Mô hình bán hàng “tự phục vụ” tại Việt Nam: Tại sao không?

NDO -

NDĐT – Khách hàng tự mở cửa, tự chọn sản phẩm cần thiết, ăn thử, tự quét mã vạch, thanh toán rồi ra về... mô hình kinh doanh tưởng như kỳ lạ này đã mang lại cho anh Đào Khánh Hiệp - Sáng lập và CEO của chuỗi cửa hàng kinh doanh chocolate tươi MAMA Chocolate - lợi nhuận hàng trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Anh Đào Khánh Hiệp trong cửa hàng độc đáo của mình.
Anh Đào Khánh Hiệp trong cửa hàng độc đáo của mình.

Bán hàng bằng niềm tin từ sự tử tế

Ở Nhật Bản, những hệ thống cửa hàng tự phục vụ không còn là điều xa lạ. Không có bất kỳ nhân viên nào trông coi, khách hàng tới đây sẽ tự chọn đồ, tự thanh toán theo giá niêm yết sẵn. Mỗi ngày, chủ cửa hàng chỉ ghé qua một hoặc hai lần để bổ sung thêm sản phẩm hoặc thu tiền trong két. Không những tiết kiệm chi phí thuê nhân công, cách làm này còn góp phần giáo dục sự tự giác, tính trung thực, tôn trọng lẫn nhau giữa hai phía: khách và chủ cửa hàng.

“Thú thật, khi nảy ra ý định đưa mô hình kinh doanh này vào thử nghiệm tại Việt Nam, tôi cũng tự thấy mình đang mạo hiểm. Một số người thân, bạn bè còn cho rằng, cửa hàng của tôi sẽ sớm... sập tiệm. Họ nói với tôi: Đây là Việt Nam, chứ không phải Nhật Bản!” – anh Đào Khánh Hiệp nhớ lại.

Bỏ ngoài tai những lời khuyên đó, tháng 6-2016, MAMA Chocolate Fanbox đầu tiên ra đời. Để hỗ trợ khách, anh Hiệp lắp đặt hệ thống thiết bị hỗ trợ bằng giọng nói, dán các hướng dẫn mua hàng ở những vị trí cần thiết. Ngoài ra, cửa hàng của anh còn có rất nhiều hòm thư tay bằng gỗ. Anh cho biết, đây là những công cụ “đưa con người lại gần nhau hơn”. Bởi thông qua những hòm thư tay này, khách hàng có thể liên hệ với nhân viên của MAMA Chocolate hoặc gửi thư làm quen lẫn nhau, từ đó xa rời công nghệ “để quay lại với những tình cảm chân thật nhất”.

Những ý tưởng phát triển mô hình kinh doanh của ông chủ SN 1983 đã đem lại hiệu quả không ngờ. Chỉ sau hơn chín tháng, cửa hàng đã mang về khoản thu xấp xỉ một tỷ đồng. Anh Hiệp cho biết, trong số hơn 4.000 đơn hàng đã bán, chỉ có một trường hợp duy nhất “cố tình quên” không trả tiền. “Thực tế, dù đã có một số tính toán nhất định, nhưng tôi không ngờ tỷ lệ rủi ro lại thấp đến mức đó”, anh Hiệp chia sẻ.

Từ lập trình viên trở thành ông chủ

Ít ai biết rằng, mọi thứ liên quan đến công nghệ trong cửa hàng đều do anh Hiệp thiết kế, điển hình như phần mềm giới thiệu, thanh toán sản phẩm. Hơn nữa, mô hình khởi nghiệp bằng cửa hàng tự phục vụ ở thời điểm hiện tại cũng không phải thành công đầu tay của anh.

Mô hình bán hàng “tự phục vụ” tại Việt Nam: Tại sao không? ảnh 1

Sản phẩm chocolate tươi của anh Hiệp.

Chocolate tươi đến với anh Hiệp rất tình cờ. Khoảng năm 2013, được mẹ làm cho ăn thử chocolate tươi, anh cảm thấy rất ngon và tự hỏi: Tại sao không thể công nghiệp hóa nó thành một sản phẩm để đưa ra thị trường? Nghĩ là làm, “máu liều” lập tức thôi thúc anh theo đuổi vị ngon ngọt lạ thường từ miếng chocolate của mẹ. Anh xin nghỉ công việc lập trình viên với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng để tập trung nghiên cứu chocolate tươi. “Tôi dành hết tháng lương cuối cùng mua được một chiếc tủ lạnh và vật liệu để chế tạo chiếc máy quấy chocolate đầu tiên. Nồi niêu với những thứ lặt vặt, tôi về nhà mượn của mẹ”, anh Hiệp vừa cười vừa kể lại.

“Vạn sự khởi đầu nan”, khó khăn trong những ngày đầu theo đuổi ước mơ cứ liên tục dồn đến. Kinh nghiệm chưa có nhiều, anh chủ yếu tự trau dồi qua hàng trăm mẻ chocolate hỏng. Chiếc máy quấy trục trặc liên miên, khiến anh nhanh chóng trở thành “khách thân” của những cửa hàng vật liệu điện gia dụng. Vay hết đủ lượt người thân, bạn bè, anh mạnh dạn đi vay ngân hàng để có thêm vốn đầu tư...

“Tổng số tiền đi vay mượn khắp nơi có lúc lên tới hơn 500 triệu đồng. Nhiều khi cửa hàng khó khăn tới mức, tôi phải bán từng viên chocolate lẻ. Có người mua... ba viên, có người năm viên”, CEO MAMA Chocolate nói.

Sau một thời gian lận đận, anh rút được kinh nghiệm: Nguyên nhân chủ yếu của việc cửa hàng vắng khách là do người Việt Nam chưa có trải nghiệm với chocolate tươi, mà vẫn chỉ quen dùng sản phẩm chocolate truyền thống. Bởi vậy, dù đang khó khăn, anh vẫn quyết định mở chương trình ưu đãi: khách chỉ cần đến cửa hàng là được dùng thử sản phẩm miễn phí không giới hạn. Cũng chính “nước cờ” mạo hiểm ấy đã giúp MAMA Chocolate gây dựng tiếng vang, chiếm được niềm tin từ khách hàng.

Gần ba năm hăng say phát triển, số lượng cửa hàng của MAMA Chocolate đã lên tới 11, lượng khách hàng tương tác với tài khoản Facebook chính thức của MAMA Chocolate cũng vượt qua ngưỡng 300 nghìn người. Đây vừa là thành công, cũng là áp lực lớn dồn lên vai những người quản lý chuỗi cửa hàng. Trước nguy cơ tụt lại phía sau do thiếu ý tưởng đổi mới mô hình sản phẩm, anh Hiệp tiếp tục đưa ra một quyết định vô cùng mạo hiểm: Đóng cửa chuỗi cửa hàng để chuyển sang mô hình “tự phục vụ” Fanbox (!)

Nhìn về những đích đến cao hơn

Hiện nay, MAMA Chocolate không chỉ cung cấp sản phẩm chocolate tươi, mà còn phát triển thêm các loại bánh, kem, nước hoa quả tự nhiên... với phong cách đặc trưng riêng. Anh Hiệp cho biết, sắp tới sẽ tung ra sản phẩm son dưỡng môi từ bơ cacao nhãn hiệu MAMA Chocolate.

“Chỉ trong khoảng hai tháng nữa, khách hàng tới đây thậm chí sẽ không cần phải soi mã vạch, mà chỉ cần để túi hàng lên bàn là máy tính sẽ tự động in hóa đơn ngay lập tức. Không những vậy, nếu khách hàng đồng ý, tiền thừa sau khi mua hàng sẽ được tích vào hệ thống, trừ vào lần mua hàng tiếp theo”, anh giới thiệu.

“Ước mơ của tôi là MAMA Chocolate Fanbox có mặt ở khắp mọi nơi, không chỉ tại TP Hà Nội, mà còn ở trên khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí vươn ra thị trường nước ngoài. Tôi muốn mọi người thấy rằng, sản phẩm chocolate tươi thủ công của Việt Nam không hề thua kém những đối thủ ở các nước phát triển trên thế giới”, anh Hiệp khẳng định.

Vừa qua, MAMA Chocolate đã khai trương một Fanbox mới tại TP Hải Phòng. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự thành công của nét văn hóa rất riêng: văn hóa bán hàng bằng niềm tin dựa vào sự trung thực và tử tế của khách hàng. Đồng thời, cũng là minh chứng cho câu nói “cửa miệng” của Đào Khánh Hiệp: “Tôi đặt hết niềm tin vào khách hàng, họ sẽ mang niềm tin gửi lại cho tôi!”.