Không có chuyện nhổ bỏ hoa vì dịch Covid-19

NDO -

NDĐT- “Không có chuyện nhà vườn nhổ bỏ hàng loạt hoa cúc vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Với giá cả thu mua hoa và sức tiêu thụ của thị trường hiện tại, nhà nông vẫn bảo đảm thu hồi vốn và công lao động”, ông Hoàng Công Mai (Làng hoa Thái Phiên, Phường 12, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), khẳng định.

Theo chính quyền địa phương, những diện tích hoa cúc phải nhổ bỏ chiếm tỷ lệ rất ít, do sâu bệnh gây hại, phải tiêu hủy để tránh lây lan dịch bệnh.
Theo chính quyền địa phương, những diện tích hoa cúc phải nhổ bỏ chiếm tỷ lệ rất ít, do sâu bệnh gây hại, phải tiêu hủy để tránh lây lan dịch bệnh.

Gần đây, một số thông tin cho rằng, người trồng hoa ở thành phố ngàn hoa Đà Lạt lâm cảnh khốn đốn, hoa không bán được, nhiều hộ đành ngậm ngùi nhổ bỏ. Nguyên nhân, do ảnh hưởng dịch Covid-19?!

Tuy nhiên, thực tế tại nhà vườn và qua khảo sát của nhà chức trách địa phương, câu chuyện lại khác. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Không có chuyện nhà nông nhổ bỏ hoa hàng loạt do ảnh hưởng dịch Covid-19, đẩy giá xuống thấp, thị trường không tiêu thụ. Thực tế, những diện tích phải nhổ bỏ chiếm tỷ lệ rất ít, nguyên nhân là do sâu bệnh gây hại, hoa không bảo đảm chất lượng, phải tiêu hủy để tránh lây lan dịch bệnh.

“Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu, tiêu thụ nông sản nói chung. Nhưng, tác động không lớn đối với một số mặt hàng, như rau, hoa Đà Lạt. Qua kiểm tra, khảo sát, giá cả tương đối ổn định, lượng hàng hóa cơ bản được tiêu thụ”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết.

Không có chuyện nhổ bỏ hoa vì dịch Covid-19 ảnh 1

Ông Mai trong vườn hoa cúc của gia đình.

Thực tế tại một số nhà vườn ở xứ hoa Đà Lạt, thấy rằng, giá hoa cúc có giảm so cùng kỳ năm ngoái khoảng 20 đến 30%. Do chuyển đổi trạng thái tiêu dùng trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, sức mua hướng đến sản phẩm lương thực thay cho sản phẩm trang trí, làm đẹp; cùng với đó, nhiều diện tích hoa cúc bị ảnh hưởng sâu bệnh, thời tiết, nở không đúng thời điểm tiêu thụ theo nhu cầu thị trường.

Theo ông Hoàng Công Mai (Làng hoa Thái Phiên, Phường 12, TP Đà Lạt), gia đình ông có hơn bốn sào (4.000m2) đất, thường canh tác hoa cúc, hai tháng nay hoa vẫn tiêu thụ được, giá bán tại địa phương thấp hơn năm ngoái khoảng 30%, còn giá chuyển đại lý tại TP Hồ Chí Minh thì đang chờ, vì lâu nay người dân ở đây thường “ăn giá sau” (tức sau khi bán được hàng đại lý mới báo giá lại cho nhà vườn).

“Do ảnh hưởng chung dịch Covid-19, sức mua thị trường hoa có giảm, nhưng chưa đến nỗi. Trước đây bán mười, thì giờ bán được sáu, bảy phần; chưa đến mức phải nhổ bỏ hoa như thông tin báo chí, mạng xã hội loan tin vừa qua”, ông Mai nói.

Theo ông Mai, thường tỷ lệ hoa cúc hư hỏng khoảng 10 đến 20%, điều đó khó tránh khỏi, do sâu bệnh, đành phải nhổ bỏ để tránh lây lan dịch bệnh và không đạt chất lượng xuất ra thị trường. “Với mức giá và thị trường tiêu thụ như hiện nay, nhà nông lấy lại được công và vốn để sản xuất vụ mới”, ông Mai chia sẻ.

Theo cơ quan chuyên môn địa phương, thời điểm này, tình hình dịch bệnh rỉ sắt trên cây hoa cúc tăng khoảng 3% so cùng kỳ năm 2019, có thể một số vườn bị bệnh này nên hoa không bảo đảm chất lượng, không tiêu thụ được nên phải nhổ bỏ và tiêu hủy, chống lây lan dịch bệnh.

Không có chuyện nhổ bỏ hoa vì dịch Covid-19 ảnh 2

Cán bộ khuyến nông thăm vườn hoa cúc của nhà nông tại Phường 12, TP Đà Lạt

Ông Đặng Bảo Vinh, cán bộ khuyến nông Phường 12, TP Đà Lạt, cho biết: “Theo quan sát một số hình ảnh báo chí, mạng xã hội đưa lên, tôi đoán, những cây hoa cúc bị đổ bỏ là do bị bệnh, không bán được. Gia đình tôi cũng trồng hoa cúc. Thời điểm này, chúng tôi vẫn bán hoa cúc đóa lưới giá từ 12 đến 14 nghìn đồng/bó (10 cành), cúc chùm từ 4,5 đến 5 nghìn đồng/bó (5 cành) và cúc kim cương chén có giá cao, từ 23 đến 24 nghìn đồng/bó (10 cành)”.

Theo UBND TP Đà Lạt, hiện tổng diện tích gieo trồng hoa cúc trên địa bàn thành phố hơn 800 ha và diện tích chuẩn bị thu hoạch hơn 400 ha. Loài hoa này được canh tác tập trung tại các phường 7, 8, 9, 11, 12 và xã Xuân Thọ… Trước tình hình dịch Covid-19, thành phố dự báo, thị trường hoa có thể giảm sức cạnh tranh so với lương thực, thực phẩm, rau quả phục vụ đời sống.

“Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân, tùy điều kiện, có thể chuyển đổi một số diện tích canh tác hoa sang gieo trồng rau và các loại lương thực, thực phẩm khác, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng hiện nay”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn gợi mở.