Phong Dụ Thượng đổi thay từ trồng quế sạch

NDO -

NDĐT – Thay đổi tập quán canh tác để hướng đến sản xuất sạch, an toàn và thân thiện với môi trường là hướng đi mới đang được nhiều người dân xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên, Yên Bái) thực hiện để sản xuất ra những sản phẩm sạch từ cây quế tự nhiên. Cũng nhờ phát triển trồng quế mà bản làng Phong Dụ Thượng ngày càng thay đổi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Người dân xã Phong Dụ Thượng sống chủ yếu bằng nghề trồng quế.
Người dân xã Phong Dụ Thượng sống chủ yếu bằng nghề trồng quế.

Làm nhà, tậu trâu cũng nhờ cây quế

Đường lên xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên, Yên Bái), một trong những xã có diện tích trồng quế lớn tại Văn Yên đi lại khá khó khăn, chốc chốc xe của đoàn công tác chúng tôi lại phải giảm tốc để tránh những ổ gà, ổ trâu. Tuy nhiên, điều làm đoàn chúng tôi chú ý hơn cả là trên cung đường cheo leo đó, cách đoạn lại có một vài ngôi nhà khang trang được xây dựng vững chãi ngay bên đường.

Bà Nguyễn Thị Chi, cán bộ dẫn đường giới thiệu: Phong Dụ Thượng là một trong những xã vùng cao của huyện Văn Yên, mật độ dân cư thưa thớt khoảng 23 người/km2. Tuy nhiên, đây là một trong tám xã trọng điểm trồng quế sạch của huyện Văn Yên, Yên Bái. Người dân Phong Dụ Thượng chủ yếu sống bằng công việc trồng và buôn bán quế. Cũng nhờ cây quế, đồng bào dân tộc Dao nơi đây không chỉ làm nhà, nuôi con ăn học mà còn mua được ô-tô và nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ đời sống hằng ngày.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là rừng quế của gia đình ông Lò Ngọc Tại ở Thôn Làng Than, xã Phong Dụ Thượng. Lão nông ngoại lục tuần này đã gắn bó cả đời với những vạt rừng quế, chia sẻ: Cũng không biết cây quế ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ thời ông bà, bố mẹ ông đã sống bằng việc trồng quế lấy tiền mua gạo, sách vở và quần áo mới. Không chỉ riêng ông, bất cứ một đứa trẻ nào lớn lên từ Phong Dụ Thượng này đều thành thục những công việc phát cỏ, bóc quế và chăm sóc cây con. Những cây quế non lớn lên và trưởng thành cùng trẻ con Phong Dụ Thượng, rồi trở thành của cải được các bố mẹ chia cho các con để “lấy vốn" sau khi dựng vợ, gả chồng.

Phong Dụ Thượng đổi thay từ trồng quế sạch ảnh 1

Ông Lò Ngọc Tại ở Thôn Làng Than, xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên, Yên Bái) phát cỏ cho quế.

“Trước kia cây quế bán không được giá như bây giờ, nhưng đối với mỗi người dân Phong Du Thượng nói riêng và Văn Yên nói chung, cây quế gắn bó như máu thịt của chúng tôi. Bây giờ cây quế càng có giá trị hơn, một cây quế có thể tận thu được cả lá quế để nấu tinh dầu, thân gỗ, vỏ quế làm dược liệu. Ở đây, nhà nào có nhiều rừng trồng được nhiều quế thì kinh tế khá giả, con cái được ăn học đàng hoàng”, ông Tại nói.

Gia đình ông Tại hiện có 9 ha trồng quế là đất khai hoang đã từ hơn 30 năm nay. Mỗi năm thu hoạch hai vụ, vào tháng ba và tháng tám theo phương thức thu tỉa hoặc khai thác trắng.

Hướng tới sản xuất quế hữu cơ xuất khẩu

Trước đây người Phong Dụ Thượng thường chỉ sản xuất và khai thác quế theo kinh nghiệm của người đi trước truyền lại cho người đi sau, nên năng xuất lao động thấp, chất lượng quế không cao. Tuy nhiên, sau khi được tham gia vào chuỗi liên kết của hai dự án Thương mại đa dạng sinh học khu vực Đông - Nam Á - Thúc đẩy Thương mại bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học (Biotrade-Seco) và Nhân rộng sáng kiến thương mại đa dạng sinh học trong lĩnh vực dược liệu tại Việt Nam (Biotrade-Eu), do Liên minh châu Âu (Helvetas) tài trợ, người dân được tập huấn các kỹ năng canh tác để nâng cao năng suất lao động, sản xuất những sản phẩm hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Trước kia chúng tôi trồng quế chỉ biết bán cho thương lái, giá cả bấp bênh. Từ khi tham gia trồng quế hữu cơ, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn cách chăm sóc và khai thác sản phẩm quế an toàn nên bán được giá hơn. Những năm trước bán quế giá cao cũng chỉ được 35-40 nghìn đồng/kg, nay sản xuất quế hữu cơ chúng tôi bán được 60 nghìn đồng/kg, cao gấp rưỡi so với bán cho thương lái nên người dân rất phấn khởi”, ông Tại chia sẻ.

Cũng giống như gia đình ông Tại, gia đình anh Triệu Toàn Phú ở thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng cũng khá phấn khởi khi tham gia mô hình trồng quế hữu cơ. Anh cho biết: “Cây quế ở đây vốn đã sạch nên không cần chăm sóc nhiều, một năm chúng tôi chỉ đi phát cỏ hai lần vào tháng ba và tháng tám. Ngoài ra, khi tham gia các dự án hỗ trợ của Biotrade chúng tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật khai thác, tận dụng tối đa năng suất lao động; các kỹ năng thu hái đúng kỹ thuật bảo đảm kích thước theo tiêu chuẩn và quan trọng hơn trong qua trình phơi khô và bảo quản phải bảo đảm sạch sẽ mới đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu.”.

Phong Dụ Thượng đổi thay từ trồng quế sạch ảnh 2

Anh Triệu Toàn Phú ở thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên, Yên Bái) đang khai thác vỏ quế.

Ông Lò Văn Mạnh, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết, trước đây, người dân sản xuất quế chủ yếu nhỏ lẻ, với diện tích cây quế toàn xã chỉ khoảng 300 ha. Đến nay, có hơn 1.000 hộ, chiếm 94% số hộ toàn xã đã trồng hơn 2.000 ha quế, phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

“Từ năm 2018, chúng tôi đã chỉ đạo, phối hợp với một số doanh nghiệp tuyên truyền vận động nhân dân địa phương chuyển từ trồng quế tự nhiên sang trồng quế tuân thủ quy trình sản xuất sạch, quế hữu cơ. Đến nay, khá nhiều hộ đã đăng ký tham gia mô hình trồng quế sạch để xuất khẩu ra nước ngoài. Cây quế không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, mà còn là "biểu tượng" kinh tế - văn hóa của cộng đồng người Dao. Ngoài ra, còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường”, ông Mạnh chia sẻ.

Xã Phong Dụ Thượng hiện có 200 hộ dân trồng quế đăng ký tham gia các Dự án quế hữu cơ do Helvetas tài trợ. Hiện, toàn bộ sản phẩm quế hữu cơ được Công ty Cổ phần Visimex thu mua để xuất khẩu sang châu Âu.

Theo UBND huyện Văn Yên, hiện tổng diện tích cây quế trên địa bàn huyện Văn Yên là 40.019 ha. Trong đó diện tích quế tập trung là 25.357 ha, đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại tám xã nằm ở hữu ngạn sông Hồng (xã Phong Dụ Thượng 1.998 ha, Phong Dụ Hạ 2.112 ha, Xuân Tầm 3.371 ha, Châu Quế Hạ 4.789 ha, Tân Hợp 2.624 ha, Đại Sơn 3.168 ha, Viễn Sơn 2.600 ha, Mỏ Vàng 4.695 ha). Hiện tổng sản lượng quế vỏ khô toàn huyện đạt trên 6.500 tấn/năm, sản xuất lá quế trung bình 65.500 tấn/năm; sản lượng gỗ quế đạt 55.000 m3/năm. Trên địa bàn huyện có hằng trăm cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm vỏ quế; có 38 cơ sở sản xuất chưng cất tinh dầu từ lá quế với sản lượng tinh dầu đạt trên 300 tấn/năm.