cây dưa hấu bản địa về “cắm rễ” trên đất Nậm Sài. Đi trên đồi cam đang mùa chăm sóc cho trái phát triển, nhìn những chùm quả sai lúc lỉu, trĩu đầu cành, hứa hẹn một mùa bội thu, có nhiều cây quả đã căng mọng đang chín vàng, tôi thấy lạ. Ông cho biết, toàn bộ vùng cam của Nậm Sài trồng là giống cam V2, loại này giống như cam Cao Phong ở Hòa Bình. Những cây cho trái chín sớm, ông đang thí điểm “bắt” nó ra quả trái vụ để tăng giá trị kinh tế.

Ông Minh cho biết, năm 2018 gia đình có ba ha đi vào thu hoạch, đã cho doanh thu 1,6 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu các nhà hàng khách sạn và khu du lịch Sa Pa và thành phố Lào Cai. Đến nay, trang trại của ông phát triển hơn bảy ha, chủ yếu cây ăn quả có múi như cam, quýt đường, chanh đào. Ông đang trồng thí điểm 700 cây bưởi da xanh ruột đỏ, phát triển rất tốt, hiện đã cho quả bói.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trường Chinh cho biết, ông Minh là một nông dân tiêu biểu đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư” của tỉnh Lào Cai. Từ xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả của ông Minh, xã đã triển khai nhân rộng, hỗ trợ khâu giống, tư vấn bảo vệ thực vật, vay vốn tín dụng, khoa học kỹ thuật và tiếp thị quảng bá sản phẩm. Từ đó, kích thích được nhiều hộ đầu tư chuyển đổi tạo ra thành phong trào “dám nghĩ dám làm, thi đua sản xuất giỏi” ở xã vùng sâu, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Sa Pa. Đến nay, toàn xã đã có hơn 30 ha cây ăn quả có múi (chủ yếu là cây cam) có bảy ha đang độ tuổi kinh doanh, cho thu hoạch, bình quân sản lượng 30 tấn/ha, giá sản phẩm thị trường dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg.

Ngoài cây cam ra, cây dưa hấu phát triển khá thuận lợi, được nhiều hộ dân hưởng ứng. Bởi cây dưa hấu ngắn ngày đầu tư vốn ít, tiêu thụ nhanh. Hiện, dưa hấu Nậm Sài không đủ cung cấp cho thị trường. Vụ dưa năm 2019, toàn xã trồng 35 ha, sản lượng ước đạt khoảng 250 tấn với giá bán 10 nghìn đồng/kg. Nhìn những quả dưa mọng căng được bà con đóng bao, chuyển lên xe đưa đi tiêu thụ với những nụ cười giòn tan mùa thu hoạch khiến chúng tôi vui lây. Nậm Sài vẫn duy trì những cây có giá trị kinh tế khác của địa phương, như chè dây, khoai sọ, thảo quả…

Sắc mới Nậm Sài ảnh 1

Nuôi bò nhốt chuồng ở Nậm Sài.

Phát triển nuôi bò sinh sản nhốt chuồng

Bí thư đảng ủy xã Nậm Sài, Nguyễn Trường Chinh dẫn chúng tôi tham quan các mô hình nuôi bò. Ông là tác giả của dự án “Nuôi bò sinh sản nhốt chuồng”. Ông Chinh chia sẻ câu chuyện thật thú vị, năm 2018, một lần xuống viện Bạch Mai thăm bố ốm, gặp một anh bạn cũng đi chăm bệnh nhân. Qua câu chuyện, biết người bạn kia là cán bộ xã Minh Châu, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, một địa phương nổi tiếng về nuôi bò mô hình nhốt trại. Ông nảy ra ý định và tự hỏi sao không áp dụng mô hình này về Nậm Sài. Từ ý tưởng đến hiện thực. Ông về lập dự án và báo cáo huyện. Dự án được phê duyệt, xã tổ chức những hộ gia đình có khả năng tiếp nhận dự án về Minh Châu, Ba Vì tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, Bí thư Chinh đã ra sức kêu gọi, vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm từ thiện, bằng hỗ trợ mọi nguồn lực tối đa, để giảm nguồn kinh phí ban đầu cho bà con nông dân, như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank)… hỗ trợ bò giống. Dự án được vay vốn ngân hàng chính sách hỗ trợ lãi suất ba năm liền, được nhân dân hồ hởi đón nhận. Cho đến nay, Nậm Sài đang triển khai năm mô hình trang trại nuôi bò sinh sản nhốt chuồng rất hiệu quả.

Đem câu chuyện hỏi ông Lù Đức Thắng, một hộ thực hiện mô hình dự án chia sẻ, cán bộ Chinh đem đến cho dân cái cách làm hay, giúp bà con phát triển kinh tế. Bởi bò nhốt trại không phải nắng mưa, nên ít bệnh tật, không chăn thả rông nên không phá hại hoa màu, không bị thất lạc trong rừng khi mưa rét, lại tận dụng được nguồn phân bón cho cam. Chỉ chịu khó trồng cỏ và cắt, thái cho ăn thôi. Bò khỏe và lớn rất nhanh. Gia đình ông nuôi bảy con bò bốn con ngựa nhốt trại nên nhàn.

Từ hiệu quả của dự án, người dân háo hức đầu tư chuồng trại, không thả rông như trước nữa. Được biết năm 2016, đàn bò của xã vẻn vẹn 38 con, đến nay tổng đàn bò đã có 362 con và theo hướng sẽ tăng nhiều trong những năm tới.

Theo Bí thư Nguyễn Trường Chinh, những mô hình sản xuất phát triển kinh tế của Nậm Sài đang là hướng đi đúng, hiệu quả và hợp lòng dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế để giảm nghèo hiệu quả ở địa phương.

Sắc mới Nậm Sài ảnh 2

Trồng dưa hấu ở Nậm Sài.