Phụ nữ Bến Tre phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

NDO -

Từ rác thải trong sinh hoạt gia đình, rơm, cỏ trong sản xuất nông nghiệp đã được chị Nguyễn Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Phú Trung (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) biến thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất với mô hình “Rác thải thành dinh dưỡng”. Mô hình này không chỉ cải thiện môi trường mà còn nâng cao chất lượng sống, dinh dưỡng cho hộ gia đình bằng việc sử dụng thực phẩm sạch.

Mô hình của chị Thư đoạt Giải nhì trong cuộc thi về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Mô hình của chị Thư đoạt Giải nhì trong cuộc thi về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Biến rác thải thành dinh dưỡng

Năm 2018, chi hội phụ nữ ấp An Hòa (xã An Phú Trung) được hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre tập huấn truyền thông bảo vệ môi trường và thí điểm chương trình “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ 3 trở lên; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ). Thấy địa phương có nhiều rác thải, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp bỏ đi rất phí nên chị Thư cùng các chị em phụ nữ trong ấp thực hiện việc ủ phân hữu cơ để trồng rau sạch tại gia đình lấy tên mô hình “Rác thải thành dinh dưỡng”.

Chị Thư kể lại: “Khi đó có 5 thành viên trong ấp tham gia thực hiện việc ủ phân hữu cơ trồng rau sạch phục vụ tại hộ gia đình, dư đem bán cho hàng xóm. Các chị em phụ nữ được hướng dẫn cách ủ phân bằng việc sử dụng rác thải sinh hoạt, phân bò, rơm sau khi sản xuất nấm, cỏ khô... ủ với nấm trichoderma để sử dụng trong việc trồng rau sạch tại hộ gia đình”. Bước đầu thành công, nhiều hộ gia đình tại nông thôn có nguồn rau sạch sử dụng và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.

Phụ nữ Bến Tre phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường -0
Phụ nữ nông thôn ủ phân hữu cơ trồng rau rạch sử dụng trong hộ gia đình. 

Bà Võ Bích Liên, ngụ ấp An Hòa là một trong những thành viên đầu tiên áp dụng việc ủ phân hữu cơ trồng rau cho biết: “Tại địa phương hầu như nhà nào cũng nuôi bò nên nguồn phân bò rất lớn. Khi được hướng dẫn, tôi thực hiện mô hình bằng việc tận dụng nguồn phân bò, rác thải sinh hoạt sẵn có cộng với cỏ khô trộn lại để ủ thành phân bón hữu cơ. Nguồn phân này tôi sử dụng trồng rau sạch để sử dụng trong gia đình rất hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn tại địa phương là nguồn nước ngọt để tưới nên hầu hết mấy chị em đều đợi đến mùa mưa mới ủ phân để trồng rau hay hoa màu”.

Từ 5 hộ ban đầu, đến nay đã có 19 hộ tập trung ủ phân và trồng rau tại gia đình, 120 hộ ủ phân sử dụng trồng trọt cho từng mùa, sử dụng theo nhu cầu.

Tạo đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn

Mới đây, mô hình của chị Thư đạt giải nhì trong cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo – phát triển giải pháp cải thiện vệ sinh và nước sạch ứng phó với biến đổi khí hậu và hòa nhập xã hội” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tổ chức. Với giải thưởng cuộc thi được 40 triệu đồng, chị Thư dự kiến sẽ dùng toàn bộ để đầu tư máy móc, thành lập tổ hợp tác để mở rộng quy mô của mô hình, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ trong xã.

Chị Thư cho biết: “Thế mạnh của địa phương là chăn nuôi bò trong hộ gia đình với nguồn phân bò rất dồi dào khoảng 20 tấn/ngày. Trước đây, nguồn phân bò được người dân phơi khô rồi cho vào bao bán cho thương lái vận chuyển lên các tỉnh miền đông hay vùng sản xuất rau, hoa kiểng với giá khá thấp. Khi có được số tiền từ giải thưởng tôi sẽ mua máy ép viên, máy hút chân không, mở lớp tập huấn cho chị em cách ủ phân hữu cơ, làm bao bì, nhãn hiệu... để sản xuất phân hữu cơ bán ra thị trường nhằm tăng thu nhập từ nguồn phân bò, rơm rạ, rác thải sinh hoạt tại địa phương”.

Phụ nữ Bến Tre phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường -0
Nguồn phân bò, rơm rạ tại địa phương được phụ nữ tận dụng ủ thành phân bón hữu cơ. 

Theo chị Thư, mô hình này không chỉ tăng thu nhập từ nông nhàn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, vì sức khỏe cộng đồng. Trong đó, lấy việc thay đổi ý thức trong bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự kiến các lớp tập huấn sẽ hướng dẫn người dân công nghệ áp dụng tại hộ gia đình.

Chị cho biết thêm: “Khi thành lập tổ hợp tác sẽ tổ chức sản xuất bài bản có kênh phân phối để bán sản phẩm phân hữu cơ sạch. Sản phẩm chính là phân hữu cơ viên nén đóng gói bán cho vùng trồng rau màu hay thành thị để người dân tiện lợi trong sử dụng, vận chuyển. Mục đích chính của mô hình là giúp người dân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo ra sản phẩm có ứng dụng khoa học công nghệ để tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ nông thôn”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Tri Trịnh Thị Hồng Thắm cho biết, lợi thế từ mô hình là tận dụng những phế thải có sẵn như: rơm, rạ, phân bò để ủ thành phân và bón cho cây trồng tại hộ gia đình. Hiệu quả từ mô hình bước đầu đã có sự lan tỏa ra toàn xã, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, có nguyên liệu sạch bón cho cây, đỡ tốn chi phí cho trồng trọt và thu lại nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe cho mỗi gia đình.

Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, phối hợp mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và cách ủ phân hữu cơ cho hơn 20 thành viên. Từ đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khoẻ cho người dân.