Hỗ trợ vốn cho phục hồi sản xuất, kinh doanh ở Lào Cai

NDO -

NDĐT - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống các ngân hàng thương mại ở Lào Cai đã miễn giảm lãi suất, giãn nợ, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại và hộ kinh doanh cá thể để phục hồi sản xuất, sau khi bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Gia đình anh Phan Nhật Quang, ở thôn Làng Bông, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) được Chi nhánh Agribank Bảo Thắng miễn giảm lãi suất, cho vay mới 800 triệu đồng để khôi phục trang trại n
Gia đình anh Phan Nhật Quang, ở thôn Làng Bông, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) được Chi nhánh Agribank Bảo Thắng miễn giảm lãi suất, cho vay mới 800 triệu đồng để khôi phục trang trại n

Chúng tôi đến gia đình anh Phan Nhật Quang, ở thôn Làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Vợ chồng anh Quang là một trong những chủ hộ chăn nuôi gà thịt quy mô lớn ở địa phương này, mỗi năm xuất bán ra thị trường thành phố Lào Cai, Khu du lịch quốc gia Sa Pa và các địa phương khác trong tỉnh Lào Cai hơn 13 nghìn con gà thịt, với khoảng 25 tấn, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng. Bất ngờ, cơn bão dịch Covid-19 tràn qua đã gây thiệt hại lớn, khiến gia đình anh “lao đao”, gắng sức chống chọi để vượt qua khó khăn, giữ được công ăn việc làm, thu nhập cho gia đình và hàng chục hộ liên kết sản xuất gà thịt ở thôn làng Bông. Dịch Covid-19 ập đến, các khách sạn, nhà hàng ở Khu du lịch Sa Pa và thành phố Lào Cai đóng cửa; thực hiện giãn cách xã hội, du khách vắng vẻ, gà thịt ế ẩm, đến kỳ xuất chuồng không có đầu ra, giá bán tụt xuống một nửa vẫn không tiêu thụ được, khiến gia đình anh Quang lâm vào cảnh nợ nần, rất khó khăn. Để tự cứu mình, vợ chồng anh Quang đã phải xoay xở đủ mọi cách, mang gà lên thành phố chào bán cho các chủ kinh doanh cơm suất, thậm chí mổ sẵn làm đông lạnh bán dần cho cả người chăn nuôi chó cảnh; tìm mọi cách để thu hồi vốn, nhằm giảm thiệt hại đến mức tối đa.

Dịch Covid-19 lắng xuống, thị trường tiêu thụ tốt hơn, giá gà thịt tăng dần, có lợi cho người chăn nuôi nhưng vợ chồng anh Quang gặp khó khăn về vốn để mua giống và thức ăn chăn nuôi. Để duy trì đàn gà thịt giống chân đen Dabaco, với khoảng 13 nghìn con, anh Quang vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bảo Thắng 1,2 tỷ đồng, mới đây anh vay thêm 800 triệu đồng để tăng đàn và mua thức ăn chăn nuôi để phục hồi sản xuất, bù đắp lại thiệt hại hơn 200 triệu đồng do dịch Covid-19 gây ra. Không chỉ nhanh gọn, thuận tiện thủ tục vay vốn, anh Quang phấn khởi hơn khi được Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Bảo Thắng giảm lãi suất vay số dư nợ 800 triệu đồng từ 12% xuống còn 7% (trong sáu tháng), cộng các khoản miễn giảm khác, anh Quang được hỗ trợ khoản tiền 16 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, vượt qua đại dịch Covid-19. “Số tiền tuy không lớn nhưng rất quý vào lúc này, như vậy Chính phủ vừa lo chống dịch vừa quan tâm giúp người dân phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống, Vợ chồng tôi sẽ sử dụng hiệu quả vốn vay ngân hàng lãi suất ưu đãi để khôi phục chăn nuôi hiệu quả”, anh Quang chia sẻ. Bên cạnh giảm lãi suất khoản vay mới, khi khoản vay 1,2 tỷ đến hạn, Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Bảo Thắng sẽ thực hiện theo mức lãi suất 7% trong sáu tháng tiếp, để hỗ trợ vợ chồng anh Quang chăn nuôi gà với quy mô bằng và hơn trước khi có dịch.

Hỗ trợ vốn cho phục hồi sản xuất, kinh doanh ở Lào Cai ảnh 1

Hộ bà Nguyễn Thị Liên, ở xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) được Ngân hàng NN và PTNT Bảo Thắng giãn nợ, miễn giảm lãi suất khoản dư nợ hơn 60 tỷ đồng, để thu mua và chế biến quế khô xuất khẩu sang Ấn Độ.

Ở thôn Nam Hải, xã Sơn Hải, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Liên, chủ cơ sở chế biến quế lớn nhất ở xã này. Chị Liên có hàng chục đại lý thu mua vỏ quế đặt ở các huyện Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên; mỗi năm thu mua, chế biến và xuất bán khoảng 800 tấn vỏ quế khô, đạt doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 20 nhân công địa phương. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện chị Liên còn tồn khoảng 300 tấn quế khô tại kho và bốn container hàng (100 tấn) tại cảng biển ở Ấn Độ, thiệt hại hàng trăm tiệu đồng. Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT huyện Bảo Thắng đã cho vay ưu đãi hơn 5,5 tỷ đồng trong thời gian sáu tháng, số tiền được hỗ trợ là 111,5 triệu đồng, giúp chị Liên khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh quế xuất khẩu.

Bảo Thắng là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh Lào Cai, với hàng trăm trang trại nuôi gà, lợn, cá và hàng chục doanh nghiệp, hộ kinh doanh chế biến, tiêu thụ nông sản như quế, chè, ngô, sắn… Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19, Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Bảo Thắng đã phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra thực tế thiệt hại để hỗ trợ khách hàng có hiệu quả. Đến hết tháng 4-2020, Chi nhánh đã thực hiện hỗ trợ được 46 khách hàng với dư nợ là gần 49 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ 11 khách hàng, với dư nợ 5.400 triệu đồng; miễn giảm lãi cho một khách hàng dư nợ 2,5 tỷ đồng, số tiền lãi miễn giảm là hai triệu đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi 39 khách hàng, với tổng dư nợ hơn 40 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Hải, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Lào Cai, để hỗ trợ khách hàng đúng, đủ, nhanh chóng, đơn vị đã chỉ đạo các chi nhánh phối hợp khách hàng và chính quyền địa phương để xác lập biên bản xác định ảnh hưởng của dịch Covid-19; lập báo cáo đánh giá và đề xuất phương án hỗ trợ khách hàng. Riêng đối với miễn giảm lãi tiền vay phải thông qua Hội đồng miễn giảm lãi của chi nhánh quyết định và ra thông báo miễn giảm lãi đối với khách hàng. Tính đến ngày 30-4, đã miễn, giảm lãi tiền vay đối với 27 khách hàng, với số dư nợ gốc là 175 tỷ đồng, số tiền lãi đã giảm là 160 triệu đồng. Cơ cấu lại nợ gốc/lãi, giữ nguyên nhóm nợ với 35 khách hàng, với tổng số tiền cơ cấu nợ gốc là 43 tỷ/tổng dư nợ 220 tỷ đồng gốc của các khách hàng trên. Cho vay mới lãi suất ưu đãi đối với 40 khách hàng (ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ), với tổng dư nợ là 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể hiện nay còn hạn chế, dù hạ lãi suất nhưng nhu cầu vay vốn chậm, không lớn, đây là khó khăn mà ngân hàng đang phải nỗ lực khắc phục, vượt qua.

Hỗ trợ vốn cho phục hồi sản xuất, kinh doanh ở Lào Cai ảnh 2

Ngân hàng Viecombank Lào Cai miễn giảm lãi suất, hỗ trợ Công ty TNHH An Lộc Phát ổn định và phát triển kinh doanh hàng tiêu dùng, ở phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai.

Ở Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải, thành phố Lào Cai, chúng tôi gặp chị Đỗ Thanh Thủy, giám đốc Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ An Lộc Phát. Chị Thủy cho biết, công ty được Ngân hàng Viecombank Lào Cai miễn giảm lãi suất 1% và miễn giảm 5% lãi suất phải trả đối với khoản vay 14 tỷ đồng, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 40 triệu đồng, đã giúp công ty vượt khó khăn, để tiếp tục kinh doanh hàng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu thị trường và ổn định việc làm, thu nhập của người lao động. Ông Đặng Việt Hùng, Giám đốc Vetcombank Lào Cai cho biết, đến nay, đơn vị đã giảm lãi suất (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) cho 746 khách hàng, với tổng số tiền hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng; giãn nợ cho 42 khách hàng, với số dư nợ hơn 400 tỷ đồng; góp phần giúp các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại tỉnh Lào Cai hiện nay có 17 chi nhánh ngân hàng thương mại đang hoạt động. Theo ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai, đến hết tháng 4-2020, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn đã hỗ trợ cho 355 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tổng dư nợ được hỗ trợ là 1.816 tỷ đồng; trong đó, dư nợ được miễn giảm lãi vay là 794 tỷ đồng và 102 khách hàng được hưởng hỗ trợ 842 triệu đồng. Có 128 khách hàng được ngân hàng giãn nợ, với tổng số tiền là 603 tỷ đồng; 125 khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được vay mới 419 tỷ đồng. Trong thời gian tới, hệ thống các ngân hàng ở Lào Cai tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, chủ hộ kinh doanh cá thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi vay, phí dịch vụ; chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho khách hàng, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh ở địa phương.