Cách thức làm giàu

Để trồng cây mắc-ca cho năng suất, hiệu quả cao

Mắc-ca là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, vì vậy những năm gần đây, cây mắc-ca được trồng tại nhiều địa phương, nhất là những vùng nguồn nước tưới còn hạn chế như khu vực Tây Nguyên, tây bắc... Các dòng mắc-ca được trồng chủ yếu như: OC, H2, 246, 344, 508, 695, QN1 849, 741, A38, NH, 800 và 900… Cây mắc-ca là một trong những loại cây dễ trồng, phù hợp nhiều đối tượng nông dân; tỷ lệ sống cao hơn 90% sau năm đầu tiên.

Đặc biệt là tốc độ sinh trưởng mạnh, mức độ phân cành nhánh nhiều và có sức chịu hạn cao, thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, nhưng mức đầu tư về công chăm sóc, bón phân, nước tưới cho cây lại thấp hơn so với trồng cà-phê, hồ tiêu.

Đến nay, nhiều vườn mắc-ca trồng trong các năm 2012, 2013 đã bước vào thời kỳ cho quả, góp phần đem lại nguồn thu nhập đáng kể đối với nhiều hộ dân. Tuy nhiên, qua thời gian gây trồng, chăm sóc và thu hoạch tại nhiều địa phương cho thấy, cây mắc-ca trồng ở các vùng ra hoa hai vụ, trong đó vụ chính từ tháng 2 đến tháng 3, vụ còn lại từ tháng 9 đến tháng 10. Tỷ lệ ra hoa ở các dòng rất cao, nhưng mức độ đậu quả trên các vùng sinh thái không đồng đều ở các dòng.

Nguyên nhân là do hầu hết các vườn mắc-ca trồng xen cà-phê, do đó giai đoạn ra hoa tập trung vào tháng 2, 3, đúng thời điểm cần tưới nước cho cà-phê, và cũng là lúc gió mùa đông bắc thổi mạnh, kết hợp sương mù, sương muối làm hoa rụng, giảm tỷ lệ đậu quả. Trong khi đó, kỹ thuật chăm sóc như cắt cành, tạo hình, bón phân chưa đúng kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả. Tại nhiều địa phương, do tìm hiểu về nguồn giống cây mắc-ca chưa kỹ, không được bảo đảm, dẫn đến vườn trồng mắc-ca cho chất lượng không đồng đều, mức độ ra hoa, đậu quả kém…

Vì vậy, để trồng mắc-ca cho hiệu quả cao, các địa phương cần nghiên cứu, đánh giá để lựa chọn các dòng mắc-ca phù hợp điều kiện từng vùng sinh thái, cũng như hướng dẫn người dân cách cắt cành, tạo hình, bón phân, tưới nước đúng kỹ thuật. Đồng thời đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất trồng xen theo xu hướng tăng diện tích trồng thuần, giảm mắc-ca trồng xen để tiện chăm sóc, cũng như dễ phát hiện sâu bệnh.