Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2020)

Những nhà nông hiện đại

Thời gian qua, với sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân Việt Nam, nhà nông cả nước luôn tích cực sản xuất, làm giàu chính đáng, giúp nhau thoát nghèo. Những điểm sáng trên mặt trận nông nghiệp đã và đang hình thành nhiều mũi nhọn đột phá, góp phần hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.

Bà Đặng Thị Cuối giới thiệu mô hình trồng rau sạch với cán bộ Hội Nông dân TP Hà Nội. 
Bà Đặng Thị Cuối giới thiệu mô hình trồng rau sạch với cán bộ Hội Nông dân TP Hà Nội. 

Tỷ phú “chân đất” tìm lối đi riêng

Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà màng trồng rau hữu cơ rộng 4.400 m2 tại thôn Đoài Khê (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội), bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau công nghệ cao Cuối Quý, hội viên Hội Nông dân thôn Đoài Khê, hồ hởi nói: “Mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ sạch của gia đình tôi có tổng diện tích 5 ha với số vốn đầu tư khoảng 4,3 tỷ đồng. Sau hai năm triển khai, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành các công trình phụ trợ và sản xuất đạt 90% tổng diện tích”. Đi len giữa những luống rau xanh mát mắt, bà Cuối bồi hồi nhớ lại 16 năm ròng rã lao động vất vả ở nước ngoài trong các trang trại rau hữu cơ công nghệ cao. Năm 2017, bà Cuối quyết định về nước khởi nghiệp. Với số vốn khoảng 500 triệu đồng, vợ chồng bà quyết tâm canh tác trên phương châm “năm không”: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không kích thích tăng trưởng, không thuốc diệt cỏ và không hạt giống biến đổi gien.

Thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các cơ quan chức năng tại huyện Đan Phượng đã nhanh chóng triển khai các quy trình, cấp giấy chứng nhận sản xuất cho mô hình. UBND huyện Đan Phượng cũng hỗ trợ 100% kinh phí lắp đặt nhà lạnh bảo quản rau, Hội Nông dân huyện Đan Phượng hỗ trợ 150 triệu đồng và kinh phí làm thủ tục pháp lý, phê duyệt dự án, xúc tiến thương mại... Năm 2018, bà Cuối đầu tư thêm hơn 11 tỷ đồng mở rộng mô hình, bổ sung nhiều loại nông sản hợp nhu cầu của người tiêu dùng như bắp cải tí hon, mướp hồ lô... và chuyển sang hình thức đóng gói có tem QR truy xuất nguồn gốc. Thành công nối tiếp thành công, hiện trang trại của bà Cuối đã trở thành đơn vị cung cấp nông sản thường xuyên cho hàng chục bếp ăn trường học, khu công nghiệp, nhà hàng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch với sản lượng từ 2,5 đến 3 tấn/ngày. Doanh thu hằng năm của HTX Rau công nghệ cao Cuối Quý đạt hơn 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng; tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập ổn định từ 4,5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng. “Nữ tỷ phú chân đất” Đặng Thị Cuối còn tích cực tham gia vận động hiến đất mở rộng đường giao thông liên thôn, bảo vệ di tích lịch sử; đồng hành cùng học sinh nghèo vượt khó, con em hội viên nông dân mắc bệnh hiểm nghèo; trao sổ tiết kiệm tặng gia đình chính sách...

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, Thiều Văn Son cho biết: Với niềm tự hào là huyện nông thôn mới đầu tiên của Thủ đô, Hội Nông dân huyện Đan Phượng luôn chú trọng đẩy mạnh vai trò các chi, tổ hội nghề nghiệp ở cơ sở, tập trung phát triển kinh tế hộ, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tiêu biểu thành “đầu tàu” sản xuất của địa phương. Đến nay, toàn huyện có chín xã đạt chuẩn, sáu xã đang hoàn thiện hồ sơ xét đạt chuẩn nông thôn mới. “Những năm gần đây, Hội Nông dân huyện xác định mũi nhọn phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao. Thông qua các cấp Hội, toàn bộ HTX tại huyện Đan Phượng đều được hỗ trợ thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn, dạy nghề... Dự kiến đến hết năm 2020, thu nhập của người dân khu vực nông thôn huyện Đan Phượng đạt hơn 61 triệu đồng/năm”, đồng chí Thiều Văn Son phấn khởi chia sẻ.

Cũng là một nông dân có chung quan điểm về nông nghiệp bền vững, ông Trịnh Tấn Vinh, hội viên Hội Nông dân thôn Tân Phú 2 (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chọn khởi nghiệp bằng cây cà-phê sạch trồng xen lẫn nhiều loại nông sản khác. Nâng niu những chùm cà-phê trĩu nặng trong khu vườn rộng khoảng 1 ha, ông Vinh cho biết: Trước đây, toàn bộ khu đất này chỉ trồng giống cà-phê cũ, già cỗi, năng suất rất thấp. Mỗi năm, tôi lại cải tạo đất, trồng cà-phê kết hợp mắc-ca, sầu riêng, lạc dại... theo kiểu phân tầng. Hiện, tầng trên là 150 cây mắc-ca đang tuổi đậu trái và 40 cây sầu riêng lâu năm, tạo bóng mát cho hơn một nghìn cây cà-phê ở tầng giữa. Tầng dưới cùng phủ kín thảm lạc dại, hỗ trợ phát triển cây cà-phê sạch, không sâu bệnh.

Để có được thương hiệu cà-phê “Thuần Trịnh”, hơn mười năm qua, ngày nào ông Vinh cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” dưới cái nắng gay gắt vùng cao Lâm Đồng, cải tạo từng mét vuông đất, gieo trồng và chăm bẵm từng cây cà-phê. Cũng nhờ sự cần mẫn, tỉ mỉ, ông Vinh còn sáng tạo ra sản phẩm cà-phê bột mật ong. Độc đáo và “lạ miệng”, sản phẩm đã làm say lòng nhiều vị khách sành cà-phê và trở thành một trong những điểm nhấn về phát triển nông nghiệp ở địa phương. Ông Trịnh Tấn Vinh cho biết: “Tôi mong muốn liên kết được nhiều nhà nông có chung quan điểm về nông nghiệp xanh, sạch và bền vững. Nếu mọi nhà nông đều ý thức giảm tới mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thì môi trường sống sẽ trong sạch hơn nhiều, bảo đảm sức khỏe toàn dân”.

Nhận định về mô hình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Di Linh, Trần Văn Nam cho hay: Đây là thành quả của việc bám sát các phong trào thi đua, cuộc vận động do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát động, từ đó khuyến khích người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vận dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ và phối hợp các ngành chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân trồng xen các loại cây nông nghiệp có giá trị. Theo ông Trần Văn Nam, ngoài mô hình cà-phê “Thuần Trịnh”, huyện Di Linh còn nhiều mô hình canh tác hiệu quả, đạt doanh thu nhiều tỷ đồng như sầu riêng Thái-lan, cà-phê xen lẫn cây bơ...

Hơn 15,2 tỷ đồng là lợi nhuận ròng tính riêng trong năm 2019 từ mô hình trồng chuối cấy mô của ông Lâm Văn Tính ở ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Chủ động tự xây dựng mô hình từ đầu năm 2015 và thu được nhiều kết quả khả quan sau chín tháng chăm sóc, ông Tính đã vận động bà con tại địa phương thành lập Tổ hợp tác trồng chuối Lâm Phát Hưng gồm chín thành viên trên diện tích 87 ha. Với phương thức triển khai theo dạng tổ hợp tác, các thành viên có được lợi thế lớn trong chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nhất là giải quyết việc làm cho khoảng 90 lao động/ngày tại địa phương. Sự chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh đã mang lại cho tổ hợp tác nhiều thành công đáng kể. Trong bốn năm triển khai (2015 - 2019), mọi mặt năng suất, sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của trang trại chuối cấy mô do ông Lâm Văn Tính khởi xướng luôn tăng trưởng đều. Chỉ tính năm 2019, tổ hợp tác đã thu hoạch được 2.500 tấn chuối thành phẩm (đạt năng suất 28,7 tấn chuối/ha), doanh thu đạt khoảng 22,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt hơn 15,2 tỷ đồng.

Không tự bằng lòng với thành quả của mô hình, “lão nông” quê Cần Thơ tiếp tục tự học hỏi, mạnh dạn đầu tư sản xuất 5 ha thanh nhãn. Với năng suất bình quân từ tám đến 10 tấn/ha và giá bán trung bình từ 70 nghìn đến 80 nghìn đồng/kg, cây thanh nhãn cũng nhanh chóng mang về cho ông Tính nguồn thu nhập khoảng 560 triệu đến 700 triệu đồng/ha. Ông Tính tự hào cho biết: “Trang trại thanh nhãn bắt đầu có lãi từ năm 2018, đến năm 2019 đã đạt năng suất 10 tấn/ha, đạt doanh thu hơn 10,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận hơn 7,1 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 35 lao động địa phương. Dự kiến, năng suất của trang trại năm 2020 sẽ tăng cao so với năm 2019”.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn

Với sự vào cuộc, đồng hành kịp thời của các cấp Hội Nông dân Việt Nam, vai trò chủ thể của người nông dân trong quá trình phát triển đất nước nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng ngày càng được khẳng định. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2019, cả nước đã có 4.554 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 93 đơn vị cấp huyện của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới. Thông qua các phong trào do Hội Nông dân Việt Nam phát động, người nông dân trở thành hạt nhân chính trong các hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; vận động hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo... Trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều “tỷ phú”, “triệu phú” nhà nông như bà Đặng Thị Cuối (TP Hà Nội), ông Trịnh Tấn Vinh (Lâm Đồng)… Điều đó cho thấy, nhận thức của đông đảo hội viên, nông dân những năm vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể. Từ chỗ còn trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, nay đã chuyển mạnh sang chủ động, tự giác, sẵn sàng tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả trong phong trào thi đua phát triển kinh tế. Số lượng nông dân có trình độ, kiến thức trong sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng; tư duy về kinh tế của nhà nông từng bước thay đổi theo hướng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, vươn ra thương trường quốc tế.

Chia sẻ với phóng viên, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: Trong hơn 10 năm qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn làm tốt vai trò trung tâm, nòng cốt, vận động và hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện các chính sách đất đai để phát triển kinh tế, nâng tốc độ tăng trưởng ở khu vực nông nghiệp lên khoảng 2,8 đến 3%. Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh HTX Việt Nam đã liên kết thành công sáu nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối, với hơn 15 nghìn HTX và gần 37 nghìn tổ hợp tác, với nhiều nhà doanh nghiệp đóng vai trò “bà đỡ”, nhà khoa học là “bộ não” của nhà nông. “Đóng góp chung vào các mô hình nông nghiệp 4.0, Hội Nông dân các cấp đã liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà nông hình thành các mô hình sản xuất hiện đại, mang lại thu nhập cao cho nông dân, hình thành các chuỗi giá trị. Trong đó, tiêu biểu có Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã phát triển được hơn 1.600 sản phẩm, gắn chặt với các chi hội nông dân nghề nghiệp và các HTX nông nghiệp kiểu mới. Những thành tựu đó đã khẳng định vai trò của Hội Nông dân Việt Nam và nhà nông cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội nước nhà trong thời kỳ mới” - đồng chí Thào Xuân Sùng khẳng định. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nêu trên, thực tế cho thấy, vẫn còn một số cơ sở Hội Nông dân còn thụ động, thiếu nhanh nhạy, kém tích cực trong tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ, khiến vai trò chủ thể của nông dân chưa được phát huy đầy đủ, tạo ra một bộ phận nông dân chưa chủ động trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Một phần nguyên nhân không nhỏ của bất cập đó nằm ở tình trạng “tuyên truyền suông, vận động chay”, thiếu kinh phí xây dựng các mô hình, tổ chức cho nông dân tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, Thiều Văn Son, nguồn kinh phí hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, xây dựng các chi tổ hội, tham gia các chuỗi đầu tư hiện nay đã được các cấp, các ngành quan tâm. Thế nhưng, để các mô hình có thể phát triển vượt trội, trở thành yếu tố giúp nhà nông làm giàu, giúp đỡ nhau thoát nghèo bền vững, cần một nguồn lực lớn và thường xuyên hơn từ việc tham gia các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Cần thêm những cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho nông dân theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển HTX chuyên canh tập thể, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo cơ hội để người nông dân được giao lưu, học tập từ các mô hình của nước ngoài.

Trong khi đó, để xử lý bài toán khó “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, cán bộ Hội Nông dân cần tăng cường giám sát để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, đồng thời vận dụng tối đa năng lực, sự nhiệt tình, trách nhiệm, năng động, sáng tạo gắn với các chủ trương, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước, tránh để nhà nông nói chung, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả nói riêng rơi vào tình thế loay hoay, bế tắc khi đang ở giai đoạn “chín muồi”. Muốn thực hiện điều đó, cán bộ Hội Nông dân phải thật sự trở thành trung tâm, nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới; gương mẫu, đi đầu trong cụ thể hóa và tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh cũng như hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập; dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn cống hiến ý tưởng, hành động để tập hợp, thu hút đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Mặt khác, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế, trang trại, gia trại, tổ chức liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững; tăng cường hỗ trợ nhà nông xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản và tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm cho hội viên nông dân sau đào tạo nghề.