Hà Nội xây dựng thương hiệu để gia tăng giá trị nông sản

Đến nay, TP Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản, như: nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai), gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai), gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây và vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa)…

Mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè sạch giá trị cao tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội).Ảnh: ĐĂNG ANH
Mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè sạch giá trị cao tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội).Ảnh: ĐĂNG ANH

Để xây dựng được thương hiệu cho nông sản, thành phố đã ban hành danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như: vùng lúa chất lượng cao có diện tích quy hoạch 54.952 ha (diện tích hiện có 22.340 ha); vùng sản xuất rau an toàn có tổng diện tích quy hoạch 6.685 ha (hiện có 2.696 ha);vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao có tổng diện tích quy hoạch 11.091 ha (hiện có 4.275 ha); vùng sản xuất hoa, cây cảnh có diện tích quy hoạch 1.616 ha (hiện có 996 ha); vùng sản xuất chè chất lượng cao có diện tích quy hoạch 2.050 ha (hiện có 980 ha)... Hiện nay, thành phố tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, ưu tiên các nông sản có tiềm năng và căn cứ theo thế mạnh từng vùng miền, địa phương, như: sản phẩm măng tây (huyện Phú Xuyên), bưởi chua đầu tôm (huyện Quốc Oai), bưởi đỏ (huyện Mê Linh), bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng), cam canh Kim An (huyện Thanh Oai), chuối tiêu hồng (huyện Ba Vì), gà đồi Đông Yên và trứng gà Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), gà đồi Trần Phú (huyện Chương Mỹ)…

★ Năm 2018, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân của TP Cần Thơ đạt 84,09% dân số, tức khoảng 1,07 triệu người; có 3,7 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, được quỹ bảo hiểm y tế chi trả với tổng số tiền hơn 1.756 tỷ đồng. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ đã ký hợp đồng với 34 cơ sở khám, chữa bệnh công lập, ngoài công lập và 85 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Công tác bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố còn một số hạn chế, như: chi phí khám, chữa bệnh, viện phí tăng, nhất là từ năm 2016 khi thực hiện thông tuyến huyện theo các quy định mới. Một số nguyên nhân được Thành ủy Cần Thơ chỉ ra là do hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách bảo hiểm y tế chưa cao; công tác phát triển độ bao phủ bảo hiểm y tế chưa bền vững, đối tượng tham gia theo hộ gia đình thường xuyên biến động; một số đơn vị sử dụng lao động và người lao động còn né tránh, lách luật, không tham gia bảo hiểm y tế…

TP Cần Thơ đề ra chỉ tiêu phấn đấu là năm 2020 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90% dân số. Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời, thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ người dân tốt hơn; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế; chỉ đạo, giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ khám, chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế…