Chương trình Mỗi xã một sản phẩm:

Giải pháp hiện thực hóa hai chương trình mục tiêu quốc gia (bài 2)

NDO -

Sau ba năm triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo ra bước tiến mới, mang tính “bước ngoặt” trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch ở các địa phương trong cả nước. Nhờ đó, góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ dân làm giàu, đồng thời giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. 

Khách du lịch trong và ngoài nước rất thích thú với mô hình tham quan, lưu trú tại Homestay Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình.
Khách du lịch trong và ngoài nước rất thích thú với mô hình tham quan, lưu trú tại Homestay Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình.

Bài 2:  Tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Hiệu quả từ chương trình OCOP đã góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy nhiều xã hoàn thành các tiêu chí về việc làm, thu nhập, vệ sinh môi trường… đạt chuẩn nông thôn mới.

Tạo việc làm và giảm nghèo hiệu quả

Ở những tỉnh vùng núi phía bắc, nhiều khu vực có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với việc trồng và phát triển các loài cây dược liệu, cây ăn quả. Nhiều địa phương đã tận dụng lợi thế này để phát triển diện tích cây trồng quy mô lớn,  mang lại giá trị kinh tế cao.

Yên Thủy là huyện nghèo vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình. Trước đây người dân chỉ trồng sắn và mía, giá trị sản xuất chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha. Ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho biết, kể từ khi Hợp tác xã (HTX) Cà gai leo Yên Thủy ra đời và được chứng nhận là sản phẩm OCOP, người dân trồng cà nguyên liệu rồi bán cho HTX để chiết xuất cao. Sản phẩm cao cà gai leo có tác dụng giải độc, mát gan, có sức tiêu thụ khá trên thị trường. Cho đến nay, huyện có hơn 40 ha cà gai leo, mỗi ha cho thu nhập 200 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống người dân trong xã được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ trở lên khá giả.

Ở Sa Pa, cây màng tang, chù dù và các loại thảo dược quý trong bài thuốc tắm của người Dao đỏ vừa có dược tính tốt, vừa có giá trị kinh tế cao. Từ nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương, Má A Nủ, chàng trai người dân tộc H’Mông, ở xã Hoàng Liên quyết tâm khởi nghiệp bằng cách lập HTX H’Mông Cát Cát, chuyên sản xuất tinh dầu.

Tháng 10-2016, HTX tham dự cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Tại đây, Má A Nủ và các thành viên HTX có cơ hội giao lưu với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, để học hỏi tăng thêm kiến thức. Đến nay, HTX đã tạo dựng được các chi nhánh phân phối tinh dầu và các sản phẩm từ thảo dược tại các thành phố lớn trong nước. Mỗi năm, HTX thu từ  300 đến 350 triệu đồng lợi nhuận, giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động. 

Giải pháp hiện thực hóa hai chương trình mục tiêu quốc gia (bài 2) -0
 Sản phẩm Tuyết Sơn trà, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Phát triển OCOP, sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, thúc đẩy liên kết sản xuất theo mô hình liên gia, tổ hợp tác, HTX để tạo ra sản phẩm hàng hóa, chất lượng cao theo chuỗi giá trị, do đó tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu. Nếu như năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 45,6 triệu đồng/ha, thì năm 2019, con số này đã đạt 75 triệu đồng/ha.

Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết thêm, ba năm qua, chương trình OCOP đã hấp thụ nguồn vốn hơn 3.580 tỷ đồng, với 107.373 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo việc làm cho hơn 14 nghìn lao động. Nhờ vậy, đã giúp cho hơn 40 nghìn hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo tại Lào Cai bình quân giảm từ 5 đến 6%/năm. Năm 2018, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn của Lào Cai đạt 23,4 triệu đồng/người/năm, tăng 16 triệu đồng so với năm 2010. Tính đến cuối năm 2019, con số này đạt 24,5 triệu đồng/người/năm.

Huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) hiện có hơn 4.680 ha chè các loại, chiếm 1/3 diện tích trồng chè của tỉnh, trong đó có 1.300 ha chè shan. Riêng xã Suối Giàng có 423 ha chè cổ thụ tuyết shan. Năm 2008, hợp tác xã (HTX) Chè Suối Giàng được thành lập, thu mua chè cho đồng bào, không để người dân phá chè trồng ngô.

Chị Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chè Suối Giàng cho biết: HTX có 15 thành viên, phần lớn là người dân tộc H’Mông, mỗi năm thu hái được hơn 500 tấn búp chè tươi, doanh thu hơn 10 tỷ đồng. HTX đã có sáu loại sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Năm 2019, sản phẩm của HTX được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Nhờ cây chè, nhiều hộ dân trong xã làm được nhà mới, đời sống ngày càng được cải thiện. Nằm ở phía bắc tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên đã xây dựng được sáu chuỗi giá trị, 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tập trung vào sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ như: cá tầm nước lạnh Nà Hẩu, thuốc tắm người Dao đỏ Viễn Sơn, trà thảo mộc, nước lau sàn Quế Phát… để cuối năm 2020 đề nghị UBND tỉnh công nhận.

Từ các sản phẩm trên, người Dao ở huyện Văn Yên có điều kiện làm kinh tế thoát nghèo, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm  bình quân 6,08%, mỗi năm giải quyết được hơn 2.000 việc làm mới, 12 xã đạt chuẩn NTM.

Tỉnh Bắc Kạn có hơn 80% dân số làm nông nghiệp, khi chương trình OCOP “khơi dậy” tiềm năng nhiều loại cây trồng, nhiều cây vốn trước đây bị bỏ quên, công tác giảm nghèo có chuyển biến theo hướng bền vững. Giai đoạn từ 2016-2019, tỷ lệ giảm nghèo của Bắc Kạn đạt 2,46%/năm, đạt chỉ tiêu Đảng bộ tỉnh đề ra. Riêng đối với các huyện nghèo như Ba Bể, Pác Nặm, tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,19%/năm.

Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Khi người dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định, thì việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương cũng thuận lợi hơn. Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai nằm trên độ cao hơn 700m so với mực nước biển, có biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất cao, tại đây giống ớt bản địa của đồng bào dân tộc Nùng có vị cay hấp dẫn. HTX tương ớt Mường Khương thành lập năm 2004 với hơn chục xã viên, vốn điều lệ hơn 2 tỷ đồng, đến nay HTX đã có gần 40 xã viên, vốn điều lệ tăng lên hơn 10 tỷ đồng, 150 ha trồng ớt nguyên liệu tại các xã Nậm Chảy, Thanh Bình, Tung Chung Phố…

Năm 2019, sản phẩm tương ớt của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP, HTX sản xuất và tiêu thụ được 450 tấn tương ớt, doanh thu đạt hơn 13 tỷ đồng. Nhờ đó đã giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở huyện Mường Khương đạt kết quả cao.

Đến nay, tuy là huyện nằm trong chương trình 30a, nhưng Mường Khương đã có bốn xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM của tỉnh Lào Cai đạt 52 xã, hoàn thành trước một năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. 

Giải pháp hiện thực hóa hai chương trình mục tiêu quốc gia (bài 2) -0
Thành viên HTX tương ớt Mường Khương chế biến sản phẩm tương ớt. 

Tại tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Nông lâm sản TND liên kết với 671 hộ dân thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn sản xuất gạo Séng Cù trên cánh đồng Mường Lò rộng 30 ha. Hình thức liên kết là dân góp ruộng, công chăm sóc và thu hoạch; công ty cung ứng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua thóc theo giá thỏa thuận. Năm 2019, gạo Séng Cù Mường Lò được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Vụ mùa năm 2020, công ty tiếp tục liên kết với hơn 1.000 hộ dân ở các xã Phù Nham, Thạch Lương, với diện tích 60 ha lúa, nhằm tăng sản phẩm, đồng thời tạo cơ hội xóa nghèo cho đồng bào trong vùng.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) Lường Văn Hà phấn khởi: Trước năm 2017, Nghĩa Lợi là xã nghèo, thuộc diện hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Nay xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm. Xã đang phấn đấu đạt giá trị thu hoạch trên đất lúa hai vụ là 155 triệu đồng/ha.

Tại xã Cao Trĩ (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), cây rau bò khai là sản phẩm OCOP giúp người dân đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Xã có hơn 50% hộ trồng và phát triển cây rau bò khai trên đất vườn, dưới tán cây hồng không hạt. Sản phẩm xuất bán chủ yếu tại thị trường Hà Nội. Nhờ đó, khi triển khai chương trình xây dựng NTM, người dân trong xã đã đóng góp gần 1 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có hơn 20 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê- tông hóa; đường trục chính nội đồng dài 4,9 km… Cao Trĩ đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018 và tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Cho đến nay, hầu hết các xã ở Bắc Kạn đạt chuẩn NTM đều nhờ từ việc phát triển các sản phẩm OCOP. Thí dụ, xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông); xã Yên Đĩnh (huyện Chợ Mới); xã Kim Lư (huyện Na Rì)…

Giải pháp hiện thực hóa hai chương trình mục tiêu quốc gia (bài 2) -0
Người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng) đang rèn dao, kéo và dụng cụ sản xuất. 

Xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) là một trong những địa phương trong tốp đầu của tỉnh Cao Bằng đạt chuẩn xây dựng NTM. Để đạt được điều đó, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án, không thể không kể đến đóng góp từ nghề rèn, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Nông Thị Dung khẳng định, nhờ nghề rèn, thu nhập người dân nâng cao, đời sống nhân dân ổn định, khấm khá, nghề rèn góp phần quan trọng giúp xã đạt tiêu chí thu nhập và đạt chuẩn NTM năm 2016.

Đến nay, xã Phúc Sen có sáu xóm làm nghề rèn, với 150 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của làng nghề như dao, kéo, công cụ sản xuất nông nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP, có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường nông thôn. Giá trị tiêu thụ sản phẩm đạt gần 30 tỷ đồng/năm.

Bảo vệ môi trường, bảo tồn những giá trị truyền thống

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu và hệ sinh thái phong phú, đa dạng, đồng bào các dân tộc thiểu số còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều địa phương đầu tư, phát triển các sản phẩm thủ công, dịch vụ du lịch  thành các sản phẩm OCOP hấp dẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cứ mỗi phiên chợ chủ nhật hằng tuần, du khách lại đổ về thôn Séo Pờ Hồ (xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) để  “tận mục sở thị” những nghệ nhân nghề chạm khắc bạc Tiên Nữ trình diễn. Từ khối bạc nguyên chất nấu chảy, sợi bạc kéo ra cứ nhỏ dần, đến mức như sợi tóc, để làm ra những sợi dây chuyền tinh tế, khiến du khách trầm trồ, thán phục.

Trưởng bản Tẩn Phù Chu giới thiệu, trước đây, nghề kéo bạc tự phát trong từng hộ dân với thu nhập khiêm tốn. Từ năm 2017, được huyện và xã gợi ý, anh Tẩn Phù Chu đã tập hợp 15 hộ người Dao trong bản thành lập HTX nghề bạc Séo Pờ Hồ, cùng nhau bảo tồn và phát triển nghề chạm bạc truyền thống của dân tộc mình. Những bộ “nhàn lình” (chuông bạc có bi bên trong), “lả kháo” (cúc áo), “lìn đao” (dây chuyền)... được các cô gái Dao từ các xã của huyện Bát Xát, từ các tỉnh Lai Châu, Điện Biên tìm đến mua với giá từ 50 đến 70 triệu đồng để sử dụng trong lễ cấp sắc, cưới xin, ngày Tết. Trung tâm Khuyến công tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ 15 chiếc máy kéo sợi bạc, giúp rút ngắn thời gian, tăng năng suất, giảm tiêu hao sức lao động cho các nghệ nhân làng nghề.

Giải pháp hiện thực hóa hai chương trình mục tiêu quốc gia (bài 2) -0
Các nghệ nhân nghề chạm khắc bạc Tiên Nữ trình diễn. 

Các sản phẩm thủ công truyền thống khi gắn kết với điểm du lịch cộng đồng trở thành những sản phẩm OCOP mang lại giá trị kinh tế cao. Sản phẩm dệt thổ cẩm và du lịch cộng đồng (homestay) ở Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) mới đây được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Nhiều khách du lịch đến đây đều ấn tượng trước hình ảnh những cô gái Thái mặc trang phục dân tộc đang ngồi miệt mài trước khung cửi, dệt nên những tấm vải thổ cẩm bên trong ngôi nhà sàn, bao quanh là những thửa ruộng vàng óng đang mùa lúa chín.

Giải pháp hiện thực hóa hai chương trình mục tiêu quốc gia (bài 2) -0
Du khách thích thú với sản phẩm bạc Tiên Nữ.

Ông Hà Công Toàn, kinh doanh homestay tại Bản Lác cho biết, khi chưa có dịch Covid-19, mỗi tháng có từ 15-20 đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đăng ký nghỉ lưu trú tại nhà ông, gia đình thu khoảng hơn 300 triệu đồng từ dịch vụ này. Bên cạnh đó, nhiều gia đình doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm từ việc bán sản phẩm thổ cẩm. Thu nhập bình quân của người dân trong bản đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.

Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Mai Châu Hà Thị Hòa cho biết, huyện hiện có bảy điểm du lịch cộng đồng. Năm 2019, tổng số khách đến các điểm du lịch là 379.500 lượt, trong đó khách quốc tế chiếm 43%; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 146 tỷ đồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Giải pháp hiện thực hóa hai chương trình mục tiêu quốc gia (bài 2) -0
 Khách du lịch tham quan bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình).

Ở tỉnh Hà Giang, thôn Nậm Hồng (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì) cũng là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi nơi đây có phong cảnh hùng vĩ, hữu tình với những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi, cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao. Từ năm 2015, nhiều hộ gia đình trong thôn bắt đầu làm dịch vụ lưu trú cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, do kinh nghiệm làm du lịch hạn chế, nên lượng khách không nhiều và nguồn thu chưa cao.

Năm 2019, HTX được xã Thông Nguyên chọn tham gia chương trình OCOP, được hỗ trợ 100 triệu đồng để đầu tư quảng bá hình ảnh và đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch. Cuối năm 2019, HTX được tỉnh xếp hạng 4 sao.

Hiện nay, HTX đã có gần chục phòng nghỉ chung và tám homestay ở các hộ gia đình, phục vụ tối đa khoảng 200 du khách/ngày. Lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng nhiều, năm 2019, HTX đã đón hơn 2.000 lượt du khách trong và ngoài nước, doanh thu của HTX và các thành viên từ du lịch đạt gần 1 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ thu từ 30 đến hơn 100 triệu đồng.

Ông Triệu Tạ Vùi, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Hồng cho biết: Nhờ làm du lịch nên người dân trong thôn đã nâng cao được ý thức giữ gìn nét văn hóa của dân tộc, khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống đã mai một, nhất là lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Dao. Các hộ dân đầu tư tu sửa nhà cửa, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và môi trường, đời sống của người dân khấm khá hơn, đến nay cả thôn chỉ còn hai hộ nghèo.

(còn nữa)

♦ Giải pháp hiện thực hóa hai chương trình mục tiêu quốc gia (bài 1)