Cơ hội mới cho nông lâm sản Bắc Kạn

NDO -

Việc lần đầu tiên xuất khẩu miến dong sang thị trường châu Âu có thể coi như bước “đột phá khẩu” với nông lâm sản của tỉnh miền núi Bắc Kạn. Khi một hợp tác xã nhỏ có thể xuất khẩu sản phẩm đã làm thay đổi tư duy sản xuất ở địa phương này, giúp lãnh đạo tỉnh và nhân dân tự tin, sẵn sàng đón đầu EVFTA.

Lãnh đạo huyện Na Rì thăm, nắm tình hình để tháo gỡ khó khăn cho Hợp tác xã Tài Hoan.
Lãnh đạo huyện Na Rì thăm, nắm tình hình để tháo gỡ khó khăn cho Hợp tác xã Tài Hoan.

Những ngày này, Hợp tác xã miến dong Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì đang tích cực hoàn thiện lắp đặt dây chuyền chế biến mới bằng công nghệ hiện đại. Thời gian tới, xưởng sản xuất mới đi vào hoạt động sẽ nâng công suất từ hơn 300 kg/ngày lên hơn 2 tấn/ngày. Đây là bước đi tiếp theo của hợp tác xã sau khi đã xuất khẩu gần 6 tấn miến sang Cộng hòa Séc trong tháng 9-2020. Việc hợp tác xã nhỏ, ở một xã vùng cao xuất khẩu được miến là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy, nếu thật sự sản xuất bài bản, có hỗ trợ thì hoàn toàn có thể vươn tới những thị trường khó tính.

Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Thị Hoan cho biết, lần đầu bắt tay vào triển khai thực hiện các thủ tục về xuất khẩu cũng gặp vô vàn gian khó. Từ khi bắt tay vào thực hiện cho tới khi đáp ứng đủ các thủ tục, điều kiện để xuất khẩu mất hơn ba tháng trời. Có những thủ tục làm đi, làm lại tới sáu lần mà vẫn chưa được cơ quan chức năng nước bạn chấp nhận. Có lúc cũng thấy nản, tuy nhiên, được sự động viên, hỗ trợ của tỉnh, chị Hoan đã quyết tâm thực hiện. Nhờ đó, sản phẩm đã vượt qua được các vòng kiểm định chất lượng khắt khe.

Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn khi nắm bắt cơ hội, tìm cách giới thiệu sản phẩm miến dong Bắc Kạn sang châu Âu sau khi sản phẩm miến Tài Hoan đã khẳng định vị thế thông qua tiêu thụ tại 16 siêu thị Big C. Hiện tại, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục hỗ trợ thêm 1,6 tỷ đồng để hợp tác xã xây dựng mở rộng quy mô. Bản thân hợp tác xã Tài Hoan cũng đặt quyết tâm cao khi đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây thêm xưởng sản xuất, ký kết bao tiêu hơn 40 ha dong riềng, sẵn sàng cho vụ sản xuất dịp Tết Nguyên đán này.

Khi “cao tốc EVFTA” đã vận hành, cũng là lúc cơ hội mới mở ra cho tỉnh miền núi khó khăn Bắc Kạn không chỉ riêng sản phẩm miến mà còn nhiều nông, lâm sản khác. Trong đó, gỗ rừng trồng được tỉnh xác định là sản phẩm có lợi thế rất lớn. Thực tế, Bắc Kạn đã có một số nhà máy chế biến gỗ, như: Công ty Lechenwood, Công ty Govina, Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn, sản phẩm xuất sang Mỹ, châu Âu, một số nước châu Á nhưng số lượng ít và chủ yếu là sơ chế nên hiệu quả thu về chưa tương xứng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, điều thuận lợi nhất đó là việc thị trường châu Âu chủ yếu tiêu thụ gỗ keo mà diện tích gỗ keo của Bắc Kạn hiện lên tới hơn 30 nghìn ha và sẽ còn được mở rộng, tái trồng thời gian tới.

Từ trước khi EVFTA có hiệu lực, Bắc Kạn đã có những định hướng rất sát thực tế, phù hợp với lộ trình hướng tới xuất khẩu. Tỉnh sử dụng nguồn đầu tư từ Ngân hàng tái thiết Cộng hòa liên bang Đức triển khai dự án Kwf8 hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn, thay đổi chu kỳ khai thác gỗ keo từ 7-8 năm thành từ 10-12 năm trở lên. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng có chứng chỉ rừng FSC. Sản lượng gỗ tròn khai thác của Bắc Kạn trong một năm hiện đạt tới khoảng hơn 400.000 m3, là nguồn nguyên liệu rất dồi dào.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, muốn gia nhập được “cao tốc EVFTA” thì cần phải thay đổi phương thức sản xuất. Do đó, Bắc Kạn đang tập trung chỉ đạo thực hiện hỗ trợ liên kết vùng nguyên liệu theo hướng người dân trồng là chủ yếu để hình thành chuỗi doanh nghiệp lớn kết nối với cơ sở vệ tinh và cuối cùng là người dân. Đối với nông sản, sẽ thực hiện theo hướng tinh về chất lượng, giá trị lớn mà không chạy theo số lượng. Đối với gỗ rừng trồng tiến hành quy hoạch lại, kêu gọi nhà đầu tư có năng lực tốt.

Bắc Kạn đã nỗ lực rất lớn trong hoàn thiện hạ tầng giao thông, “đột phá khẩu” cho sản xuất, xuất khẩu nông sản. Đến nay, Bắc Kạn đã hoàn thành đường tiền cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn), rút ngắn thời gian từ Hà Nội tới Bắc Kạn chỉ còn khoảng 2 giờ đồng hồ. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thành nâng cấp, cải tạo quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa (Bắc Kạn) đi cửa khẩu Pò Mã (Lạng Sơn), mở lối thông thương cho Hợp tác xã Tài Hoan nói riêng và hơn 30 cơ sở sản xuất miến dong ở huyện Na Rì. Sắp tới, dự án đường nối từ Chợ Mới tới TP Bắc Kạn và từ TP Bắc Kạn đi hồ Ba Bể khởi công, hoàn thành việc đưa nông sản xuất khẩu của Bắc Kạn sẽ vô cùng thuận lợi.

Để có thể đưa nhiều nông, lâm sản xuất ngoại tới châu Âu theo “cao tốc EVFTA” còn vô vàn khó khăn, thách thức với Bắc Kạn khi mà tư duy sản xuất manh mún, chạy theo số lượng là chủ yếu, liên kết sản xuất lỏng lẻo vẫn diễn ra. Tuy nhiên, những tín hiệu mới đã tiếp tục xuất hiện khi Công ty CP lâm nghiệp Hòa Phát (Hà Nội) chuyên xuất khẩu gỗ sang châu Âu đã ký biên bản ghi nhớ với Bắc Kạn về phát triển rừng FSC, liên kết, tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho địa phương. Với những nền tảng ban đầu như vậy, tin rằng, nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều nông, lâm sản của Bắc Kạn sẽ cất cánh.