Gỡ “nút thắt” cho sản xuất rau an toàn

Sản xuất rau an toàn (RAT) hiện nay đã và đang mang lại hiệu quả cao khi mỗi héc-ta cho thu nhập từ hàng trăm triệu đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, việc sản xuất RAT cũng đang gặp nhiều khó khăn, vì vậy cần có giải pháp nhằm gỡ “nút thắt” để nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác và hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch.

Cán bộ phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn người dân chăm sóc hoa màu.
Cán bộ phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn người dân chăm sóc hoa màu.

Với đặc điểm khí hậu đa dạng, Việt Nam là nước có tiềm năng sản xuất nhiều chủng loại rau như rau muống, rau ngót, rau cải, su hào, bắp cải...

Theo thống kê, đến nay diện tích rau các loại cả nước là hơn 961 nghìn héc-ta, năng suất trung bình đạt 177,8 tạ/ha; sản lượng 17,09 triệu tấn. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố như Lâm Đồng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã hình thành các vùng sản xuất RAT tập trung, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất RAT như: Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang...

Tại tỉnh Tiền Giang hiện đang trồng hơn 57 nghìn héc-ta rau màu các loại, trong đó có hơn 10 nghìn héc-ta trồng theo các mô hình luân canh hoặc chuyên canh. Đáng chú ý, các tổ hợp tác và hợp tác xã rau khu vực các huyện, thị xã duyên hải phía đông của tỉnh đang có hơn 60 ha trồng RAT với 46 chủng loại rau khác nhau, trung bình cung cấp ra thị trường hơn 3.200 tấn RAT mỗi năm. Qua khảo sát, việc trồng rau màu chuyên canh trên địa bàn cho thu nhập bình quân từ 170 triệu đến 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp từ ba đến bốn lần so trồng lúa.

Tuy nhiên, việc sản xuất RAT hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ lẻ, manh mún; công nghệ bảo quản rau còn thiếu, tỷ lệ hao hụt lớn, thời gian bảo quản ngắn, cơ sở chế biến rau ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của các vùng trồng rau chưa đáp ứng yêu cầu về sản xuất an toàn; giao thông đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển cao, sản phẩm qua nhiều cấp thương lái dẫn tới giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng cao.

Việc tổ chức sản xuất RAT còn nhiều hạn chế, rất ít doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng sản xuất; tại các địa phương, vai trò của các hợp tác xã còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào, chưa có nhiều vai trò trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vì vậy chưa tập hợp được các thành viên tham gia sản xuất RAT; chủng loại rau sản xuất ra chưa đa dạng, phong phú, sản lượng thấp cho nên gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ngoài ra, ở một số địa phương chưa gắn kết chặt chẽ và có hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và người dân cần đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất RAT theo chuỗi, gắn kết trách nhiệm của người sản xuất và tiêu thụ; nâng cao vai trò của hợp tác xã trong việc tổ chức sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ; nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động theo chuỗi, có hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; cung cấp thông tin, dự báo nhu cầu thị trường đối với các chủng loại rau, các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu để người sản xuất biết và định hướng sản xuất; cần phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm RAT trong nước và xuất khẩu; chủ động liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với các hợp tác xã, nông dân vùng sản xuất RAT tập trung.

Đặc biệt, cần tổ chức hệ thống phân phối sản phẩm nông sản an toàn đồng bộ, có hiệu quả nhằm giảm các chi phí trung gian, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát làm giảm gian lận trong khâu phân phối (RAT/rau không an toàn) từ đó làm tăng lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm an toàn; nghiên cứu, phát triển và lựa chọn các giống rau có chất lượng cao, chống chịu tốt, phù hợp điều kiện sinh thái của địa phương nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ sau thu hoạch vào sản xuất nhằm giảm hao hụt và duy trì chất lượng sản phẩm rau sau thu hoạch…