Ngành may mặc ở Thái Nguyên khôi phục sản xuất

NDO -

NDĐT - Thái Nguyên là trung tâm may mặc xuất khẩu ở các tỉnh miền núi phía bắc với số công nhân lớn, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng các đơn vị may mặc xuất khẩu trên địa bàn đã có giải pháp vượt qua khó khăn, công nhân không mất việc làm. Đến nay, các đơn vị đã khôi phục sản xuất, ổn định việc làm cho công nhân.

Sản xuất của Công ty TDT trở lại bình thường từ cuối tháng 4-2020.
Sản xuất của Công ty TDT trở lại bình thường từ cuối tháng 4-2020.

Là trung tâm may mặc xuất khẩu ở các tỉnh miền núi phía bắc, tỉnh Thái Nguyên có sáu doanh nghiệp may mặc xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 300 triệu USD, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 30 nghìn công nhân, chủ yếu là người địa phương với mức thu nhập đạt từ 7,5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Gần như toàn bộ nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác, khi dịch Covid-19 diễn ra ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với ngành may mặc tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, từ tháng 2-2020, các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn không thể nhập được nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc; từ tháng 3-2020 nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc được cung ứng trở lại thì dịch bùng phát ở châu Âu, tiếp đến là Mỹ làm cho việc xuất khẩu gần như ắch tắc.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG) Nguyễn Văn Thời chia sẻ: “Với hơn 16 nghìn cán bộ, công nhân, khi dịch Covid-19 diễn ra, công ty chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về nguồn cung nguyên, vật liệu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, xuất khẩu bị “đứt gãy” nên áp lực giải quyết việc làm cho số công nhân rất lớn. Tuy nhiên, nắm bắt nhu cầu của thị trường, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, chúng tôi đã chuyển ngay sang sản xuất khẩu trang và quần áo bảo hộ chống dịch. Cuối tháng 3-2020, chúng tôi đã đề nghị tỉnh và Sở Công thương kiến nghị Chính phủ cho xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ chống dịch khi nhu cầu trong nước đã được đáp ứng. Do đó, việc làm, thu nhập cho công nhân được duy trì gần như trước thời điểm có dịch”.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Ngô Quyết cho biết: “Trước tác động rất tiêu cực của dịch Covid-19 đối với ngành may mặc, khi chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn hợp quy thì lượng khẩu trang cung cấp cho thị trường rất lớn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu với số lượng lớn, đồng thời giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, việc làm cho công nhân nên Chính phủ không phải hỗ trợ an sinh xã hội đối với công nhân ngành may mặc trên địa bàn tỉnh”.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (Công ty TDT) có ba nhà máy may với 1.600 công nhân, khi Covid-19 diễn ra sản xuất cầm chừng để vừa giải quyết việc làm cho công nhân, vừa chờ nối lại cung nguyên, phụ liệu và chờ thị trường xuất khẩu hồi phục. Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TDT Nguyễn Việt Thắng chia sẻ, với cách làm đó nên công ty duy trì việc làm cho người lao động với thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng.

Từ đầu tháng 3-2020, các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nỗ lực nối lại nguồn cung nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc và từ cuối tháng 4-2020, khôi phục xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu cho nên sản xuất được phục hồi gần như bình thường. Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TDT Nguyễn Việt Thắng vui mừng: “Chúng tôi đã có đơn đặt hàng đến tháng 8-2020 và đến nay, sản xuất trở lại bình thường như trước khi có dịch”.

Tương tự như vậy, các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Thành Hưng, Sin-von... khôi phục sản xuất gần như bình thường.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Ngô Quyết cho biết: “Với quan điểm “ly nông bất ly hương”, những năm vừa qua, chúng tôi tích cực tham mưu cho tỉnh quy hoạch, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu đặt nhà máy ở các vùng nông thôn. Vì thế đã giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn với số lượng rất lớn, góp phần tích cực giảm áp lực về giao thông, nhà ở công nhân. Sau khi làm việc tám, chín tiếng mỗi ngày, công nhân về nhà làm các công việc khác thuận lợi”.

Sản phẩm may mặc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng chiếm lĩnh được lòng tin của khách hàng ngoài nước và làm tốt việc mở rộng thị trường nên dư địa phát triển còn lớn. Trong hai năm 2020 và 2021, Công ty TDT dự kiến sẽ mở rộng sản xuất với quy mô gấp hai lần so hiện nay, tăng thêm khoảng 1.500 công nhân; Công ty TNG đang xây dựng nhà máy may xuất khẩu ở các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ để đưa số công nhân lên 20 nghìn người, tăng bốn nghìn công nhân so hiện nay. Thái Nguyên đang hướng tới là trung tâm may mặc xuất khẩu có uy tín.