Khắc phục lỗi vận hành, kết nối đồng bộ hệ thống ETC

NDO -

Thời gian qua, việc triển khai thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) đã đạt được những bước tiến đáng kể. Giai đoạn 2 của dự án (BOO2) do Công ty cổ phần Giao thông số (VDTC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai, sau hơn bốn tháng đã đạt 550 nghìn phương tiện dán thẻ ePass.

Xe qua làn ETC tại trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình.
Xe qua làn ETC tại trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình.

Để tạo thuận lợi cho phương tiện qua trạm thu phí, yêu cầu quan trọng nhất chính là tính kết nối và đồng bộ của hệ thống, bởi vừa qua việc vận hành đã phát sinh một số lỗi, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các chủ thể liên quan.

Vẫn xảy ra lỗi hệ thống vận hành

Từ ngày 1-1-2021, cả nước đã có 91 trạm thu phí đưa vào vận hành hệ thống ETC (56 trạm thuộc dự án BOO1 và 35 trạm thuộc dự án BOO2). Hệ thống dữ liệu của hai dự án BOO1 và BOO2 đã được kết nối để bảo đảm chủ phương tiện chỉ cần sử dụng một trong hai thẻ VETC hoặc ePass đều có thể lưu thông thuận tiện qua 91 trạm thu phí có lắp đặt ETC.

Tuy nhiên, đợt kiểm tra trực tiếp việc quản lý vận hành hệ thống ETC tại các trạm thu phí có lưu lượng lớn như trạm Quốc lộ 1 Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình,... Vụ Đối tác công - tư, thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận định, hệ thống còn nhiều vướng mắc về quá trình quản lý, vận hành.

Cụ thể, lỗi đọc thẻ (xe dán thẻ đủ điều kiện nhưng barie không mở), xảy ra tại các trạm của nhà đầu tư BOT lắp đặt thiết bị Front-end (đầu - cuối) kết nối với Công ty VDTC. Đại diện Vụ PPP phân tích nguyên nhân do VDTC mới tham gia dự án, nên còn gặp các lỗi trong quá trình dán thẻ cho khách hàng, sau đó VDTC đã điều chỉnh lại quy trình dán thẻ và tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình dán thẻ; cử cán bộ thường trực tại các trạm thu phí xử lý kịp thời, thay thế các thẻ dán bị lỗi cho khách.

Mặt khác, các phương tiện dán thẻ VDTC kết nối Viettel Pay thường bị lỗi khi qua các trạm của Công ty TNHH thu phí tự động VETC quản lý do không kiểm tra được số dư trong tài khoản giao thông dẫn đến barie không mở. Cá biệt, có hiện tượng xe không qua trạm nhưng bị trừ tiền, nguyên nhân lỗi do nhà cung cấp dịch vụ sử dụng ứng dụng đọc biển số, tuy nhiên do xác suất đọc biển hoặc nhân viên nhập biển bị nhầm dẫn đến xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền.

Tại các trạm thu phí kín, nhiều hiện tượng xe đi qua trạm thu phí đầu ra không thành công do nhiều nguyên nhân như xe đi vào làn một dừng đi ra đi vào làn tự động không dừng thì hệ thống không thể tính được tiền; xe vào làn thu phí không dừng nhưng không đủ điều kiện ra do yêu cầu mức tiền duy trì tối thiểu trong tài khoản giao thông nhỏ hơn số tiền thực tế phương tiện phải trả.

Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, Tổng cục đã yêu cầu VDTC chấn chỉnh lại việc dán thẻ và bố trí nhân viên thường trực tại trạm, thẻ nào bị lỗi dán lại ngay cho chủ phương tiện. Tổng cục cũng giao hai nhà cung cấp dịch vụ ETC xây dựng quy chế phối hợp, vận hành hệ thống, quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia, cũng như xác định rõ quy trình vận hành. Bộ GTVT cũng yêu cầu hai nhà đầu tư tập trung cao độ, giải quyết triệt để các lỗi phát sinh ngay trong tháng 4 này, nhằm tạo thuận lợi cho các chủ phương tiện.

Nâng cao trách nhiệm các chủ thể

Tổng giám đốc VDTC Bùi Trình chia sẻ, việc tăng trưởng “nóng” số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC là yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành GTVT. Chỉ sau hơn 4 tháng khai trương, ePass đã cung cấp dịch vụ tại gần 3.000 điểm dịch vụ cố định và gần 20 nghìn cộng tác viên lưu động, phục vụ dán thẻ thu phí tự động cho gần 550 nghìn khách hàng trên cả nước, chiếm 1/3 lượng phương tiện sử dụng ETC trên toàn quốc. Hiện tại, số lượng trạm thu phí ETC đạt hơn 90% số lượng trạm thu phí trên toàn quốc, góp phần tăng cao nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trên toàn quốc từ 26% lên gần 40%, tỷ lệ khách hàng có hành vi nạp tiền sử dụng dịch vụ tăng từ 35% lên gần 50%.

Là một thành viên của Tập đoàn Viettel, VDTC tham gia dự án BOO2 với tinh thần làm việc của người lính, quyết liệt, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, có những vị trí như Trạm thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), ngày 18-12-2020, VDTC mới ký hợp đồng cung cấp dịch vụ ETC, nhưng đến ngày 21-12 đã hoàn thành, bởi trước đó, đơn vị đã ráo riết tiến hành các công việc lắp đặt, chuẩn bị vận hành đáp ứng đầy đủ yêu cầu.

Mặc dù phát sinh một số lỗi vận hành, song lãnh đạo VDTC khẳng định, các trạm thu phí lắp đặt ETC do công ty triển khai đều vượt chỉ số kỹ thuật theo yêu cầu đề ra. Đơn cử, theo yêu cầu, tỷ lệ nhận diện biển số đạt 91% tổng số phương tiện qua trạm, nhưng thực tế tỷ lệ nhận diện của VDTC đạt hơn 99%; yêu cầu tỷ lệ đọc thẻ đạt 98%, thực tế VDTC đạt gần 100%, các giao dịch được trừ tiền cũng đạt 100%. Điều này cho thấy, sau vài tháng vận hành, các chỉ tiêu kỹ thuật của hệ thống do VDTC triển khai đã từng bước ổn định, bảo đảm độ tin cây đề ra.

Lý giải một số sự cố phát sinh như thiết bị ETC không nhận diện được thẻ mã hóa gắn trên xe, xe gắn thẻ ePass của VDTC bị lỗi khi qua trạm thuộc dự án BOO1 do không kiểm tra được số dư tài khoản dẫn đến barie không mở; việc kết nối liên thông giữa một số trạm thuộc BOO1 và BOO2 chưa thông suốt,... ông Bùi Trình cho rằng, việc chưa nhận diện được thẻ có nguyên nhân khách quan một số trạm lắp đặt gờ giảm tốc ngay trước giá long môn gắn thiết bị đọc, dẫn đến tín hiệu truyền từ thẻ đến thiết bị không ổn định. Vấn đề này có thể được khắc phục bằng công nghệ nhận diện biển số, hệ thống thu thập đủ các thông tin để mở barie cho xe lưu thông qua trạm thu phí bình thường.

Ngoài ra, VDTC đã xây dựng các phầm mềm để tăng tính kết nối với các trạm thu phí thuộc BOO1, trong đó có việc kiểm tra tài khoản, trừ tiền ngoại tuyến (offline) cho các xe sử dụng ví điện tử Viettel Pay có đủ điều kiện qua trạm thu phí, khắc phục lỗi các trạm của BOO1 không nhận diện được số dư tài khoản Viettel Pay.

Hệ thống ETC về bản chất là áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin - viễn thông vào lĩnh vực giao thông đường bộ. Do vậy, để vận hành ổn định, thông suốt, hệ thống này cần được xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết, giúp đồng bộ hóa thiết bị và cần có hệ thống dự phòng đi kèm từ đường truyền dẫn, máy chủ đến thiết bị nhận diện,...

Việc tạo thói quen cho người tham gia giao thông sử dụng dịch vụ ETC cũng chính là xây dựng hệ sinh thái số trong ngành giao thông. Từ đó, không chỉ giúp phương tiện lưu thông thuận lợi mà còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong tác giám sát, điều hành và tạo động lực để phát triển các ngành kinh tế khác, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

“Là đơn vị nhà cung cấp dịch vụ ETC, chúng tôi cần có sự đồng hành của các đơn vị liên quan trong hệ thống cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, cần có hệ thống giám sát, các tiêu chí đánh giá rõ ràng để các nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ cùng đồng hành với nhau”, ông Bùi Trình bày tỏ.

Trong hệ thống ETC, có nhiều chủ thể kết nối liên thông với nhau, đơn cử như kết nối giữa các trạm BOT, giữa trạm BOT với nhà cung cấp dịch vụ ETC và giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Để bảo đảm tính kết nối thường xuyên, liên tục, cơ quan quản lý Nhà nước cần có một trung tâm kiểm soát kết nối, giúp nhanh chóng phát hiện vướng mắc ở khâu nào và có giải pháp kịp thời để tháo gỡ.

Phó vụ trưởng Đối tác công - tư (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ ETC cần xây dựng quy chế phối hợp để giải quyết vướng mắc, và đây cũng là cơ sở để xử lý trách nhiệm giữa các bên liên quan. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có quy định rõ ràng về quản lý vận hành trạm thu phí ETC. Bộ GTVT đang rà soát để ban hành quy chuẩn thu phí không dừng, trên cơ sở Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ xây dựng quy định về đầu tư xây dựng, quản lý vận hành và khai thác trạm ETC, nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng để triển khai cho các tuyến cao tốc sau này.