Tuổi trẻ lối sống

Nữ nông dân trẻ khởi nghiệp

Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã miệt mài xây dựng những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sạch hiệu quả. Các mô hình đã thể hiện rõ nét sức trẻ và tinh thần xung kích trong lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Lưu Thị Hòa (ngoài cùng bên phải), nhà sáng lập, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ.
Lưu Thị Hòa (ngoài cùng bên phải), nhà sáng lập, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ.

Cao Bằng là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng. Khí hậu và thổ nhưỡng tại Cao Bằng rất thích hợp với một số loại nông sản như dâu tây, hoa hồng... Nắm bắt được xu hướng đó, chị Đoàn Thu Trà đã có ý tưởng kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và du lịch tâm linh - lịch sử. Tưởng chừng chẳng hề liên quan đến nhau, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, mô hình này của cô gái dân tộc Tày đã cho doanh thu hơn 2,1 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều thanh niên và người dân địa phương. Mô hình khởi nghiệp bằng nông nghiệp sạch của chị Trà bắt đầu được triển khai vào năm 2017 với khoảng 2.000 m2 đất trồng dâu tây và 10.000 m2 trồng hoa hồng, dựa trên ý tưởng đưa khách du lịch tới tham quan, thu hái nông sản đồng thời tìm hiểu về chùa Viên Minh (xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng).

Năm đầu, từ số kinh phí đầu tư 1,8 tỷ đồng, mô hình khởi nghiệp của chị Trà đã... lỗ tới 250 triệu đồng. Những người vốn không tin vào mô hình lạ lùng của “cô gái 9x” lại được dịp buông lời chê bai: “Làm được thì người ta đã làm lâu rồi”. Không nản chí, chị Đoàn Thu Trà tiếp tục xây dựng, cải thiện các hạng mục cơ sở vật chất, mở rộng diện tích canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng dâu tây và hoa hồng, đồng thời không ngừng đẩy mạnh quảng bá hình ảnh mô hình trên mạng xã hội. Nhờ đó, thời điểm năm 2018-2019, lượng khách du lịch đến trải nghiệm làm nông và tham quan thắng cảnh tại chùa Viên Minh đã tăng đột biến, mang lại doanh thu khoảng hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó lãi thuần khoảng gần 400 triệu đồng. Không những đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển du lịch địa phương, mô hình của chị Trà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng hiệu quả kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và người dân, thanh niên địa phương. “Chùa Viên Minh và đền Quan Triều là quần thể di tích được công nhận bảo vật quốc gia. Với hướng đi về du lịch trải nghiệm kết hợp du lịch tâm linh, tôi mong muốn phát triển đồng đều các thế mạnh, tạo cảnh quan mới mẻ cho mảnh đất Cao Bằng. Thời gian tới, tôi sẽ áp dụng thêm nhiều yếu tố công nghệ để có thể nhân giống, trồng gối vụ nông sản liên tục để phục vụ khách du lịch tốt hơn”, chị Đoàn Thu Trà cho biết.

Cũng là một cô gái trẻ cá tính với đam mê khởi nghiệp bằng nông nghiệp sạch, chị Lưu Thị Hòa là nhà sáng lập, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ, với bảy thành viên đều là người dân tộc thiểu số. Bố là người Cờ Lao, mẹ là người Pu Péo, cho nên chị Hòa đã quen với cuộc sống vất vả trên nương rẫy, núi đồi vùng cao. Rời giảng đường đại học với tấm bằng quốc tế học, cô gái trẻ người dân tộc thiểu số đi làm ở nhiều công ty tại Thủ đô. Sau hai năm sống một cuộc sống “đều đều” với công việc văn phòng, chị Hòa quyết định quay lại với ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương. “Với kiến thức về marketing được học và hiểu biết thực tế về nông nghiệp, nông sản sạch, tôi quay về Đồng Văn. Thời gian đầu, vấp phải sự phản đối từ gia đình, nông sản lại hư hỏng nhiều do thiếu kiến thức, tôi từng muốn buông bỏ tất cả”, chị Lưu Thị Hòa chia sẻ.

Rút kinh nghiệm từ những thất bại đầu tiên, cô gái người Cờ Lao định hướng lại mô hình, tập trung vào các loại nông sản đặc trưng tại Hà Giang, được nhiều người ưa chuộng như mật ong bạc hà, cây ăn quả lâu năm như lê, đào, mận... và rau củ ngắn ngày như đậu tằm, cải mèo, gừng đồi... Chị tập hợp các thanh niên có cùng chí hướng làm giàu tại địa phương, thành lập hợp tác xã và tích cực mang nông sản đi giới thiệu tại nhiều hội chợ trên khắp cả nước. Hướng đi đúng đắn của chị Hòa đã dần đưa mô hình phát triển ổn định cả về quy trình sản xuất và đầu ra sản phẩm. Hiện, Hợp tác xã Po Mỷ sở hữu gần 6.000 m2 nông trại với quy trình khép kín, trang thiết bị hiện đại cùng chuỗi cửa hàng “Về bản” đặt tại Hà Nội cho doanh thu hằng năm hơn hai tỷ đồng. Trước mắt, chị Hòa sẽ kết hợp khai thác thêm các yếu tố văn hóa, du lịch để xây dựng mô hình mới về du lịch trải nghiệm làm nông. Qua đây, bảo tồn và phát huy nét đặc trưng của các dân tộc thiểu số, đồng thời hạn chế tình trạng thanh niên địa phương bỏ quê hương đi làm ăn xa.

Đều là phụ nữ người dân tộc thiểu số, Đoàn Thu Trà và Lưu Thị Hòa đã dám mạnh dạn chọn hướng đi mới để làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đáng chú ý, những mô hình mà các chị đang triển khai đều được xây dựng trên tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo qua nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng. Vừa qua, Đoàn Thu Trà và Lưu Thị Hòa đã được vinh danh tại Giải thưởng Lương Định Của năm 2019, do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.