Hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở Hà Nam

NDO -

NDĐT- Sau gần hai năm triển khai, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đã giúp cho nhiều chị em thực hiện được ý tưởng kinh doanh của mình trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, công nghệ sinh học, thực phẩm với những sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường, đem lại lợi ích cho phụ nữ, gia đình, cộng đồng và khẳng định vai trò của phụ nữ với phát triển kinh tế xã hội.

Trại sữa Mục Đồng của gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Trại sữa Mục Đồng của gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Tham gia đề án, chị em phụ nữ được tiếp cận với những kiến thức mới trong lĩnh vực kinh doanh, được chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là những ý tưởng có tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được hỗ trợ, tuyên truyền rộng rãi đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.

Là một trong những thành viên tích cực của các thành viên tham gia đề án, chị Nguyễn Thị Thịnh (xã Trác Văn, huyện Duy Tiên), chủ cơ sở chế biến sản phẩm từ sữa Mục Đồng phấn khởi chia sẻ: Trước khi được tham gia đề án, phụ nữ khởi nghiệp, cũng giống như bao chị em làm nông nghiệp khác, chị luôn trăn trở tìm cách làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Năm 2014, gia đình chị đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò sữa. Chị không quản ngại ngày đêm chăm sóc đàn bò sữa của gia đình, mong đến ngày đàn bò cho sữa. Vậy mà đến măm 2015, khi đàn bò 20 con của gia đình cho thu sữa thì chị lại không tìm được đầu ra do giá sữa tươi quá rẻ. Chị Thịnh nói: "Bao công lao và niềm hy vọng của tôi và gia đình đã không được như mong đợi. Nhưng tôi không hề nản chí, quyết định tìm hướng đi phù hợp với điều kiện thị trường để cứu được kinh tế gia đình và giữ được đàn bò".

Sau nhiều ngày nghiên cứu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng từ sản phẩm của sữa bò, chị quyết định phải bắt tay ngay vào thay đổi quy trình chăn nuôi bò khép kín theo hướng quy mô gia trại, chế biến sữa sạch, chất lượng dinh dưỡng cao với năm tiêu chí: không sử dụng thức ăn công nghiệp, thức ăn có nguồn gốc biến đổi gen, không tồn dư kháng sinh, không kích thích tăng sữa và không sử dụng chất bảo quản. Hướng đến đối tượng khách hàng là những người tiêu dùng sản phẩm sạch, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ bền vững giữa người sản xuất và người tiêu dùng với cam kết chất lượng từ khâu sản xuất, chế biến và phân phối.

Trong lúc chị còn đang tự mày mò, tìm hiểu thêm các kiến thức về kinh doanh, thị trường và khách hàng thì chị được tham gia Đề án Khởi nghiệp phụ nữ. Chị thấy, hiệu quả từ đề án khởi nghiệp phụ nữ mang lại cho tôi nhiều kiến thức, sự tự tin trong công việc. Đến nay, sau gần 5 năm kiên trì, bền bỉ tiếp cận với người tiêu dùng, sản phẩm sữa tươi và các chế phẩm từ sữa mang nhãn hiệu Mục Đồng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, doanh thu hằng năm từ năm đến bảy tỷ đồng bước đầu khẳng định hướng đi đúng đắn của chị.

Hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở Hà Nam ảnh 1

Những mô hình sản xuất theo hướng xanh bền vững của chị em phụ nữ ở Hà Nam đã phát huy hiệu quả không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định, nhất là các mô hình tận dụng lao động nông nhàn và lao động lớn tuổi tại các khu vực nông thôn. Nắm bắt được thực tế nhiều lao động là chị em phụ nữ lớn tuổi, không có trình độ ở vùng nông thôn còn khó khăn tìm kiếm việc làm trong bối cảnh việc làm ngày càng khó khan, chị Hoàng Thị Thao, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục đã mạnh dạn đứng ra thành lập xưởng may túi xách từ gần 10 năm nay. Xưởng thu hút hàng trăm lao động nữ trong và ngoài xã làm việc với mức thu nhập ổn định.

Trước khi được tham gia Đề án khởi nghiệp của các cấp Hội phụ nữ, chị Thao cũng rất vất vả tìm cánh để tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, cải tạo mẫu mã, chất lượng của sản phẩm… và cũng đã đôi ba lần phải gánh chịu thất bại. Song bằng sự kiên trì, bền bỉ và ý chí vươn lên của phụ nữ, cùng với sự động viên, giúp đỡ kịp thời của các cấp hội phụ nữ đã giúp chị được tham gia Đề án Khởi nghiệp phụ nữ ngay từ khi đề án mới đi vào hoạt động. Tham gia đề án, chị đã được tham gia các khóa tập huấn, được tiếp cận và học hỏi được nhiều ý tưởng kinh doanh mới phù hợp với xu thế phát triển của thị trường, từ đó, giúp chị có thêm được nhiều kiến thức cần thiết cho công việc kinh doanh của gia đình. Chị Thao chia sẻ: "Từ khi tôi tham gia Phụ nữ khởi nghiệp đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ chính quyền cũng như các cấp Hội giúp mình tự tin phát triển ý tưởng kinh doanh, mở rộng thị trường, có nhiều việc làm giúp được nhiều người lao động có việc làm và thu nhập, ổn định cuộc sống. Sản phẩm túi của chúng tôi làm ra sau này sẽ rất phổ thông và sẽ thay thế làn nhựa và các túi nilon giúp chị em nội chợ được thuận lợi".

Hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở Hà Nam ảnh 2

Xưởng may túi của gia định thị Hoàng Thị Thảo, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Sau gần hai năm triển khai, các cấp Hội LHPN trong tỉnh Hà Nam đã phối hợp hỗ trợ thành lập mới năm HTX và 14 tổ hợp tác do phụ nữ đảm nhiệm; phối phối hợp với Bưu điện cung cấp hỗ trợ hội viên phụ nữ bán sản phẩm tiêu dùng với tổng doanh thu gần 300 triệu đồng; phối hợp với công ty sữa Nestle tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ vốn vay và vận chuyển sản phẩm Nestle tới địa chỉ giúp hơn 200 phụ nữ mới khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp bán sản phẩm Nestle với doanh thu hơn ba tỷ đồng. Các cấp Hội phụ nữ đã kết nối với các Ngân hàng hỗ trợ cho hội viên phụ nữ vay vốn đầu tư khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Chị Trần Thị Ngân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Nam cho biết: Thời gian tới Hội phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tập trung vào việc tổ chức các lớp đào tạo để nâng cao kiến thức cho chị em có ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; phối hợp để hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý hoặc phụ nữ tham gia; hỗ trợ giới thiệu quảng bá các sản phẩm cho chị em phụ nữ tại tỉnh và các tỉnh bạn; hỗ trợ chị em đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu và các quy trình sản xuất phân phối rộng rãi đến thị trường với những quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với vai trò là chủ trì thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Hà Nam về triển khai đề án “Hộ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam phấn đấu đến 2025 có ít nhất 95% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 1.500 phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh; 1.000 doanh nghiệp của phụ nữ được thành lập mới; phối hợp hộ trợ thành lập 20 hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý. Mỗi hội viên phụ nữ sẽ phát huy nội lực của mình phát triển kinh tế gia đình, tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc và sự phát triển của xã hội.