Chuyện nông thôn

Giữ nghề truyền thống

Gắn bó với nghề làm bánh tráng đã hơn 30 năm nay, nhưng có lẽ vào thời điểm này bà Hiền cảm thấy mệt mỏi, một phần vì sức khỏe ngày càng yếu phần vì công việc nặng nhọc mà thu nhập lại thấp. Bà nói với chồng:

- Có lẽ gia đình mình nghỉ làm bánh tráng thôi ông à! 

- Bà nghĩ kỹ chưa mà quyết định như vậy? Ông Phong nhìn bà rồi hỏi. 

- Tôi biết đây là nghề được bố mẹ chồng truyền lại, nhưng ông thấy đấy, các con đều không ai chịu nối nghiệp của gia đình để lại. Hơn nữa, sản phẩm bánh tráng của nhà mình đang phải cạnh tranh với các loại bánh tráng ở những nơi khác, có bán được mấy đâu. 30 năm nay, chỉ có tôi với ông cứ theo vòng tròn của công việc: ngâm gạo, xay gạo, lọc, pha bột, nhóm lửa tráng bánh rồi đem phơi. Tôi thấy mệt mỏi lắm rồi! 

Ông Phong trầm ngâm suy nghĩ, ông biết dù như thế nào đi chăng nữa, đây cũng là công việc truyền thống nuôi sống gia đình mình bao năm nay, bỏ thì phí và cũng có lỗi với các cụ khi để nghề bị thất truyền. Ông cố gắng tìm nguyên nhân vì sao việc kinh doanh dạo này ế ẩm. Chợt hiểu ra vấn đề, có lần lên đưa hàng ở chợ huyện, nhìn sản phẩm của các địa phương khác bày bán mẫu mã đẹp, lại có xuất xứ rõ ràng. Trong khi đó, sản phẩm nhà mình chỉ đóng gói vào bao ni-lông trắng, không nhãn sản phẩm, không truy xuất được nguồn gốc, khách hàng dù quen cũng ái ngại, vì sợ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bấy lâu nay vì trong vòng luẩn quẩn từ sáng đến chiều làm bánh tráng, gia đình ông đã không để ý đến việc cập nhật thông tin thị trường. Ông Phong vui vẻ cười và nói với vợ: 

- Tôi hiểu vì sao rồi, gia đình mình vẫn phải giữ vững nghề truyền thống. Nhưng ngay lúc này cần thay đổi cách làm.

 Bà Hiền ngơ ngác hỏi: Thay đổi là thay đổi như thế nào? 
 
Thấy bà Hiền chưa hiểu, ông Phong 

nhẹ nhàng giải thích: Nghề làm bánh tráng nhà mình hơn 30 năm nay cả vùng đều biết, nhưng cách để họ biết là qua truyền miệng của các khách hàng thân thiết. Bánh tráng nhà mình cần phải có thương hiệu và mẫu mã đăng ký sản phẩm. Mấy hôm trước tôi đọc báo thấy nói “sản phẩm OCOP”. Sáng mai, tôi thu xếp lên huyện, hỏi các anh phụ trách nông nghiệp về cách làm OCOP, sau đó gia đình mình sẽ làm thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm theo quy định. Tôi tin gia đình mình vẫn giữ được nghề truyền thống này.