Làm giàu từ cây vụ đông

NDO -

Còn khoảng hai tuần nữa, các trà trồng cà rốt tại Hải Dương sẽ vào vụ thu hoạch. Năm nay, không chỉ cà rốt, rau vụ đông trên địa bàn được đánh giá là thắng lợi, đem lại cho người dân nơi đây một cái Tết đủ đầy.

Cây vụ đông năm nay ở Hải Dương được mùa được giá.
Cây vụ đông năm nay ở Hải Dương được mùa được giá.

Cây vụ đông được mùa được giá

Những ngày đầu năm 2021, một màu xanh mướt trải khắp cánh đồng trên địa bàn xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đường giao thông nông thôn được mở đến tận ruộng, tạo thuận lợi cho xe vào vận chuyển hàng hóa.

Chị Nguyễn Thị Bích, xã Đức Chính miệt mài làm cỏ cho trà cà rốt dự kiến sẽ cho thu hoạch vào khoảng 2- 3 tuần nữa. Trồng 15 sào đất, cho thu hoạch khoảng 1,5 - 2 tấn/sào, trong đó đã có những trà đã cho thu hoạch.

“Cây vụ đông nói chung và cà rốt nói riêng trên địa bàn xã Đức Chính được những người nông dân ở đây đánh giá là được mùa, được giá. Thời tiết thuận, giá bán từ 9-10 triệu đồng/sào, đem lại cho người trồng một cái Tết đủ, đầy”, chị Nguyễn Thị Bích hồ hời cho chúng tôi hay.

Cũng theo chị Bích, nông dân cứ thu được như vậy là được giá, hiện các cai, chủ vựa đang ra thu mua cà rốt. Quy trình trồng cà rốt sạch không khó đối với bà con, sau khi đất phải được dọn sạch cỏ dại, sau đó cày bừa kỹ, phay nhỏ, san phẳng rồi lên luống, rắc phân, bón lót, gieo hạt, cây cà rốt có thời gian sinh trưởng từ 100-130 ngày. Trồng cà rốt thuận lợi hơn trồng dưa hấu và đầu tư cũng ít hơn.

“Dưa hấu ngắn ngày nhưng mất nhiều công, giá bấp bênh, đến thời điểm là phải thu hoạch nếu để lâu sẽ bị hỏng. Trồng cà rốt dài ngày nhưng dễ làm hơn, lợi nhuận cao hơn, thời điểm đắt thì bán còn rẻ thì có thể thu hoạch lui lại”, chị Bích cho biết.

Thắng lợi từ cây vụ đông, nông dân có Tết ấm -0
Không khí làm việc sôi nổi ở HTX dịch vụ Đức Chính những ngày cuối năm.

Hiện nay, diện tích cây vụ đông của xã Đức Chính đạt 385 ha, trong đó, có 320 ha là đất chuyên kinh doanh cây rau màu. Cà rốt là cây trồng chủ lực của xã, ngoài ra, còn cây dưa hấu, ngô ngọt, rau mùi và rau gia vị các loại.

Ông Vương Đức Dũng, huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính cho hay, cách đây khoảng 15 năm đến 20 năm, cây vụ đông rất phát triển trên địa bàn Hải Dương, hầu hết xã nào cũng gieo trồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, do chuyển dịch cơ cấu cây trồng, diện tích cây vụ đông đang giảm dần. Tuy nhiên, riêng với xã Đức Chính, chúng tôi rất coi trọng cây vụ đông và xác định đây là vụ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân và là vụ chính, ngoài vụ đông, Đức Chính còn có hai vụ lúa.

Theo ông Vương Đức Dũng, để sản xuất cây vụ đông thành công một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là chọn được loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đồng đất, thích ứng với khí hậu và điều quan trọng hơn nữa là sản phẩm sản xuất ra có nơi tiêu thụ. “Để tiêu thụ được, người dân phải tổ chức sản xuất tốt, áp dụng các biện pháp, giải pháp kỹ thuật tạo ra sản phẩm an toàn bảo đảm chất lượng và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Vương Đức Dũng nói.

Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến

Ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Chính những ngày đầu năm 2021, tất bật xe hàng vào ra, máy rửa cà rốt hoạt động liên tục, hoạt động phân loại đóng gói diễn ra sôi động. Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, đánh giá, thời tiết thuận lợi, năng suất cây vụ đông năm nay đạt 43-47 tấn/ha, giá mua từ 9-10 triệu đồng/sào. Bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân, HTX đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cà rốt cũng như hình ảnh, con người Đức Chính đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp lớn về liên kết tiêu thụ sản phẩm rau vụ đông nói chung và cà rốt nói riêng của các hộ nông dân trên địa bàn.

Thắng lợi từ cây vụ đông, nông dân có Tết ấm -0
Đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu là những giải pháp dài hạn cần để thúc đẩy  sản xuất bền vững.

Bên cạnh thời tiết thuận, ông Nguyễn Đức Thuận cho hay, dù năm nay được đánh giá được mùa, được giá, nhưng nhìn chung, giá cả còn bấp bênh, doanh nghiệp vẫn chưa tìm đến sâu hơn để bao tiêu sản phẩm từ khi gieo trồng đến khâu thu hoạch.

Do đó, HTX đang kêu gọi có nhiều hơn nữa doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến hỗ trợ trồng chăm sóc tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kho lạnh. Việc này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp có được vùng nguyên liệu bảo đảm an toàn, đồng thời, giúp bà con yên tâm trong quá trình sản xuất.

Hiện, trên toàn địa bàn xã Đức Chính có bảy đến tám cơ sở thu gom, sơ chế. Con số này còn quá khiêm tốn so với năng lực sản xuất và thu hoạch nông sản của bà con trên địa bàn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số vẫn bị hư hỏng. Do đó, phía HTX cũng kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm đầu tư khâu cuối cùng đó là sơ chế, bảo quản để bảo đảm đầu ra, không bị ép giá.

Để nông nghiệp, nông thôn Hải Dương tiếp tục phát huy thế mạnh, phát triển ổn định và bền vững, tại buổi làm việc với tỉnh Hải Dương cuối tháng 12-2020, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đề nghị Hải Dương phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Chuyển đổi từ chuỗi cung ứng sang chuỗi liên kết và hướng tới chuỗi giá trị. Hình thành những mô hình nông nghiệp khép kín từ đồng ruộng tới bàn ăn. Tỉnh cần đầu tư cho chế biến sâu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nhất là nông sản chủ lực mang đặc trưng của địa phương. Hải Dương cần có cơ chế nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh ước đạt 19.050 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm 2019 và 2,3% so với kế hoạch năm. Điểm nổi bật của nông nghiệp Hải Dương là rau màu vụ đông đã được quy vùng sản xuất tập trung, cho giá trị từ 150-300 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có những vùng đạt 600 triệu đồng/ha/năm.