Bán hàng điện tử “thắp” hy vọng vùng cao

NDO -

Ở nhiều vùng núi cao xa xôi, bà con dân tộc chưa sõi tiếng Kinh, nhưng đã sử dụng thành thạo các ứng dụng thương mại điện tử như facebook, zoom để quảng bá sản phẩm, giới thiệu dịch vụ, tìm kiếm khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến du khách không thể đến được Việt Nam. Ở đó, thương mại điện tử đã nối dài những giấc mơ cho người dân nghèo.

Người dân tự tin quảng bá sản phẩm, dịch vụ qua ứng dụng zoom.
Người dân tự tin quảng bá sản phẩm, dịch vụ qua ứng dụng zoom.

8 giờ sáng một ngày cuối năm căm căm gió rét, Văn phòng Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) ấm áp và tất bật hơn khi các công tác chuẩn bị cho cuộc họp Kết nối giao thương với các Nhóm sản xuất được tiến hành khẩn trương. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, quản lý dự án, VIRI vui vẻ khoe với chúng tôi: “Cho nhà báo xem các chị, các cô, các bác tự tin giới thiệu và sử dụng công nghệ tốt như thế nào nhé!”.

Không để tôi phải chờ đợi lâu, cuộc kết nối giao thương với hơn 10 nhóm sản xuất trên ứng dụng zoom đã sôi động ngay từ những phút đầu. Xúng xính trong bộ đồ thổ cẩm trắng đỏ rực rỡ và ấn tượng, chị A Lăng Thị Bé, Hợp tác xã du lịch cộng đồng thác Kaizan (Thừa Thiên Huế) vui vẻ kể: “Chị mới đi ký hợp đồng ở Quảng Trị về, nhờ quảng bá qua zoom đấy. Bán được hàng rồi, có cơm rồi!”.

Có thế mạnh về các sản phẩm đặc sản địa phương như mật ong, thổ cẩm, mây tre đan và các dịch vụ du lịch tại chỗ, trước đây, hằng năm, Hợp tác xã cộng đồng thác Kaizan thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước. Với 100 thành viên, thu nhập mỗi tháng của hợp tác xã vào khoảng 3-4 triệu đồng, là mức thu nhâp khá khi các thành viên chỉ chủ yếu làm việc vào lúc nông nhàn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến lượng khách đến với hợp tác xã giảm mạnh, người dân rất khó khăn vì không có thu nhập.

Đầu năm nay, nhận được sự giúp đỡ của VIRI về máy móc thiết bị, hướng dẫn bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, hợp tác xã đã tích cực tham gia. Sau bốn đợt hỗ trợ quảng bá, đến nay, đã có nhiều đơn hàng về với hợp tác xã.

“Không đơn thuần mang sản phẩm đến chào hàng, chúng tôi còn tự tạo ấn tượng bằng cách mặc các trang phục dân tộc, sử dụng các bài hát bằng tiếng dân tộc… Từ những lần đầu còn bỡ ngỡ với những “khởi động, làm nét, tắt bật âm thanh…”, đến nay, nhiều thành viên hợp tác xã đã quen với phương thức bán hàng mới này”, chị Bé cho hay.

Thương mại điện tử “thắp” hy vọng vùng cao -0
Đầu tư mạnh cho trang phục dân tộc để gây ấn tượng với khách hàng.

Cũng chia sẻ kinh nghiệm để làm sao thu hút thật nhiều khách hàng đến với hợp tác xã, chị Blúp Thị Tha, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu A Roàng (A Lưới, Thừa Thiên Huế) nói: “Do không có nhiều thời gian chào hàng nên phải làm sao tạo ấn tượng nhanh nhất đến người mua. Thí dụ, phải quảng bá là gạo nếp than vị rất ngon, ăn rất lạ, hàng hóa luôn có sẵn và sẽ chuyển đến khách hàng ở mọi miền; hoặc hoa tai của đồng bào được làm từ thổ cẩm nên rất độc đáo…”. Cứ thế, từ đơn hàng nhỏ rồi đến đơn hàng lớn, từ một sản phẩm đến nhiều sản phẩm được tiêu thụ.

Từ những buổi tập huấn ban đầu của VIRI, nhiều hợp tác xã khác còn phát triển thêm việc kinh doanh từ các ứng dụng mạng xã hội như facebook. Chị Thào Thị Sung, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm Tả Phìn (Lào Cai, Sapa) cho hay: “Năm nay Covid-19 nên hàng bán chậm lắm. Tôi đã hướng dẫn chị em ngoài dệt lanh bán hàng cho du khách thì tập thêm vài tiết mục văn nghệ đặc trưng của người Mông để đa dạng hóa dịch vụ, vừa thu hút, giữ khách ở lại lâu hơn, vừa bán thêm được hàng và quảng bá văn hóa dân tộc thông qua các ứng dụng thương mại điện tửu. Bên cạnh đó, quảng bá, bán hàng online trên facebook. Lợi nhuận từ việc này giúp tôi bù đắp một phần khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, mở rộng thị trường, khách hàng ra nhiều thành phố lớn trên cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...”.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, từ đầu năm đến nay, VIRI đã hỗ trợ cho các tổ, nhóm sản xuất tổ chức được 4 đợt quảng bá, bán hàng qua thương mại điện tử. Các chương trình đã không chỉ hỗ trợ người dân bán được hàng, tăng doanh thu, bù đắp một phần thiệt hại do Covid-19, mà còn giúp người dân tự tin, linh hoạt hơn trong tìm ra các giải pháp bán hàng mới, mang lại hiệu quả ở hiện tại và kể cả sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Dịch Covid-19 như một cơn bão đã quét qua mọi xóm làng, nhưng thương mại điện tử đã giúp bà con vẫn bán được các sản vật vùng cao, mang hy vọng về các bản làng xa xôi. Từ đó, không chỉ mang lại sinh kế mà còn giúp nối dài những giấc mơ vươn xa, hội nhập cho người dân những vùng quê nghèo.