Giống lúa Nhật Bản trên đồng đất Bắc Kạn

NDO -

Sau hơn hai năm thử nghiệm, nhân rộng, Bắc Kạn đã thành công trong canh tác giống lúa của Nhật Bản là Japonica J02 và QJ4 trên đồng đất địa phương. Hiệu quả từ việc này là tạo ra sản phẩm OCOP (Chương trình "mỗi xã một sản phẩm") chất lượng cao, đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao hơn hẳn. 

Một thửa ruộng trồng giống lúa Japonica tại huyện Chợ Đồn. (Ảnh: NÔNG VUI)
Một thửa ruộng trồng giống lúa Japonica tại huyện Chợ Đồn. (Ảnh: NÔNG VUI)

Bắc Kạn là tỉnh thuần nông, do vậy, người dân có kinh nghiệm canh tác cây lúa nước. Tuy nhiên, thời gian trước đây, người dân sử dụng rất nhiều giống trên cùng một cánh đồng, thậm chí nhiều giống ngoài cơ cấu. Do vậy, rủi ro thường xuyên diễn ra, sản phẩm manh mún, chỉ mang tính tự cung, tự cấp, giá trị kinh tế rất thấp trong khi lao động lại vất vả. Xác định cần có giống lúa mới, chất lượng cao phục vụ phát triển sản xuất hàng hóa, từ năm 2018, Bắc Kạn bắt đầu thử nghiệm các giống lúa Japonica. 

Tại hai tiểu vùng khí hậu khác nhau là huyện Chợ Đồn và Ngân Sơn, mô hình thử nghiệm giống J02 và QJ4 đều cho kết quả tốt. Tại Chợ Đồn, giống lúa mới có nhiều ưu điểm vượt trội về tính thích ứng và khả năng chống chịu sâu bệnh; bông lúa to, hạt sáng; năng suất ước đạt từ 60 đến 65 tạ/ha. Tại Ngân Sơn, hai giống lúa trên đều sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, giống QJ4 sau khi cấy hồi xanh và sinh trưởng tốt hơn; tỷ lệ bọ rầy gây hại thấp hơn so giống khác; năng suất giống J02 đạt năng suất  hơn 56 tạ/ha; giống QJ4 hơn 60 tạ/ha.

Kết quả thử nghiệm đã được củng cố, khẳng định trong vụ xuân năm 2019, và đến năm 2020 đã được nhân rộng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng (Chợ Đồn) Nông Quốc Huấn cho biết, với lợi thế có các cánh đồng liền khu, liền khoảnh, thuận tiện cho việc chăm sóc, theo dõi nên toàn xã đã có 280 hộ tại 20 thôn đăng ký tham gia. Khi tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% giống lúa Japonica, 50% tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và phân bón; được tập huấn, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn chăm sóc kịp thời. 

Toàn huyện Chợ Đồn đã có 850 hộ tại 41 thôn của các xã đăng ký tham gia với diện tích hơn 200 ha. Với giống mới Japonica, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm, năng suất bình quân đạt hơn 63 tạ/ha. Với giá thu mua 7.000 đồng/kg thóc, sau trừ các chi phí thì lợi nhuận người dân thu được hơn 800 nghìn đồng/1.000 m2. Sản phẩm làm ra được Hợp tác xã Hoàng Thành thu mua, chế biến, đóng gói. Gạo Nhật Japonica của HTX Hoàng Thành được huyện đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao, tiêu thụ nhiều ở các thành phố lớn.

Tại Bạch Thông, vụ xuân 2020, huyện gieo cấy được gần 100 ha giống lúa J02 tại các xã: Tân Tú, Vi Hương, Quân Hà, Lục Bình và Cẩm Giàng. Kết quả, năng suất giống lúa J02 bình quân đạt hơn 60 tạ/ha. Bạch Thông đã vận động các xã có đủ điều kiện về quỹ đất, kinh nghiệm canh tác, nhu cầu trồng lúa giống mới đăng ký thực hiện. Bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, huyện phối hợp Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống cây trồng Quốc Anh (TP Bắc Kạn) ký hợp đồng nguyên tắc bao tiêu với giá hơn 5.000 đồng/kg thóc tươi. Giống lúa J02 tại huyện Bạch Thông canh tác đúng quy trình kỹ thuật thu được hơn 6 tấn thóc khô/ha, với giá hơn 5.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về cao hơn 12 triệu đồng/ha so với các giống khác. Khi thu hoạch xong đã có công ty đến tận nơi cân mua, người dân không còn mất công vận chuyển, phơi, vất vả như trước nữa.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Cương cho biết, toàn tỉnh đã tăng diện tích trồng hai giống Japonica lên hơn 550 ha trong vụ xuân này. Giá bán thóc khô sau sấy hiện hơn 10 nghìn đồng/kg, giá bán gạo tại các thành phố lớn khoảng hơn 25 nghìn đồng/kg.

Năm 2019, Bắc Kạn đã giới thiệu sản phẩm này tại Hà Nội và được đánh giá rất cao. Trong tháng 7 tới, tỉnh tiếp tục tổ chức tuần lễ nông sản sạch Bắc Kạn tại Hà Nội, trong đó, gạo Japonica là một trong những sản phẩm chủ chốt. Hiện tại, cũng đã có những doanh nghiệp tham vấn, tìm hiểu nhằm mục tiêu đưa sản phẩm gạo Japonica của Bắc Kạn xuất khẩu. 

Cùng với những giống lúa đặc sản bản địa là gạo nếp Khẩu nua lếch và Bao Thai Chợ Đồn, cộng với giống Japonica mới, Bắc Kạn phấn đấu bình quân mỗi năm canh tác từ 3.000 đến 4.000 ha lúa chất lượng cao gắn với sản phẩm OCOP, hướng tới thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu.