Nâng sức cạnh tranh của ngành mía đường

Sau 19 năm thực hiện Chương trình một triệu tấn đường, từ chỗ phải nhập khẩu đường, đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu đường. Tuy nhiên, việc thừa sản lượng khiến ngành mía đường phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới: sản xuất manh mún, chi phí cao, tổn thất sau thu hoạch lớn, sức cạnh tranh thấp...

Công nghệ dây chuyền sản xuất của Nhà máy đường Phổ Phong (tỉnh Quảng Ngãi) còn lạc hậu.
Công nghệ dây chuyền sản xuất của Nhà máy đường Phổ Phong (tỉnh Quảng Ngãi) còn lạc hậu.

Ðối mặt nhiều khó khăn

Trong niên vụ mía đường 2013-2014 vừa qua, sản lượng đường của cả nước đạt 1,6 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định, ngành đang phải đối mặt hàng loạt khó khăn như giá thành mía đang ở mức rất cao (800 đến 950 nghìn đồng/tấn), gấp 2,5 lần so với Thái-lan; hai lần so với Ô-xtrây- li-a; 1,5 lần so với Ấn Ðộ; ba lần so với Bra-xin...

Chi phí sản xuất quá cao đẩy ngành đường vào nhiều khó khăn mới. Ðầu tiên là giống mía. Chúng ta đang trồng tới 72 giống mía, chủ yếu nhập từ nước ngoài. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu mía đường chưa có được nhiều thành tựu. Chính Viện kiến nghị với lãnh đạo ngành nông nghiệp là trước mắt công tác nghiên cứu, lai tạo và phát triển giống mía trong nước chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu mới cho sản xuất, và việc nhập giống mía mới từ nước ngoài là rất cần thiết và cần tiếp tục thực hiện... Khâu tưới nước cũng đang gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi, bãi, lại không được trồng tập trung, cho nên việc đầu tư cho tưới công nghệ cao cùng với áp dụng cơ giới hóa đồng bộ không thực hiện được. Ngoài ra, mía thu hoạch xong không được đưa vào chế biến ngay khiến chữ đường giảm chính là nguyên nhân gây tổn thất sau thu hoạch (ước tính 20%)...

Chung quanh vấn đề này, Chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) Lê Văn Tam chia sẻ, mặc dù ngành mía đường đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng chúng ta cũng cần nhìn lại xem mình đang đứng ở đâu? Phải thừa nhận rằng, sản xuất của chúng ta còn nhỏ lẻ, manh mún khiến cho giá mía và giá đường luôn ở mức cao. Các nhà máy đường cần phải tính toán để giảm giá mía xuống còn 400 đến 500 nghìn đồng/tấn mà người nông dân vẫn có lãi ổn định. Lúc đó, chúng ta mới có thể tự tin để cạnh tranh. Bên cạnh đó, ngành cần tính đến việc tận dụng phế phẩm trong sản xuất để làm ra điện và các sản phẩm sinh học khác nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng giá trị kinh tế cho cây mía.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Ðồng cho biết, đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu ảnh hưởng lớn về biến đổi khí hậu, nhưng mía vẫn là một trong những loại cây chủ đạo do có sức sống tốt. Vì vậy, tỉnh vẫn bảo đảm giữ được vùng nguyên liệu cho nông dân. Tuy nhiên, những diện tích mía cho thu nhập rất thấp, (13 đến 15 triệu đồng/ha). Tỉnh và các nhà máy đường đã áp dụng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, nhưng do điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của vùng rất khó áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía. Trước tình hình nêu trên, rất cần Bộ NN và PTNT nghiên cứu chế tạo ra máy thu hoạch mía cho nông dân. Cho đến nay, vẫn chưa có đề tài nào nghiên cứu về cánh đồng mẫu lớn sản xuất mía cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay, chính sách điều hành cơ chế của chúng ta chưa tốt; việc quản lý điều hành thị trường vẫn nặng về xử lý tình thế, chưa linh hoạt; đường tạm nhập tái xuất được phép xuất qua cửa khẩu phụ ở tỉnh Lào Cai gây khó khăn cho xuất khẩu tiểu ngạch của đường sản xuất trong nước; nạn đường nhập lậu tràn lan...

Ðể phát triển ổn định

Trước những khó khăn thách thức kể trên, cần thẳng thắn thấy rằng, đã đến lúc các nhà máy đường và các doanh nghiệp phải cạnh tranh sòng phẳng giữa "sân chơi" kinh tế thị trường. Nhà máy, công ty nào mạnh, tìm ra hướng đi mới bền vững sẽ tồn tại và nhà máy, công ty nào yếu không đủ sức cạnh tranh ắt sẽ bị "đào thải". Câu chuyện của ngành mía đường cho thấy đang cần sự liên kết, hợp tác giữa các nhà máy đường, các doanh nghiệp. Tất cả cần phải nhìn về một hướng. Nhu cầu bức thiết trước mắt là tái cơ cấu, giảm giá thành, liên kết sản xuất chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trồng mía...

Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Mía đường I Nguyễn Văn Hội chia sẻ: Nhận thấy những khó khăn của thị trường trong nước và quốc tế, Tổng công ty luôn đi đầu trong việc sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, tránh tồn đọng sản phẩm đường. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đang tái cơ cấu: rà soát quy hoạch, đánh giá lại điều kiện sản xuất sao cho khả thi...

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám đánh giá: Ngành mía đường vẫn bảo đảm cung ứng trong nước, ổn định thị trường, đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước trong niên vụ qua là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành cần thực hiện các giải pháp mang tính đột phá: điều tra, đánh giá lại toàn bộ các khâu từ quy hoạch đất trồng mía sao cho phù hợp thổ nhưỡng của từng vùng cho đến cơ giới hóa... Rà soát tất cả các yếu tố để có thể giảm giá thành, kể cả trong chế biến và tiêu thụ. Ngoài ra, cần chuyển một số diện tích kém hiệu quả, khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại các mô hình tập thể, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất cần chặt chẽ hơn. Trong năm 2014, ngành cần sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về mía đường...

Ðã đến lúc, phải thực hiện một cách quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ trên xuống: Bộ NN và PTNT sớm có chiến lược dài hạn cho ngành; Bộ Công thương dự báo chính xác lượng cung, cầu để tránh tồn đọng; Hiệp hội mía đường Việt Nam, các nhà máy đường tổ chức lại tất cả các khâu từ sản xuất cho đến xuất khẩu... Có như vậy ngành mía đường Việt Nam mới có thể cạnh tranh với ngành đường thế giới.

Vụ sản xuất 2013-2014, diện tích mía cả nước là 309.400 ha, tăng 11.200 ha so với vụ trước; năng suất mía bình quân cả nước đạt 64,7 tấn/ha, tăng 0,8 tấn/ha; hiện cả nước có 41 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất thiết kế là 140.450 tấn mía/ngày; trong đó sản lượng mía ép công nghiệp đạt hơn 16 nghìn tấn, sản xuất được gần 1,6 triệu tấn đường, tăng hơn 60 nghìn tấn đường so với niên vụ trước.