Băn khoăn Dự thảo Thông tư Made in Vietnam

NDO -

NDĐT - Là một trong những văn bản quy phạm pháp luật nhận được sự quan tâm rất lớn kể từ khi mới được xây dựng, dự thảo Thông tư Made in Vietnam được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ doanh nghiệp (DN) và hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh đang có nhiều loại sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ghép, gia công nhưng lại ghi nhãn là hàng “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, dự thảo thông tư này đang khiến nhiều DN băn khoăn.

Dự thảo Thông tư Made in Vietnam được kỳ vọng sẽ bảo vệ các DN làm ăn chân chính.
Dự thảo Thông tư Made in Vietnam được kỳ vọng sẽ bảo vệ các DN làm ăn chân chính.

Băn khoăn tỷ lệ giá trị gia tăng 30%
Một trong những quy định quan trọng được các DN đặc biệt quan tâm tại dự thảo thông tư là quy định hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam từ 30% trở lên sẽ được coi là hàng hóa Việt Nam.

Là một trong những ngành hàng lớn và có tác động của Việt Nam, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, mặt hàng sữa bột trẻ em có đặc thù phải nhập khẩu nhiều loại vitamin, khoáng chất từ nước ngoài về, phối trộn để tạo ra sữa dinh dưỡng. Thậm chí nhiều DN phải đầu tư trang trại bò sữa từ nước ngoài rồi nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam để sản xuất, bởi Việt Nam không có lợi thế về cánh đồng cỏ lớn như Lào, Campuchia… Về Việt Nam, chi phí bỏ ra cho việc sử dụng chất xám để nghiên cứu, tạo ra sản phẩm sữa cuối cùng thì rất lớn. Tuy nhiên, chi phí từ chất xám là loại chi phí khó hạch toán. Vậy nếu sản phẩm sữa đó không đạt tỷ lệ giá trị gia tăng 30% như quy định tại Thông tư có được coi là xuất xứ Việt Nam không? Nếu không, ghi nhãn như thế nào cho hợp lý?

Cũng mang thắc mắc tương tự, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực tế, để sản xuất các mặt hàng khoáng sản đặc thù như nam châm, đất hiếm thì đòi hỏi sử dụng công nghệ rất cao. Đây cũng là mặt hàng được Nhà nước khuyến khích chế tác để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu nguyên liệu về, gia công trong nước và tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm này dưới 30%, không được ghi là hàng hóa Việt Nam thì phải ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa như thế nào?

Bà Bùi Thị Thùy Dương, chuyên viên nhãn hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết thêm, khoản 5, điều 10 dự thảo Thông tư nêu rõ, hàng hóa được coi là không có xuất xứ Việt Nam nếu trải qua quá trình gia công đơn giản cuối cùng, như phối trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại. Tuy nhiên rất nhiều loại hàng hóa dù chỉ phối trộn với một loại phụ gia cũng có thể khiến thay đổi tính chất, chất lượng hàng hóa và dễ dẫn đến chuyện nhập nhèm khi DN muốn giả mạo xuất xứ hàng hóa.

Cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra sâu rộng trên thế giới sẽ dễ dẫn đến nguy cơ hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc ban hành một Thông tư quy định rõ thế nào là hàng hóa Việt Nam được cộng đồng DN rất hoan nghênh. Nhưng điều quan trọng là văn bản đó phải rõ ràng và mang lại lợi ích thực tế, không chồng chéo và thêm khó khăn cho DN.

“Dự thảo Thông tư Made in Vietnam được cộng đồng DN rất quan tâm, song khi ban hành lại gây nhiều băn khoăn vì sự “dẫn chiếu vòng”. Cụ thể, ở phần 10 của điều 3 có nói đến khái niệm hàng hóa “xuất xứ Việt Nam” là hàng hóa Việt Nam theo quy định tại thông tư này. Vậy có được hiểu ngược lại, hàng hóa Việt Nam là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hay không? Nếu không muốn ghi nhãn là hàng hóa Việt Nam thì có được thay bằng hàng hóa xuất xứ Việt Nam hay không?”, bà Hương nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư Made in Vietnam được cho là cũng có những quy định được cho là tương đồng với Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về xuất xứ hàng hóa. Vậy có cần thiết ban hành một thông tư riêng hay không? Thay vào đó, tại sao không chỉnh sửa, bổ sung trên nền các văn bản quy phạm pháp luật khác?

Nghiêm túc tiếp thu và chỉnh sửa
Tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (Thông tư Made in Vietnam), do Bộ Công thương tổ chức ngày 25-9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh đã trực tiếp trả lời các thắc mắc của các hiệp hội, DN, bộ ngành.

Theo đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, thực tế, Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về xuất xứ hàng hóa đã có những quy định rõ ràng về nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, các văn bản này chỉ quy định xuất xứ hàng hóa với hàng xuất khẩu. Do đó, việc ban hành một Thông tư độc lập về hàng hóa sản xuất và lưu hành trong nước là việc cấp thiết. Nhất là trong bối cảnh hiện nhiều sản phẩm, hàng hoá Việt Nam đã mang tính quốc gia, chất lượng tăng lên, có thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nên dẫn tới tình trạng hàng hoá “đội lốt” hàng Việt Nam. Tuy nhiên, do cùng quy định về một vấn đề nên không thể tránh được có sự tương đồng với nhau, Bộ Công thương sẽ tiếp thu và chỉnh lý.

Với trường hợp hàng hóa có giá trị gia tăng nhỏ hơn 30% thì không thể ghi là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Trong trường hợp này, Nghị định 43 quy định cho phép DN được ghi xuất xứ ở bất cứ nước nào trong tầm hiểu biết tốt nhất của mình, miễn là không vi phạm pháp luật.

“Ở nhiều mặt hàng hàm chứa chất xám cao như sữa, đất hiếm, nam châm… rất khó đánh giá, luận giải tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm. Trong trường hợp này, DN cần đăng ký bản quyền ở Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để bảo vệ cho hàm lượng chất xám đó. Sau đó, nếu có thể hạch toán được giá trị từ chất xám, cộng với các giá trị khác để chứng minh giá trị gia tăng của Việt Nam từ 30% trở lên thì có thể ghi trên nhãn, bao bì là hàng hóa Việt Nam, có xuất xứ Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ.

Hiện Bộ Công thương đã đăng tải công khai dự thảo Thông tư và sẽ tổ chức hai hội thảo tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để lấy ý kiện rộng rãi của người dân, DN, bộ ngành liên quan để hoàn thiện, sau đó báo cáo Thủ tướng, rồi tiếp tục rà soát một lần nữa trước khi ban hành, đưa vào cuộc sống. Nguyên tắc là dự thảo Thông tư sẽ không làm phát sinh chi phí, phát sinh thủ tục hành chính và làm sao mang lại lợi ích lớn nhất cho DN làm ăn chân chính.