Đổi thay trên mảnh đất cà phê Di Linh

NDO -

NDĐT – Trước sự biến động của giá cà phê và có phần giảm đi trong thời gian gần đây, người dân tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã cùng nhau chọn phương thức canh tác mới, vừa duy trì sản xuất bền vững, vừa mang lại thu nhập ổn định.

Người dân xã Tân Nghĩa trồng xen cây cà phê với bơ, hạt tiêu và nuôi tằm.
Người dân xã Tân Nghĩa trồng xen cây cà phê với bơ, hạt tiêu và nuôi tằm.

Đổi mới kỹ thuật trồng cà phê

Sử dụng phân bón khoa học hơn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chủ động chứa nước tưới khi khí hậu khô hạn kéo dài, thay đổi loại giống mới tốt hơn… là những cách mà người dân tại người dân tại Lâm Đồng tại một số huyện như Di Linh, Krông Năng, Lạc Dương đã tìm cách thích nghi.

Trước đây, khi sử dụng giống cây cà phê cũ, chị Nguyễn Thị Luyến (thôn Lộc Châu 3, xã Tân Nghĩa, Di Linh, Lâm Đồng) phải mất tới ba năm để thu hoạch được một mùa cà phê. Thời gian đầu tư dài, chăm sóc không đúng cách, cà phê cằn cỗi nên thu nhập cũng không cải thiện được cuộc sống gia đình chị.

Năm 2016, khi tham gia Ngày hội nông dân để cập nhật kiến thức chăm sóc cây cà phê kiểu mới, chị Luyến đã quyết định chặt vườn cà phê cũ để thay đổi mô hình sản xuất. Ba hecta cà phê nhà chị Luyến giờ nằm trong cụm cảnh quan 2 tại xã Tân Nghĩa, chủ yếu trồng cà phê giông mới – robusta được ghép cải tạo hoặc tái canh với các loại giống mới như TS1, TS5. Tại đây, chị được hướng dẫn trồng xen kẽ ác loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng và cây muồng đen để che bóng tầng cao và chắn gió theo hướng cảnh quan bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đổi thay trên mảnh đất cà phê Di Linh ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Luyến (thôn Lộc Châu 3, xã Tân Nghĩa) cho biết nhờ phương thức canh tác mới, gia đình chị giảm chi phí đầu vào khi trồng cây cà phê.

Thay vì độc canh cây cà phê, vườn nhà của chị Luyến giờ được trồng xen nhiều loại cây khác như bơ, sầu riêng, hồ tiêu…góp phần đa dạng hóa thu nhập cho gia đình thay vì chỉ phải phụ thuộc duy nhất vào cà phê. Riêng cây bơ giống mới, trồng tiêu chuẩn sạch hiện nay đã không còn phải hái mang ra chợ bán như trước mà có thương lái vào tận vườn thu mua.

Chị Luyến kể, ngày trước trồng tự phát nên trồng ào ạt, bón phân cả kg cho cây ăn nhiều. Nhưng khi tiếp cận kỹ thuật mới, chị Luyến đã hiểu phải chia bón phân theo từng đợt nhỏ, quay vòng để cây hấp thụ được hết. Sau khi bỏ phân cho cây, chủ động tưới nước khi không có trời mưa.

Với việc cải tạo giống cà phê ghép robusta, sản lượng vườn cà phê nhà chị Luyến tăng lên, thu nhập tốt hơn, cho những trái cà phê lớn, chín mềm, giúp công lao động nhà hơn. “Ngày xưa một thanh niên khỏe mạnh chỉ hái được 3-4 bao/ngày giờ thanh niên khỏe có thể 9-10 bao/ngày”, chị Luyến cho hay.

Vườn cây của chị Luyến hiện trồng xen canh cả bơ, cà phê và hồ tiêu. Riêng cây bơ giống mới, trồng tiêu chuẩn sạch hiện nay đã không còn phải hái mang ra chợ bán như trước mà có thương lái vào tận vườn thu mua.

Cũng trồng xen canh bơ, cà phê và dâu tằm, chị Nguyễn Nữ (thôn Lộc Châu 2, Tân Nghĩa, Di Linh, Lâm Đồng) cho biết nhà chị mới chuyển đổi canh tác từ tháng 2-2019 vừa qua. Theo kỹ thuật mới, chị cũng tưới cây, tưới phân khoa học hơn, chăm sóc vất vả hơn nhưng cây cho năng suất cao hơn trước. Mới chỉ 8 tháng, vườn cà phê và bơ của chị đã xanh mướt và sẽ thu hoạch được vào năm sau.

Từ khi Di Linh chuyển hướng sang canh tác cà phê sạch, bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước ngầm.. các sản phẩm cà phê giống mới, canh tác theo mô hình mới đã có giá trị hơn trước và được nhiều đại lý “săn thu mua” hơn so với các sản phẩm cà phê cũ.

Giảm chi phí đầu vào, ổn định giá bán ra

95% cà phê của Việt Nam được xuất khẩu và chỉ có khoảng 5% phục vụ tiêu dùng trong nước. Theo ông Đỗ Ngọc Sỹ, Giám đốc Chương trình bền vững, Tập đoàn JDE tại châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh việc Việt Nam tiêu thụ nội địa cà phê. Bởi nếu tiêu thụ nội địa lớn như Brazil - tiêu thụ nội địa 40%, chúng ta sẽ chủ động về giá trị trên thương trường. Khi đó, Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc nhiều vào đối tác bên ngoài, giá cả sẽ ổn định hơn.

Chị Luyến cho hay, hiện nay việc thu mua cà phê tại Di Linh vẫn chủ yếu qua các đại lý, thu mua nhỏ lẻ và có tình trạng bị ép giá. Để thích nghi với sự biến động này, với sự hỗ trợ của IDH, JDE… trong kỹ thuật trồng trọt, sử dụng giống mới, trồng xen canh, người dân đã giảm bớt được chi phí đầu vào, tăng thêm thu nhập từ những loại cây khác.

“So với giá cà phê hiện nay, người nông dân chúng tôi không lời. Nhưng với kỹ thuật mới, chúng tôi tiết kiệm được chi phí đầu vào khoảng 10%”, chị Luyến hồ hởi nói.

Tại cụm cảnh quan 2 tại xã Tân Nghĩa, vườn cà phê được trồng xen canh với cây tiêu, bơ, sầu riêng. Trong năm năm tới, cây tiêu sẽ tạo bóng mát, tạo thêm thu nhập từ vườn cây cho người dân.

Đổi thay trên mảnh đất cà phê Di Linh ảnh 2

Cà phê được trồng theo phương thức mới, xen lẫn với hồ tiêu, bơ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân.

Theo ông Cao Xuân Lộc, Giám đốc Chương trình Bền vững của Công ty ACOM Việt Nam, cho biết, việc trồng xen canh tạo sự đa dạng sinh học cho vườn cây, tăng thêm thu nhập nâng cao sinh kế. “Ngoài ra, cây vừa che bóng, khi rụng lá tạo ra phân hữu cơ. Nguồn thu hoạch từ các loại cây có quả khác cũng giúp người dân tăng thêm thu nhập”.

Không chỉ trồng xen thêm các loại cây tạo thu nhập, người dân còn được hướng dẫn trồng xen các loại cây như muồng đen để tạo độ che phủ đất, tạo vành đai bảo vệ rừng, trồng và bảo vệ rừng…vừa có thể bảo vệ tài nguyên rừng vừa có thể che mát cà phê, chắn gió, chống xói mòn đất.

Ông Lộc cho biết thêm, người nông dân hiện chỉ nhìn vào giá nhưng mặc dù giá cà phê không tăng lên thì cái lợi lớn nhất người nông dân có được từ việc áp dụng kỹ thuật mới này là giảm chi phí đầu vào. “Thay vì đầu tư 30 triệu nếu họ làm theo đúng hướng dẫn của mình thì chỉ đầu tư khoảng hơn 70%, tiết kiệm được chi phí khá lớn so với đầu tư trước đây”, ông Lộc nói.