Giảm nghèo nhờ cây vụ đông ở Sơn La

Nhiều năm nay, ngoài hai vụ lúa, bà con nông dân tại tỉnh Sơn La đã tích cực trồng các loại rau màu vụ đông, theo hướng áp dụng công nghệ cao. Đáng chú ý, bà con đã biết cách trồng cây vụ đông trái vụ cho thu hoạch quanh năm góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo...

Mô hình trồng cây vụ đông ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La).
Mô hình trồng cây vụ đông ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La).

Vân Hồ vốn được biết đến là vùng chuyên canh rau của tỉnh Sơn La. Nhưng để trở thành vựa rau nổi tiếng với các sản phẩm cây trái vụ như cải bắp, cà chua, bầu bí thì phải đến năm 2017 khi người dân tại Vân Hồ tham gia dự án phát triển sinh kế cộng đồng, sản phẩm rau trái vụ của huyện mới thật sự đem lại nguồn lợi kinh tế giúp bà con “xóa đói, giảm nghèo”. Tham gia chương trình, từ chỗ người dân chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, đến nay kỹ thuật trồng rau hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau trái vụ đã được thực hiện khá thuần thục. Nhiều cơ sở sản xuất đã chủ động liên kết với doanh nghiệp thực hiện chuỗi sản xuất khép kín cho giá trị kinh tế cao.

Anh Vàng A Sa, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn bản Bó Nhàng 2, huyện Vân Hồ chia sẻ, từ khi tham gia dự án phát triển sinh kế cộng đồng (viết tắt Aciar), diện tích trồng rau trái vụ của gia đình anh và bà con trong tổ hợp tác đã tăng rất nhanh. Từ chỗ sản xuất theo kinh nghiệm, đến nay anh và bà con trong tổ hợp tác đã làm chủ được kỹ thuật và công nghệ sản xuất hiện đại, cho nên năng suất, chất lượng sản phẩm ổn định, bán được giá cao. Vì thế thu nhập đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước khi tham gia dự án (bình quân từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng). Ngoài mô hình sản xuất rau sạch của anh Vàng A Sa, hiện Vân Hồ còn có rất nhiều mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ cho giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như, tổ hợp tác rau an toàn Suối Lìn xã Vân Hồ của anh Bàn Văn Thanh. Từ khi tham gia dự án, thu nhập của các hộ thành viên trong tổ hợp tác đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Trung bình đạt  60 triệu đến 70 triệu đồng/năm/hộ (trước khi tham gia dự án là 20 triệu đến 30 triệu đồng/năm/hộ). Nhờ đó, đời sống của bà con trong tổ hợp tác đã tốt hơn nhiều.
 
Theo UBND tỉnh Sơn La, đến hết năm 2019, diện tích rau của Sơn La đã vươn lên gần 9.600 ha, sản lượng đạt hơn 131.000 tấn. Trong đó, gần 1.400 ha rau được chứng nhận VietGAP với 21 chuỗi cung ứng rau an toàn cho thị trường. Cùng với đẩy mạnh sản xuất rau các loại theo thế mạnh của từng địa phương, hiện tỉnh Sơn La đang  tập trung xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, đưa giống cây mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế của cây vụ đông - mùa  phụ, nhưng cho thu nhập chính trong năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, để có vụ đông thắng lợi, ngay từ khi kết thúc vụ hè thu, công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng cho các tổ chức, cá nhân, đã được triển khai một cách đồng bộ. Bên cạnh đó là công tác hỗ trợ kinh phí  cho các cá nhân, hợp tác xã theo các Quyết định 3067, 490 QĐ/UBND và Nghị quyết 128/2020/NQ-HĐND về đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận từ thực tiễn sản xuất vụ đông cho thấy, ngoài phương thức truyền thống, hiện nay tại huyện Vân Hồ nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rau sạch theo hướng VietGAP, áp dụng công nghệ cao, đầu tư làm nhà lưới, hệ thống phun mưa, để sản xuất rau chính vụ, trái vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường trong và ngoài tỉnh... Điển hình là Công ty cổ phần GreenFarm Mộc Châu với 9 ha trồng rau trong nhà kính, nhà lưới có ứng dụng hệ thống tưới tiêu hiện đại cho sản lượng thu hoạch lên tới 120 tấn/năm; mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn rộng 24 ha tại các bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc và bản An Thái, bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, cho sản lượng từ 7 đến 10 tấn rau các loại/tuần, đem lại nguồn lợi kinh tế ổn định cho các hộ dân tham gia chuỗi sản xuất. 

Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản, ngoài phương thức tiêu thụ thông thường “hữu xạ tự nhiên hương”, mỗi một sản phẩm chủ lực chuẩn bị đến vụ thu hoạch, tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều hội nghị  xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường. Tỉnh coi đây là con đường ngắn nhất để nông sản của Sơn La có thể đến với người tiêu dùng và bước vào hệ thống siêu thị, tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước và quốc tế. Nói về những nỗ lực của tỉnh Sơn La và nguồn lợi từ chương trình phát triển sinh kế cộng đồng, Phó Tổng Giám đốc Central Retail (đơn vị trực tiếp điều hành dự án và sở hữu hệ thống siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương cho biết, hiện các hộ dân  tham gia dự án đã biết sản xuất theo nhu cầu thị trường, biết cách xây dựng bao bì, nhãn hiệu lô-gô “Rau an toàn Vân Hồ”; hình thành phương thức đóng gói hàng chuyên nghiệp... Chương trình “Sinh kế cộng đồng” đã mở ra cơ hội về thị trường tiêu thụ nông sản và mang lại nhiều sự đổi thay cho cuộc sống của người nông dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương của Tổ quốc, với mức thu nhập rau trái vụ tăng 3 đến 4 lần so với chính vụ. Hiện hệ thống siêu thị Big C nhập hàng chục tấn rau của huyện Vân Hồ/ năm, riêng rau trái vụ đủ cung cấp cho siêu thị.

Đánh giá về chương trình sinh kế cộng đồng với thế mạnh là phát triển cây vụ đông, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với tỉnh Sơn La trong việc triển khai các chương trình phát triển sinh kế cộng đồng nhằm nâng cao hơn nữa trình độ sản xuất cho nông dân, hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất tới tiêu thụ, đẩy mạnh thu hút các nhà máy chế biến sâu, thu hút các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ rau tại các hệ thống siêu thị trong nước nhằm tăng hơn nữa giá trị cho sản xuất rau của tỉnh Sơn La.

Với nhiều hình thức và biện pháp thay đổi về chính sách, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tận dụng hết mức mọi nguồn lực để giúp nông dân phát triển kinh tế, từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật, từ đó tiến nhanh hơn trên con đường xóa đói, giảm nghèo.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng cây vụ đông của tỉnh năm 2019 đạt gần 4.700 ha các loại, cho thu nhập cả vụ lên tới 237.746 triệu đồng. Dự kiến vụ đông năm 2020 sẽ tăng lên 5.200 ha, giá trị ước đạt hơn 250 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh và mở rộng diện tích sản xuất cây trồng vụ đông đang là hướng đi tích cực trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng không chỉ tăng vụ, tăng năng suất mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân.