Ý kiến nhà nông

Hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Tại một số địa phương ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nông dân đã và đang chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng nông sản và góp phần bảo vệ đất nông nghiệp. 

Tại xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, thời điểm phát triển nóng cây bưởi da xanh, nông dân đã lạm dụng phân, thuốc hóa học để cây ra nhiều trái khiến chất lượng bưởi giảm sút, giá xuống rất thấp. Trước đây, bưởi da xanh Sông Xoài luôn ở mức từ 40 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg, dịp Tết còn lên tới 75 nghìn đồng/kg; thì nay, giá giảm xuống chỉ còn 18 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg vào ngày thường và dịp Tết khoảng 40 nghìn đồng/kg. 

Trước tình trạng đó, một số chủ vườn đã tìm hướng đi phù hợp để cứu chất lượng vườn cây và uy tín bưởi da xanh Sông Xoài bằng cách chuyển sang canh tác theo phương pháp hữu cơ. Thay vì sử dụng sản phẩm hóa học, chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật như trước đây, một số hộ dân chuyển sang sử dụng các loại phân chuồng được ủ hoai và thuốc vi sinh. Chuyển đổi sang phương pháp canh tác mới, năng suất ban đầu có giảm nhưng sau một thời gian vườn bưởi dần dần ổn định, cây khỏe mạnh, xanh tốt, ít sâu bệnh. Sau khi chuyển đổi, giá bưởi tại vườn luôn được thương lái thu mua cao hơn các vườn khác khoảng 5.000 đồng/kg.

Thực tế đó cho thấy giá trị của việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Hiện nhiều hộ dân cũng có nhu cầu chuyển đổi, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều trở ngại cần tháo gỡ. Đó là việc tuân thủ các nguyên tắc trong quá trình canh tác hữu cơ. Cụ thể như các khâu  nước, giống, vật tư nông nghiệp phải được tổ chức uy tín công nhận, kéo theo vốn đầu tư đầu vào tăng cao, trong khi sản phẩm hữu cơ bán ra thị trường còn chậm, chưa được người tiêu dùng hưởng ứng rộng rãi. Chính vì vậy, thời gian tới, nông dân mong muốn các ngành chức năng có hướng hỗ trợ đào tạo nông dân chuyển đổi sản xuất; tư vấn việc chọn giống, vật tư; đồng thời có chính sách khuyến khích thu mua tập trung nhằm bảo đảm đầu ra bền vững và lâu dài cho sản phẩm hữu cơ.