Để đưa nông sản thành công vào Trung Quốc

NDO -

NDĐT – Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng đối với nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường 1,3 tỷ dân này không còn “dễ tính”. Ngược lại, muốn nông sản Việt đứng vững ở đây, các doanh nghiệp cần khẳng định chất lượng, hiểu và tuân thủ các quy định nhập khẩu của quốc gia này.

Trung Quốc đang yêu cầu cao hơn với dưa hấu nhập khẩu.
Trung Quốc đang yêu cầu cao hơn với dưa hấu nhập khẩu.

Thị trường “khó tính”
Mới đây, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương) phát đi thông tin, từ tháng 5/2019, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu xuất khẩu (XK) sang thị trường này. Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cho biết, trước đây khi XK dưa hấu sang Trung Quốc, doanh nghiệp (DN) thường sử dụng đệm lót bằng rơm, nhưng nay phía Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm lót để không có khả năng mang theo các dịch bệnh gây hại. Họ khuyến cáo sử dụng các xốp lưới bằng ni lông để có thể phòng tránh các loại dịch bệnh đối với các trái cây khác.

“Không chỉ đối với dưa hấu mà phía Trung Quốc còn yêu cầu thay đổi vật liệu đệm lót đối với mít và chuối. Cụ thể, họ khuyến cáo sử dụng giấy dai kraft để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng catton, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc” - ông Sơn cho hay.

Ngoài ra, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… Danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói này phải được cơ quan nước XK, ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo chính thức với cơ quan hải quan phía Trung Quốc.

Minh chứng trên cho thấy nông sản nói riêng và hàng Việt nói chung sẽ ngày càng khó khăn khi XK sang Trung Quốc thời gian tới.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước đây nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhưng điều này không đúng. Trung Quốc là thị trường yêu cầu chất lượng nông sản rất cao. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, những quy định về kiểm dịch động thực vật thị trường này chưa áp dụng một cách chặt chẽ. Gần đây, đồng thời với việc cải cách trong hệ thống bộ máy quản lý, trong đó có việc xác nhập một số cơ quan Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm động thực vật vào với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã là bước cải tiến lớn nhằm tạo thuận lợi hóa cho thương mại, trong đó có thương mại biên giới. Tuy nhiên, việc giám sát chất lượng phải tăng cường và đáp ứng các quy định của Trung Quốc.

“Về tiêu chuẩn, Trung Quốc yêu cầu rất chặt chẽ trong việc giám sát các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay cả các sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng được áp dụng các quy định tương đương như những quy định cho con người. Bởi vì nó cũng có khả năng gián tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người” - ông Lê Thanh Hòa cho hay.

Về phía các DN, bà Phùng Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam chia sẻ, thực tế, sự thay đổi chính sách của Trung Quốc đã được cảnh báo và DN đã có sự chuẩn bị. “Điều khiến DN trăn trở nhất đó là phải đầu tư thêm cho sản xuất và tiêu chuẩn hóa, việc này sẽ tăng thêm chi phí. Nhưng bù lại, khó khăn sẽ giúp chúng ta có thể bước vào thị trường tốt hơn và mang lại giá trị cao hơn, nâng cao giá trị nông sản” - bà Hương kỳ vọng.

Hiểu để thành công
Trung Quốc là thị trường đông dân nhất thế giới với 1,3 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong đó có 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, có thu nhập cao, tri thức và yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa nông sản tương đối cao. Do đó, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng, cần phải thay đổi quan niệm cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính. DN Việt Nam cần chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng. Trong trường hợp nhà xưởng, vùng trồng, bao bì đóng gói của DN chưa nằm trong danh sách được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố trên web của họ cũng như chưa thông báo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thì cần khẩn trương đăng ký.

Ông Tô Ngọc Sơn khẳng định: “DN cần nâng cao nhận thức, xác định Trung Quốc là thị trường trọng điểm và ứng xử như cách chúng ta ứng xử đối với những thị trường khác như EU, Bắc Mỹ… Tìm hiểu thật kỹ thường xuyên cập nhận thị trường, các khu vực thị trường này, vì Trung Quốc rất rộng lớn, các vùng có nhu cầu khác nhau. Ngoài ra, tổ chức các thị trường nông sản, trọng tâm trọng điểm theo quy mô lớn, công nghiệp, chất lượng đồng đều. Thay đổi thói quen giao dịch, XK tiểu ngạch sang thương mại chính quy, phù hợp thông lệ quốc tế”.

Đặc biệt, nắm bắt xu hướng, trào lưu sử dụng thương mại điện tử trong tiêu dùng của người Trung Quốc. Đây đã và sẽ là trào lưu chính của người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian tới.

Bà Phùng Thị Thu Hương cho hay, nông sản là phải làm dài hơi chứ không phải lợi nhuận về ngay lập tức. Việc này cần sự ủng hộ của các lãnh đạo các địa phương, Bộ ngành trong việc bình ổn trong chính sách địa phương. Bên cạnh đó, có đầu mối thu gom, thu mua để bảo đảm có được nguồn hàng ổn định cho sản xuất, từ đó DN yên tâm đầu tư công nghệ, sản xuất các sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu thị trường.