Những “khối u” trăm tỷ đồng ở Bắc Kạn

NDO -

Thời gian qua, Bắc Kạn thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biến sâu khoáng sản để thúc đẩy công nghiệp. Tuy nhiên, do lựa chọn, thẩm định các dự án còn thiếu sâu sát, doanh nghiệp năng lực kém, công nghệ chế biến lạc hậu, hầu hết các nhà máy giờ đắp chiếu, gây thất thoát tài nguyên cả trăm tỷ đồng.

Đã hơn 10 năm qua, Nhà máy điện phân chì kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh chưa một lần vận hành chính thức.
Đã hơn 10 năm qua, Nhà máy điện phân chì kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh chưa một lần vận hành chính thức.

Nằm sâu trong xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn là Nhà máy điện phân chì, kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh. Nhà máy có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng với công suất chế biến lên tới 30 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, kể từ hoàn thành xây dựng tới nay đã hơn 10 năm, nhà máy này chưa một lần vận hành chính thức.

Theo Sở Công thương Bắc Kạn, trong 10 năm qua, nhà máy hoàn thiện và chạy thử được hai lần dây chuyền sản xuất kẽm thỏi, dây chuyền sản xuất kẽm sunfat, axít sunfuric, tuyển nổi chì, kẽm... Đến nay, dây chuyền điện phân kẽm thỏi mới hoàn thiện được 90%; dây chuyền nung luyện chì, điện phân chì thỏi chưa hoàn thiện.

Công ty được tỉnh xem xét cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản tại mỏ chì, kẽm Ba Bồ, nhưng vì không có tiền nên không giải phóng được mặt bằng để triển khai các bước tiếp theo. Không hoạt động, thiếu duy tu, bảo dưỡng nên trong năm 2020, đập ngăn nước của công ty bị nứt, làm trôi đất, đá vùi lấp nhiều ruộng lúa của người dân.

Tại huyện Bạch Thông, Nhà máy Gang Cẩm Giàng của CTCP khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn có tổng mức đầu tư hơn 434 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2014 trên diện tích 4,4ha, cũng đang “đắp chiếu”. Nhà máy sản xuất gang và xỉ giàu Mangan bằng công nghệ lò cao sử dụng 100% quặng Fe Mangan thiêu kết với công suất thiết kế 40 nghìn tấn gang luyện thép và 60 nghìn tấn xỉ giàu Mangan/năm.

Theo tính toán, khi hoạt động nhà máy sẽ có tổng doanh thu 800 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách tỉnh 100 tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm cho từ 150 - 180 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, vận hành một thời gian ngắn thì từ tháng 2-2016, nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng, đến tháng 1-2019 thì dừng hẳn.

Nhà máy luyện kim phi cốc (sắt xốp) của CTCP vật tư thiết bị toàn bộ Matexim với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, công suất 100 nghìn tấn/năm cũng đang bỏ hoang. Dự án đặt mục tiêu tận dụng quặng nghèo, tăng thu cho ngân sách hàng chục tỷ đồng nhưng từ năm 2013 đến 2015, nhà máy chưa khi nào sản xuất đạt 15% công suất thiết kế. Từ năm 2016, nhà máy ngừng hoạt động.

Dự án Nhà máy chế biến bột Canxi Cacbonat của Công ty TNHH MTV Phjaboóc cũng đang bỏ không một dây chuyền gần trăm tỷ đồng ở thôn Nà Hái, thị trấn Phủ Thông…

Mẫu số chung của các dự án chế biến khoáng sản cả trăm tỷ đồng ở Bắc Kạn là sau đầu tư thì không hoạt động, hoạt động cầm chừng, hoặc chỉ vận hành thử một thời gian ngắn thì đóng cửa.

Nguyên nhân do công nghệ chế biến lạc hậu chưa ra được sản phẩm chì, kẽm kim loại, phôi thép, không tính toán kỹ nhu cầu thị trường, năng lực yếu cộng với thị trường tiêu thụ không ổn định. Doanh nghiệp viện lý do sản xuất lỗ, thị trường tiêu thụ đóng băng rồi xin tỉnh cho phép vận chuyển bán khoáng sản thô để tạm thời giúp đơn vị vượt qua khó khăn trước mắt.

Sau vài năm, nhà máy vẫn bỏ không, doanh nghiệp rút dần để lại những khoản nợ lớn cho các ngân hàng vốn đã “tạo điều kiện” đầu tư vốn cho doanh nghiệp. Phần lớn các nhà máy nợ thuế, phí, tiền thuê đất, như: Nhà máy Gang Cẩm Giàng nợ thuế hơn 800 triệu đồng, CTCP Vật tư thiết bị toàn bộ Matexim nợ 200 triệu tiền dịch vụ công ích tại khu công nghiệp…

Tháng 1-2021, Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) đã rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh. Theo đó, tổng dư nợ của khoản nợ tính đến ngày 28-12-2020 là hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó, dư nợ gốc hơn 1.300 tỷ đồng, dư nợ lãi và phạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Tài sản mà công ty thế chấp để vay vốn ngân hàng, gồm: Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn; quyền khai thác mỏ chì kẽm Bó Liều tại xã Đồng Lạc và xã Nam Cường huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn được cấp cho Công ty TNHH Ngọc Linh (thời hạn cấp phép từ tháng 6-2011 đến tháng 5-2016, đến nay đã hết hạn)…

Đối với nhà máy Gang Cẩm Giàng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã cử người lên tiếp quản, trông coi, bảo vệ toàn bộ tài sản để đấu giá nhằm thu hồi vốn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) phát giá khởi điểm số tài sản này hơn 109 tỷ đồng…

5639.jpg -0
 Nhiều thiết bị, dây chuyền của Công ty TNHH Ngọc Linh phơi mưa, nắng trong gần 10 năm qua.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn Trần Văn Cường cho biết, hầu hết các dự án chế biến khoáng sản ở Bắc Kạn hiện tại không hiệu quả. Nhiều dự án đã được chủ đầu tư ban đầu chuyển nhượng cho bên thứ hai nhưng cũng không thấy hoạt động, không liên lạc được, như: Dự án Nhà máy bột Canxi Cacbonat ở thị trấn Phủ Thông. Nhiều dự án chờ ngân hàng phát mại nhưng không rõ có nhà đầu tư nào mua lại hay không. Chưa kể, các trang thiết bị, máy móc, dây chuyền qua 7 đến 8 năm không vận hành, phơi ngoài trời đã xuống cấp, hư hỏng nếu muốn vận hành lại cũng phải đầu tư thay thế, sửa chữa.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Long Hải đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp xác định danh mục dự án đầu tư trọng điểm sử dụng vốn ngoài ngân sách, danh mục dự án đầu tư còn tồn tại, vướng mắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, giải quyết tồn tại, vướng mắc theo thẩm quyền, kiến nghị xử lý theo quy định.

Đồng thời, tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo các dự án đầu tư trọng điểm và Tổ công tác giải quyết các dự án còn vướng mắc, tồn đọng.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp dùng chính đất được thuê và tài sản trên đất để thế chấp ngân hàng vay vốn là rào cản trong việc giải quyết những “khối u” này.

Muốn thu lại đất các dự án không hiệu quả để nhường chỗ cho các dự án mới đang là điều rất khó khăn với Bắc Kạn dù đất đai đã giao, cho thuê đang bị bỏ không, lãng phí hàng chục năm trời.

Bắc Kạn phải kiên quyết thu hồi đất để phục hồi, phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản và nông lâm sản của tỉnh. Đồng thời cần cân nhắc, xem xét kỹ khi chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án chế biến khoáng sản mới để tránh tiếp tục tạo ra những “khối u” trăm tỷ mới.