Ý kiến nhà nông

Nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp với lúa

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa đang đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/vụ cho nông dân. Mức lãi này cao hơn gấp nhiều lần so với chỉ trồng lúa.

Tôm càng xanh. (Ảnh: mard.gov.vn)
Tôm càng xanh. (Ảnh: mard.gov.vn)

Từ năm 2016, dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi” đã được Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện tại bảy tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích 300 ha, có sự tham gia của 233 hộ dân. Trong ba năm, dự án đã triển khai được 15 mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa, trong đó có bốn mô hình luân canh tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và 11 mô hình nuôi xen canh ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang. Kết quả dự án cho thấy việc nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa rất phù hợp với các hộ nông dân có điều kiện kinh tế vừa phải, không có vốn đầu tư lớn. Theo tính toán, các hộ nuôi theo mô hình xen canh trong dự án nếu đầu tư 77 triệu đồng/ha, mỗi vụ sẽ thu được hơn 150 triệu đồng, tức lãi gần 73 triệu đồng. Trong khi đó, nếu sản xuất theo cách truyền thống, đầu tư 53 triệu đồng chỉ có thể thu lợi 35 triệu đồng.

Ngoài ra, dự án đã giúp cho nhiều hộ dân tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, có điều kiện cải thiện cuộc sống. Tùy theo nhu cầu tiêu thụ mà ở mỗi địa phương đưa ra phương hướng sản xuất tôm càng xanh cụ thể. Mô hình này cũng tạo tư duy mới cho người dân tham gia, góp phần thay đổi nhận thức theo hướng mới, thích ứng biến đổi khí hậu (tôm càng xanh có thể chịu độ mặn đến 15‰). Bên cạnh đó, đầu tư cho nuôi tôm càng xanh cũng không cao bằng các hình thức nuôi thủy sản khác, kỹ thuật không quá khó, tỷ lệ rủi ro thấp.

Tuy nhiên, nuôi tôm càng xanh hiện nay vẫn còn một số khó khăn, nhất là con giống. Vào mùa nước nổi, nhu cầu thả nuôi cao cho nên không đủ giống, người dân sử dụng nhiều nguồn giống, cả giống nhập lậu, dẫn đến không bảo đảm chất lượng. Việc sản xuất hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, khó tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, các hộ nuôi tôm rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng các cơ sở mua bán giống. Đồng thời, khi mô hình được nhân rộng, sản phẩm nhiều hơn thì các hộ nuôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ trong việc ký hợp đồng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.