Phát triển chuỗi giá trị địa phương ở Quảng Trị

NDO -

NDĐT - Sáng 14-12, Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo sau ba năm triển khai thực hiện dự án đạt được nhiều ý nghĩa, kết quả.

Hợp tác xã Nông sản sạch CTTN Triệu Phong được chứng nhận có sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Hợp tác xã Nông sản sạch CTTN Triệu Phong được chứng nhận có sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

Ông Đào Văn Đức, Trưởng Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương huyện Triệu Phong cho biết, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ cho dự án triển khai thực hiện từ tháng 1-2017, trên địa bàn năm xã của huyện Triệu Phong gồm: Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Trung và Triệu Thượng.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo tham gia, hướng đến gia tăng phúc lợi cho trẻ em và người nghèo một cách bền vững, thông qua việc thúc đẩy sản xuất nông sản sạch như: lúa, rau, chăn nuôi gà, heo được áp dụng phương thức canh tác tự nhiên (CTTN) và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Điểm nổi bật nhất qua ba năm thực hiện, dự án đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho người dân, các nhóm sản xuất, mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, thị trường… Có gần 1.000 hộ nông dân trên địa bàn đã có thu nhập từ việc áp dụng mô hình CTTN, trong đó có hơn 50% số hộ có thu nhập bình quân tăng gấp đôi so với canh tác thông thường.

Tiêu biểu có 55 nhóm sản xuất trong vùng dự án đã thiết lập được chuỗi giá trị ổn định để bán các nông sản CTTN, với giá cao hơn 20% so với nông sản cùng loại sử dụng phương thức canh tác thông thường. Có 30 nhóm sản xuất đã hợp đồng tiêu thụ nông sản CTTN với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà phân phối. Nhất là Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong ra đời cuối năm 2017 đã góp phần hỗ trợ nông dân, các nhóm sản xuất trong việc tổ chức sản xuất lúa, rau và chăn nuôi lợn, gà và tiêu thụ sản phẩm...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, mô hình CTTN tại huyện Triệu Phong được đánh giá cao bởi đã góp phần quan trọng giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng; cũng như bày tỏ mong muốn Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương huyện Triệu Phong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc và Tổ chức Tầm nhìn thế giới trong giai đoạn tiếp theo từ 2021-2023.

Dịp này, Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương đã trao giấy chứng nhận cho 35 người dân thực hành tốt kỹ thuật CTTN cho cộng đồng. Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC đã trao giấy chứng nhận sản phẩm gạo mang thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” của Hợp tác xã Nông sản sạch CTTN Triệu Phong sản xuất phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.