Hoa của đất

NDO -

NDĐT - Con người, ngoài giá trị kết tinh của thiên, địa; có lẽ trong thời đại mới còn cần phải biết trả ơn - như những đóa hoa lớn lên từ đất và dâng hương sắc cho đời. Nguyễn Thị Thu, Lê Na,  đều là nông dân trí thức, những người con nặng lòng với đất mẹ. Họ dành trọn tâm, trí, lực để kết nối, lan tỏa tình yêu và lòng tri ân của những người nông dân với đất đai, đồng ruộng. Họ chính là những đóa hoa đẹp nhất được đất mẹ nuôi dưỡng, ươm trồng.

Hiểu được giá trị của đất đai, chị Nguyễn Thị Thu luôn nâng niu, trân trọng từng nguồn sống lặng thầm trong lòng đất.
Hiểu được giá trị của đất đai, chị Nguyễn Thị Thu luôn nâng niu, trân trọng từng nguồn sống lặng thầm trong lòng đất.

Bài 1:

Kéo nông dân trở lại với ruộng đồng

Chọn lối rẽ ngang làm nông nghiệp, Nguyễn Thị Thu đã thức tỉnh được những người nông dân quê mình. Chị đặt từng bước chân quyết đoán, chắc nịch để bà con hiểu được giá trị của đất đai, từ đó biết nâng niu, trân trọng từng nguồn sống lặng thầm trong lòng đất. Thu giống một “sứ giả”, đi khắp nơi truyền cảm hứng canh tác hữu cơ, làm giàu cho đất và kết nối cộng đồng.

Tri ân đất mẹ

Sinh ra và lớn lên ở xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, nhưng Nguyễn Thị Thu chưa một ngày biết đến công việc của nhà nông. Lý do đơn giản: Cả làng Đan Nhiễm nhà Thu theo nghề “ba toa” (giết mổ, buôn bán thịt lợn). Năm 2015, Thu mở công ty riêng, cả “doanh nghiệp” chỉ có ba người, là hai vợ chồng Thu và một kế toán. Tất cả cùng đi buôn rau chùm ngây. Rau lấy từ nông trại của một giám đốc khiếm thị cùng ở huyện Thường Tín; giám đốc và kế toán chở đi giao khắp Hà Nội. Không chỉ bán rau ăn, chị còn tặng kèm cây giống.

Thời điểm đó, Thu buôn chùm ngây không phải vì lời lãi, mà chị muốn đưa loại rau nhiều giá trị dinh dưỡng ấy đến bữa ăn của từng gia đình. Đang buôn rau thì nghe tin bà con ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa phải nhổ bỏ toàn bộ diện tích chùm ngây. Chị thuê xe tải, về Cẩm Thủy hỏi mua. Bà con bảo cây chất đống ngoài ruộng, chở được bao nhiêu cứ lấy, họ cho không. Thương bà con, xót cây, Thu chở chùm ngây đến thẳng một đơn vị gia công, thuê sấy để làm trà. Công cuộc buôn chùm ngây chuyển từ rau tươi sang trà sấy. Chị làm, với niềm tin mọi người sẽ đón nhận giá trị của chùm ngây; giống như cái cách mà chị nhận thấy sự kì diệu của những loài cỏ cây trong cuộc sống.

Từ mười tuổi Thu bị rụng tóc không rõ nguyên nhân, mẹ chị dắt đi chữa ở khắp các bệnh viện. Cuối cùng, ở tuổi mới lớn, Thu gắn với biệt danh “trọc” và những bộ tóc giả. Hai mươi tuổi, chị tìm đường chữa cái đầu trọc bằng thuốc nam. Ông thầy lang già không cho chị uống bất cứ loại thuốc nào, chỉ đưa cho một túi các loại lá bảo về nấu nước gội đầu.

Hoa của đất ảnh 1

Nếu được lựa chọn lại từ đầu chị Thu vẫn chọn con đường này để tri ân với đất mẹ.

Kỳ lạ, cái đầu trọc lốc của Thu lún phún tóc trở lại. Sau hơn một năm thì tóc xanh như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Khi đó, chị đã cảm nhận, đã hiểu sự diệu kỳ của thảo mộc và say mê tìm hiểu về những loại cây thân thuộc trong cuộc sống. Muốn trả ơn đất mẹ, đưa những giá trị kết tinh của đất mẹ vào đời sống chính là lý do khiến Thu bỏ vị trí trưởng phòng marketing đi buôn rau rồi ngược về đồng đất Khánh Hà làm nông nghiệp.

Thu tự nhận mình tăng động và hoang tưởng. Bây giờ ở tuổi ba mươi, Thu bảo nếu làm lại từ đầu, chị vẫn sẽ chọn con đường này để tri ân đất mẹ.

Kết nối cỏ cây

Không một chút kinh nghiệm, hiểu biết về nông nghiệp, lối rẽ của Thu càng khó khăn bội phần khi chị chọn thuê cánh đồng chết của xã Khánh Hà. Cả làng bảo Thu điên. Ngay bố mẹ, chị em trong gia đình cũng cho rằng chị không bình thường. Không ai biết trong lòng chị xót xa như thế nào khi thấy những cánh đồng vốn màu mỡ của làng mình dần trở thành đất chết. Nếu đất đai vẫn tiếp tục từng ngày từng giờ chịu sự bóc lột, cũng như sự thiếu hiểu biết của con người, thì mọi loại cây sẽ chẳng còn cơ hội nào dâng cho đời giá trị, chẳng loài hoa nào có thể sống để tỏa hương.

Không biết bao nhiêu nhân công dọn cỏ, cày ải đổ xuống cánh đồng; bao nhiêu giờ máy xúc múc đất đào mương… Nhưng ruộng đồng chỉ còn phần xác, không một loại cây trồng nào có thể sinh sôi. Thu phải tính cách trồng cỏ dại. Hạt cỏ mực, hạt hương nhu… được vãi xuống, vừa đánh thức đất đai, vừa là nguồn nguyên liệu để Thu làm dầu gội đầu thảo dược. Chỉ có cách lấy ngắn nuôi dài đó, Thu mới “trường kỳ” được.

Hoa của đất ảnh 2

Bộ rau sấy lạnh của chị Thu đã được Hội Liên hiệp TP Hà Nội vinh danh là sản phẩm sáng tạo 2019.

Chị vừa tìm tài liệu, vừa học hỏi kinh nghiệm của cộng đồng canh tác nông nghiệp hữu cơ để từng bước trả lại sự sống cho đồng đất Khánh Hà. Các đầu bờ ruộng, chị trồng chuối – loài cây dễ sống nhất để lấy kali tự nhiên. Đỗ tương vừa ủ làm phân, vừa gieo xuống đất để lấy đạm. Mất hơn hai năm, cánh đồng mới bắt đầu hồi sinh. Tầng trên là những tán chùm ngây xanh mởn, phía dưới là ngải cứu, tía tô, cỏ mực… Dưới các mương nước, chị nuôi lục bình.

Như đoán được sự băn khoăn của khách, chị rổn rảng giải thích: “Rễ cây giống bác thợ cày, khi thu hoạch, đất theo gốc, rễ mà tơi. Như cỏ mực rễ chùm, nên khi thu hoạch, đất theo rễ bung lên. Cỏ mực còn che phủ ngăn không cho các loại cỏ khác mọc. Lục bình mang bộ rễ có khả năng lọc nước, khi cần, thân được vớt lên che phủ mặt luống để giữ ẩm, hoặc ủ làm phân xanh”… Mất bao nhiêu năm, tháng để hồi sinh đồng chết Khánh Hà, cũng là bấy nhiêu thời gian mày mò thử nghiệm để Thu tìm ra “hệ sinh thái” của các loài cây và kết nối chúng lại với nhau.

Kết nối cộng đồng

Gần sáu năm qua, Nguyễn Thị Thu không chỉ trả lại sự sống cho đồng đất Khánh Hà, mà chị còn thay đổi cả thói quen canh tác của bà con trong xã, cũng như khơi dậy tình yêu đất đai, đồng ruộng ẩn trong huyết quản của mỗi người nông dân. Ban đầu, chị trồng rau màu và không dùng bất cứ loại phân bón hóa hay thuốc trừ sâu hóa học nào. Bà con thấy vậy rỉ tai nhau: “Mình bón phân, phun thuốc liên tục mà nhiều khi còn chẳng được thu nữa là trồng “chay””.

Vụ su hào, ruộng bên cạnh củ tròn to, bóng bẩy; ruộng nhà Thu, củ nhỏ, xấu xí. Nhưng ruộng của bà con liên tục sâu bệnh hoặc hỏng do sương. Còn ruộng của Thu, su hào xấu mã nhưng không “nhiễm” bất cứ “chứng bệnh” nào. Thỉnh thoảng sâu nở, chị phun dung dịch trừ sâu ngâm từ tỏi ớt, là chúng tự rời thân cây, góp phần trở thành phân bón đất. Tới mùa lúa, Thu vẫn không dùng phân hóa học, không thuốc trừ cỏ, diệt ốc... Tới kỳ bón thúc, Thu xả phân hữu cơ tự ủ. Ngày thu hoạch, những bông lúa ở ruộng của Thu dài hơn hẳn bông của các ruộng khác. Bà con giật mình, ngỡ ngàng, bắt đầu tìm đến Thu nhờ dạy cách làm thuốc trừ sâu thảo mộc; cách ủ các loại phân hữu cơ; cách sử dụng vi sinh…

Hoa của đất ảnh 3

Sáu năm gắn bó với đất chị Thu đã thay đổi cả thói quen canh tác của bà con trong xã, cũng như khơi dậy tình yêu đất đai, đồng ruộng ẩn trong huyết quản của mỗi người nông dân.

Vốn là trưởng phòng marketing, Thu đích thân mang các sản phẩm nông nghiệp được chế biến bằng công nghệ cao của mình đi giới thiệu khắp các triển lãm, hội chợ. Câu chuyện sau những sản phẩm ấy là giá trị minh bạch của nông sản, là canh tác bền vững; nên không ít lần các dự án nông nghiệp của Thu đã được “rót vốn”, thậm chí là miễn phí hoàn toàn.

Thu không giấu giếm việc trước đây chị từng có tham vọng làm chủ những cánh đồng bạt ngàn, để tự đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm nông sản minh bạch của mình. Nhưng dần dần, thấy khao khát thay đổi, thấy tình yêu đồng ruộng đã âm ỉ tìm về trong huyết quản của người nông dân; chị nhận ra, đất đai, đồng ruộng cần bàn tay chăm sóc và tình yêu của cả cộng đồng, chứ không nên là riêng một cá nhân hay một nhóm người. Bởi chỉ khi nào con người thực sự biết yêu và trân trọng ruộng đồng, thì khi đó chính con người mới được hưởng những gì tinh túy nhất từ đất mẹ; chỉ khi nào, từng người nông dân biết tương hỗ lẫn nhau, thì giá trị nông sản mới được nâng tầm và nền nông nghiệp mới thực sự là hệ sinh thái bền vững.

Hiểu rõ điều đó, chị kết nối thợ làm mì Chũ với nông dân sản xuất gạo hữu cơ để có sản phẩm mì gạo lức. Kết nối hợp tác xã sản xuất bột rau củ sấy lạnh để cho ra đời sản phẩm mì Chũ rau củ… Sôi nổi nhưng không ồn ào, Thu bước đến đâu, tình yêu đất đai và lòng say mê nông nghiệp bền vững của chị lan tỏa tới đó. Vượt khỏi lũy tre Khánh Hà, Thu đã là chuyên gia của WISE (Women's Initiative for Startup and Entrepreneurship - Sáng kiến hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh). Chị đi Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn La… truyền cảm hứng, truyền kinh nghiệm và hướng dẫn bà con làm nông nghiệp hữu cơ; đồng thời cùng ngồi lại với họ để tìm hướng phát triển thế mạnh của từng địa phương, thậm chí từng cá nhân.