Người trồng mơ ở Bắc Kạn thu nhập cao nhờ liên kết “bốn nhà”

NDO -

NDĐT - Năm nay, người dân Bắc Kạn được mùa, được giá quả mơ vàng. Điều đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu sản phẩm từ mơ quả bị ảnh hưởng nhưng nhờ có liên kết “bốn nhà” mà người trồng mơ vẫn ổn định khâu tiêu thụ, có thu nhập cao.

Công ty TNHH Việt Nam Misaki kiểm tra chất lượng mơ quả tại vùng mơ Cao Kỳ, Chợ Mới.
Công ty TNHH Việt Nam Misaki kiểm tra chất lượng mơ quả tại vùng mơ Cao Kỳ, Chợ Mới.

Xã Cao Kỳ, vựa mơ lớn nhất của huyện Chợ Mới, những ngày này người dân đang tranh thủ thu hái, vận chuyển mơ đi bán cho nhà máy của TNHH Việt Nam Misaki tại Khu công nghiệp Thanh Bình. Toàn xã hiện có 170 ha mơ tại các thôn Hua Phai, Nà Nguộc, Chộc Toòng, Bản Phố, Nà Cà, Tổng Tàng, trong đó có 110 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng bình quân hơn 500 tấn quả mỗi năm. Dọc đường đi qua các thôn, ngút tầm mắt là hình ảnh những vườn mơ xanh mướt, nối nhau san sát trên triền đồi, cây nào cây nấy quả sai trĩu cành.

Từ năm 2018, cây mơ nơi đây có bước phát triển đột phá khi chính quyền địa phương ký hợp đồng bao tiêu với Công ty TNHH Việt Nam Misaki tiêu thụ toàn bộ sản phẩm quả mơ của xã với giá sàn 8.000 đồng/kg trong thời hạn 5 năm liên tục. Quả mơ từ chỗ phụ thuộc tư thương nay đã có đầu ra ổn định. Bà Hà Thị Tươi, thôn Hua Phai có hơn 5 ha mơ, trong đó, hơn 2 ha đã cho thu hoạch. Năm 2019, gia đình bà thu hoạch được 17 tấn, bán với giá bình quân 13.000 đồng/kg, thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm 2020, dù giá có thấp hơn chút ít nhưng nhờ năng suất cao nên dự kiến thu nhập của gia đình không giảm là bao. Ở Hua Phai có 67 hộ dân, thì có khoảng 60% người dân phát triển kinh tế hiệu quả từ trồng mơ.

Với giá thu mua tối thiểu 8.000 đồng/kg, người trồng mơ sẽ thu về 160 triệu đồng/ha nên cây mơ đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế hiệu quả. Nhờ cây mơ, hằng năm, Cao Kỳ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-3,5%/năm. Huyện Chợ Mới hiện có khoảng 300 ha cây mơ, tập trung tại các xã Cao Kỳ, Hòa Mục, sản lượng quả mơ đạt khoảng 700 tấn mỗi năm đều Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại Khu Công nghiệp Thanh Bình để thu mua bao tiêu toàn bộ.

Người trồng mơ ở Bắc Kạn thu nhập cao nhờ liên kết “bốn nhà” ảnh 1

Mơ quả tập kết về nhà máy của Công ty TNHH Việt Nam Misaki.

Một số vùng mơ khác, nhờ có liên kết sẵn có, ổn định hàng chục năm qua với các cơ sở chế biến tại Hà Nội nên năm nay vẫn tiêu thụ ổn định. Tại huyện Bạch Thông, ông Nguyễn Văn Hải, ở thôn Bản Đán, xã Đôn Phong chỉ có 2 ha mơ nhưng nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi vụ thu về gần 10 tấn quả, bình quân mỗi cây thu được 40-50 kg, giá bán bình quân 11.000 đồng/kg, cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Tương tự, chị Bùi Thị Hường, thôn Nà Kha, xã Quang Thuận năm nào cũng thu về từ 30-40 triệu đồng chỉ từ hơn 40 gốc mơ. Từ chỗ chỉ còn lác đác vài chục ha, đến năm 2020, Bắc Kạn đã có tổng diện tích trồng mơ hơn 500 ha, trong đó 300 ha đã cho thu hoạch, doanh thu hơn 100 tỷ đồng/năm. Có được điều này là nhờ liên kết sản xuất bốn nhà, gồm: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước.

Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki Hoàng Thị Lập cho biết, năm 2019, công ty đã thu mua hơn 500 tấn mơ quả với giá bình quân 14.000 đồng/kg. Với công suất chế biến mơ quả 2.000 tấn/năm để xuất khẩu sang Nhật Bản thì vùng nguyên liệu trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng đủ. Hiện tại, công ty vẫn phải thu mua thêm nguyên liệu từ Mộc Châu, Sơn La. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tiêu thụ của công ty tại thị trường Nhật Bản cũng giảm sút, tuy nhiên, công ty vẫn bảo đảm thu mua đầy đủ mơ quả cho nhân dân với giá hơn 10 nghìn đồng/kg.

Người trồng mơ ở Bắc Kạn thu nhập cao nhờ liên kết “bốn nhà” ảnh 2

Nhà máy của Công ty TNHH Việt Nam Misaki vẫn hoạt động dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tỉnh Bắc Kạn cũng chỉ đạo sự vào cuộc của các nhà khoa học, chính quyền để sản xuất, cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng cây mơ. Huyện Chợ Mới thành lập Hợp tác xã Cao Kỳ và Đoàn kết làm đại lý cấp 1 cho Công ty TNHH Việt Nam Misaki, đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm quả mơ của các hộ dân theo hướng dẫn, vận chuyển tới nhà máy. Huyện Bạch Thông triển khai dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mơ vàng” trên diện tích 40 ha tại các xã Đôn Phong, Mỹ Thanh, Hà Vị và Nguyên Phúc. Giống cây được ghép từ mắt mơ bản địa với gốc đào do Viện Nghiên cứu rau quả nhân giống, tỷ lệ cây sống đạt 60-80%. Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn phối hợp Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Nông lâm nghiệp Thành Tây triển khai Dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn cây ưu tú và phát triển cây mơ vàng tại tỉnh Bắc Kạn" đã giúp khôi phục vùng mơ. Thực hiện theo dự án, cây mơ năng suất tăng từ 1-1,5 lần, chất lượng, mẫu mã quả to, đều, đẹp hơn, giá bán ổn định hơn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Cương cho biết, vụ năm 2020, cây mơ Bắc Kạn được mùa với năng suất hơn 70 tạ/ha. Nhờ có liên kết sản xuất, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân vẫn tiêu thụ được mơ quả. Nếu không có cam kết bao tiêu như vừa qua, thì năm nay phần lớn người dân chắc chắn sẽ không biết bán cho ai vì số tư thương tới mua mơ như mọi năm đã giảm hẳn. Trên cơ sở hiệu quả theo mô hình liên kết này, tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các địa phương nhân rộng diện tích phải bảo đảm có liên kết bao tiêu, phấn đấu đến năm 2025 đạt 1.000 ha.

Thực tế, trong những năm qua, dù đã có liên kết bao tiêu nhưng ở Bắc Kạn vẫn còn tình trạng nhiều hộ trồng mơ tự ý phá hợp đồng, bán mơ quả cho tư thương vì thấy giá cao hơn. Nhờ có liên kết sản xuất, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng người dân vẫn được tiêu thụ mơ quả là một bài học rất quý giá cần được ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo người dân, để việc phát triển cây mơ vàng nói riêng và nông sản nói chung thật sự bền vững.