Người dân “thủ phủ” chăn nuôi lợn gặp khó khi tái đàn

NDO -

NDĐT - Sau khi hết dịch tả lợn châu Phi, cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, tại tỉnh Đồng Nai, địa phương được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước, người dân đang nỗ lực để tái đàn. Thế nhưng, người chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, trong khi giá con giống và thức ăn tăng cao.

Người chăn nuôi ở Đồng Nai gặp khó khi tái đàn lợn.
Người chăn nuôi ở Đồng Nai gặp khó khi tái đàn lợn.

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 đã khiến gần như toàn bộ lợn của gia đình ông Bùi Văn Kết, ở xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ phải tiêu hủy do nhiễm bệnh. Sau khi dịch bệnh được khống chế, gia đình ông Kết đã vay mượn tiền để đầu tư sửa chữa chuồng trại, mua con giống tái đàn trở lại. Tuy nhiên, hiện gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. “Nuôi lợn là nghề truyền thống giúp gia đình duy trì cuộc sống hơn 20 năm qua nên dù khó khăn vẫn phải đeo bám. Bây giờ hết dịch, gia đình vay thêm vốn đầu tư sửa chuồng trại, mua con giống để nuôi tiếp, nhưng do thiếu vốn chỉ nuôi được 40 con”, ông Kết chia sẻ.

Sau gần một năm ngưng chăn nuôi, bỏ trống chuồng trại vì dịch bệnh, khoảng ba tháng qua, nông dân ở Đồng Nai đã bắt đầu tái đàn lợn. Tuy nhiên, thời điểm này người chăn nuôi đối mặt với rất nhiều khó khăn vì giá mỗi con lợn giống lên đến hơn 3,3 triệu đồng, đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Ngoài ra, các chi phí đầu vào cũng tăng mạnh, trong khi người chăn nuôi nhỏ lẻ đa phần đã cạn vốn. “Từ lúc xảy ra dịch bệnh đến nay tôi phải ngưng chăn nuôi, gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, thu nhập chẳng đáng là bao. Giờ tái đàn lợn nhưng rất thiếu vốn. Do đó, mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để đầu tư con giống, mua thức ăn”, ông Phạm Văn Mật, ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ cho biết.

Tương tự, ông Phạm Đức Hiệp, ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất cho rằng: Khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn. Bởi lẽ, để tái đàn lợn cần vốn để đầu tư sửa chữa trang trại đáp ứng tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học, mua con giống và nguồn thức ăn. Trong khi đó, giá con giống đang ở mức rất cao, để mua được là điều không hề đơn giản, còn nguồn thức ăn cũng đang tăng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết, dịch tả lợn châu Phi xảy ra vào năm 2019 đã khiến đàn lợn ở Đồng Nai, địa phương được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước bị giảm sâu. Trong đó, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn là những người bị thiệt hại nặng nề nhất, phải tiêu hủy đến hàng trăm nghìn con lợn. Hiện nay, việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp, trang trại lớn. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu muốn phát triển thì cần những giải pháp đồng bộ. “Chăn nuôi lợn đã trở thành nghề truyền thống của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, qua đợt dịch các hộ nhỏ lẻ bị thiệt hại nặng nhất. Do vậy, hiện nay chúng tôi chỉ khuyến khích các hộ chăn nuôi liên kết, thành lập các tổ hợp tác. Trên cơ sở đó, xây dựng một trang trại quy mô lớn, bảo đảm vấn đề an toàn sinh học. Có như vậy, người dân mới có thể duy trì cuộc sống, tiếp tục phát huy nghề chăn nuôi lợn ở địa phương”, ông Huỳnh Thành Vinh nói.

Đồng Nai đang đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020 tổng đàn lợn sẽ đạt mức 2,5 triệu con, bằng với trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi, trong đó việc khai thông các chính sách, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi được cho là một trong những biện pháp cấp bách nhất hiện nay.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, không chỉ tại Đồng Nai, hiện người chăn nuôi nhỏ lẻ trong cả nước đang đối mặt nhiều khó khăn khi tái đàn lợn. Nhà nước đang đẩy nhanh việc chi tiền hỗ trợ cho những người dân có lợn tiêu hủy vì dịch, đồng thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng thương mại cho người chăn nuôi lợn vay với giá ưu đãi, bảo đảm được chu kỳ chăn nuôi của con lợn, kể cả lợn nái và lợn thịt.