Ý kiến nhà nông

Hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi cây trồng

Tại tỉnh Trà Vinh, hiện đang là thời điểm nông dân trồng mía đường bước vào vụ thu hoạch. Giống với các niên vụ trước, nông dân trồng mía tiếp tục bị thua lỗ vì giá mía cây xuống thấp, chỉ ở mức 800 đồng/kg loại mía đạt 10 chữ đường.

Tại vùng mía nguyên liệu huyện Trà Cú, diện tích trồng mía chỉ còn khoảng 2.400 ha, chiếm hơn 40% diện tích trồng mía của toàn huyện cách đây bốn năm. Không chỉ giảm diện tích mà năng suất mía cũng giảm theo do giá mía giảm nhiều năm, nông dân không còn mặn mà chăm sóc. Trước đây trồng mía luôn đạt năng suất thấp nhất 100 đến 120 tấn mía cây/ha thì giờ đây năng suất chỉ đạt bình quân khoảng 80 đến 90 tấn/ha. Trong khi đó, giá mía giảm sâu khiến nông dân cũng không có khả năng tái đầu tư sản xuất. Vì theo tính toán, để trồng 1 ha mía mới, nông dân phải bỏ vốn đầu tư làm đất, mua giống, bón phân, thuê nhân công phụ vun gốc, đánh lá với chi phí gần 50 triệu đồng. Còn đối với cây mía lưu gốc chi phí đầu tư cũng phải mất từ 30 đến 35 triệu đồng/ha.

Trước thực trạng đó, UBND huyện Trà Cú đang chỉ đạo tập trung vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi sang sản xuất các cây trồng và con nuôi khác. Cụ thể, trong năm 2019, huyện đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 1.150 ha đất mía không trồng sang các loại cây trồng khác, như: Ngô, sắn, rau cải, nuôi tôm thẻ, nuôi cá lóc… Bình quân việc chuyển đổi đất trồng mía sang cây con khác bước đầu đem lại nguồn thu nhập cho nông dân từ 60 đến 80 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, hiện tại, các hộ nông dân trồng mía vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi từ trồng mía sang các loại cây khác. Nguyên nhân chính là do lâu nay các hộ dân quen trồng, chăm sóc cây mía, cho nên việc trồng các cây khác bước đầu còn nhiều lúng túng, nhất là khâu chọn giống, kỹ thuật chăm bón… Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là vấn đề khó với nông dân vì mới bắt tay vào chuyển đổi cây trồng cũng chưa có sự gắn kết với các đầu mối tiêu thụ hay liên kết với những đơn vị thu mua. Chính vì vậy, bà con trồng mía một mặt rất hưởng ứng việc chuyển đổi từ trồng mía sang cây trồng khác để tăng thu nhập, nhưng cũng mong chính quyền và các ngành chức năng hỗ trợ trong việc tìm cây thay thế, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm bón. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần thông tin thêm về thị trường tiêu thụ các sản phẩm để nông dân tham khảo, có hướng tăng, giảm diện tích phù hợp, tránh tình trạng tồn hàng, sản xuất ra không bán được.