Vượt “bão” tả lợn châu Phi

Bài 2: Dịch chồng dịch, khó thêm khó

NDO -

NDĐT – “Cơn bão” dịch tả lợn châu Phi thời gian qua giống như một đòn giáng mạnh khiến ngành chăn nuôi lợn điêu đứng. Người chăn nuôi vừa phải gồng mình chống dịch vừa thấp thỏm nỗi lo lợn ế, trong khi lãi ngân hàng đến kỳ phải trả và khó tiếp cận được nguồn vốn mới để duy trì hoặc tái đàn.

“Cơn bão” dịch tả lợn châu Phi thời gian qua giống như một đòn giáng mạnh khiến cho ngành chăn nuôi lợn điêu đứng.
“Cơn bão” dịch tả lợn châu Phi thời gian qua giống như một đòn giáng mạnh khiến cho ngành chăn nuôi lợn điêu đứng.

Lợn khỏe cũng “khóc”

Sở hữu một trong những gia trại thuộc bậc trung ở thôn Thuận Tôn, xã Thiệu Phú (huyện Thiệu Khánh, Thanh Hóa), chị Lê Thị Hương đã hơn một tháng nay đứng ngồi không yên vì lợn đã đến kỳ xuất bán mà trên địa bàn xã lại bị dịch tả lợn châu Phi “tấn công”. Mặc dù đàn lợn nhà chị theo quan sát bên ngoài hoàn toàn khỏe mạnh nhưng không thể xuất bán được vì đang nằm trong vùng cấm dịch, chỉ được phép tiêu thụ trong địa bàn xã.

Chị Hương than thở: “Nhà tôi còn hơn 30 con lợn thịt đến nay đều đã hơn 80kg cả mà không xuất bán đi được. Giá lợn thì giảm, giá cám không hạ, cứ đà này để nuôi thì cũng không được, bán cũng không xong. Nhưng nhà tôi còn đỡ chứ như nhà ông Huy bên cạnh còn tới hơn 10 con lợn thịt giờ mỗi con cũng đã 1,5 tạ mà không xuất bán đi được cũng chẳng biết phải làm sao”.

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), hiện nay một trong những khó khăn lớn nhất của địa phương là vẫn còn số lượng lớn lợn đã hơn một tạ mà không thể xuất chuồng. “Như ở Thiệu Phúc, có những trang trại có tới hơn 60 con lợn không thể xuất bán vì bị nằm trong vùng dịch nên chỉ được phép tiêu thụ trong xã mà trong xã thì làm sao bán hết được 60 con lợn trong một thời gian ngắn. Ngày trước khi chưa dịch mỗi ngày còn có xe tải về bắt lợn lên thành phố chứ giờ Thiệu Hóa có dịch nên thương lái họ cũng e dè bởi thế có muốn bán cũng không có người mua”, bà Dung chia sẻ.

Bài 2: Dịch chồng dịch, khó thêm khó ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa (Thanh Hoá),cho biết: Một trong những khó khăn lớn nhất của địa phương là vẫn còn số lượng lớn lợn đã hơn một tạ mà không thể xuất chuồng.

Khảo sát tại một số địa phương đều ghi nhận tình trạng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt lợn giảm mạnh so với trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, ở cả địa bàn phát sinh và chưa phát sinh ổ dịch. Tại các khu chợ, những quầy thịt đều vắng khách, có quầy thịt nghỉ chưa bán lại, có quầy lại chuyển qua bán sản phẩm thịt khác. Nhiều tiểu thương bán thịt lợn cho biết, đã hành nghề được vài chục năm rồi nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng thịt lợn lại ế ẩm như hiện nay.

“Bình thường tôi bán được cả con lợn, giờ đi lấy về chỉ 5kg mà bán từ sáng tới chiều mới được tám lạng thịt”, bà Nguyễn Thị Thía, chủ một quầy thịt tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, chán nản nói. Bà dự định duy trì quầy thịt lợn qua thanh minh sau đó cũng tính chuyển nghề khác để kiếm thu nhập.

Xã Quang Phục là một trong hai xã “nóng” nhất về tình hình dịch tả lợn châu Phi tại huyện Tiên Lãng, thịt lợn khó tiêu thụ đã đành, tuy nhiên, tại các xã chưa phát sinh ổ dịch, lượng thịt lợn cũng tiêu thụ rất chậm.

Bà Nguyễn Thị Thủy, chủ một quầy thịt tại chợ Đông Quy, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, cho biết: “Trước bán được một con, giờ bán một phần tư con mà cũng rất chậm, rất nhiều người không ăn, có người nói cả tháng nay người ta không dùng thịt lợn, họ chuyển sang nguồn thực phẩm khác”. Tại thời điểm khảo sát, xã Toàn Thắng chưa phát sinh ổ dịch.

Bài 2: Dịch chồng dịch, khó thêm khó ảnh 2

Sau khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nhu cầu sử dụng thịt lợn người tiêu dùng giảm mạnh.

Không chỉ lợn thịt đến kỳ xuất chuồng không xuất được, nhiều trang trại lợn giống cũng lao đao vì lợn giống nhiều không xuất được do nhu cầu thị trường giảm. Trong khi việc duy trì đàn lợn nái và lợn giống tốn kém chi phí không nhỏ.

Phí kiểm dịch cao, lợn khó xuất

Lý giải về việc người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm thịt lợn, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là ở công tác tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi chưa thực sự hiệu quả. Trong khi đó, thông tin về sán lợn ồ ạt trên các phương tiện truyền thông đại chúng vào đúng cao điểm dịch tả lợn châu Phi đã khiến người tiêu dùng hoang mang và nhầm lẫn giữa hai loại bệnh này.

Một thực tế khác, dù có thể nắm được thông tin là dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, virus bệnh này không sống được trong môi trường 80 độ C nhưng người dân vẫn e dè lo ăn phải sản phẩm thịt lợn có nhiễm bệnh. Trong khi đó, các sản phẩm thịt lợn ngoài thị trường, nhất là tại các địa phương cấp huyện, xã, hầu hết không chứng minh được cho người tiêu dùng về độ an toàn.

Bài 2: Dịch chồng dịch, khó thêm khó ảnh 3

Khu vực bán thịt lợn chợ Quang Phục (Tiên Lãng, Hải Phòng), rất nhiều quầy thịt bị bỏ trống do nhu cầu ăn thịt giảm khi có dịch tả lợn châu Phi.

Để khôi phục niềm tin với người tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh hiện nay thì chỉ có cách tối ưu nhất là chứng minh rõ ràng sản phẩm thịt lợn là an toàn và chỉ dẫn cho người tiêu dùng tới các địa chỉ bán hàng tin cậy. Muốn vậy, sản phẩm ấy phải được chứng minh kiểm dịch rõ ràng.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề phí kiểm dịch cũng đang là một trong những rào cản khiến cho một lượng lớn lợn thịt đến tuổi xuất chuồng nhưng vẫn không thể tiêu thụ được.

Theo Công văn số 387/TY-DT ngày 12-3-2019 của Cục Thú y, mẫu để kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, mẫu xét nghiệm để cho phép giết mổ lợn tiêu thụ tại chỗ (tại địa phương có dịch bệnh), thực hiện lấy mẫu theo tỷ lệ lưu hành bệnh ước đoán là 10% nhưng bảo đảm lấy mẫu tối thiểu của ba con; đối với hộ, cơ sở có dưới năm con lợn, lấy mẫu của tất cả số lợn để xét nghiệm. Chi phí cho mỗi mẫu xét nghiệm là 522 nghìn đồng.

Bài 2: Dịch chồng dịch, khó thêm khó ảnh 4

Số lượng mẫu cần lấy để kiểm tra, xét nghiệm đối với động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT, ngày 30-6-2016.

Mặc dù rất muốn bán lợn nhưng khi nghe về phí xét nghiệm chị Hương không hỏi giật mình. Chị tính toán: “Như trước kia giá lợn dao động khoảng hơn 40 nghìn đồng/kg lợn hơi, một tạ lợn chúng tôi mới lãi được 500 nghìn đồng, giờ giá lợn thấp chỉ có 35 nghìn đồng/kg nếu phải mất thêm phí xét nghiệm nữa chẳng khác nào bán lợn quá lỗ”.

Cũng có quan điểm giống chị Hương, ông Phạm Thái Học, chủ trang trại chăn nuôi tại Tiên Lãng, Hải Phòng cho rằng: Mỗi đợt nhà tôi xuất bán 300 con lợn mà phải gánh thêm phí xét nghiệm 29 mẫu, tương đương hơn 15 triệu đồng thì làm gì còn lãi.

Bài 2: Dịch chồng dịch, khó thêm khó ảnh 5

Ông Đặng Trường Giang, Phó Trưởng phòng dịch tễ (Sở NN-PTNT Thanh Hóa) cho biết: Chỉ có các trang trại lợn lớn mới đầu tư xét nghiệm lợn trước khi xuất chuồng.

Theo ông Đặng Trường Giang, Phó Trưởng phòng dịch tễ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa), thực tế hiện nay chỉ có các trang trại lớn quy mô hơn 1.000 con lợn mới chấp nhận đầu tư để xét nghiệm lợn trước khi xuất chuồng, còn phần lớn các gia trại và nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phải giữ lợn trong chuồng chờ hết dịch.

“Ở Thanh Hóa thời gian qua mới có sáu trang trại đăng ký xét nghiệm mẫu lợn để xuất chuồng. Đây đều là những trang trại có quy mô lớn ở tỉnh”, ông Giang nói.

Lợn “ngậm” sổ đỏ hết rồi

Trải qua đợt khủng hoảng thừa vào năm 2017, dịch lở mồm long móng cuối 2018 đầu 2019 chưa dứt thì lại đến dịch tả lợn châu Phi, khi được hỏi về các khó khăn hiện nay trong hoạt động chăn nuôi, các chủ trang trại đều nêu ra vấn đề đau đầu trước tiên là cạn kiệt vốn để duy trì chăn nuôi.

Ông Phạm Thái Học nhớ lại thời kỳ khủng hoảng thừa thịt lợn năm 2017, khi ấy, giá lợn hơi chỉ vào khoảng 18-20 nghìn/kg, nhà ông bị mất tới 5,7 tỷ đồng. “Ngày nào cũng lỗ gần 20 triệu, một tháng lỗ 540 triệu. Đêm không ngủ được vì lỗ, căng thẳng lắm”, ông Học nhớ lại đầy xót xa.

Khủng hoảng thừa qua chưa lâu lại đến dịch lở mồm long móng khiến nhà ông Học lại thua lỗ thêm 1,6 tỷ. Đến nay, tổng nợ của ông đã lên tới tám tỷ đồng, chi phí mỗi ngày đề duy trì trang trại của ông lên tới 30 triệu đồng cho 2,5 tấn thức ăn một ngày cùng phí nhân công,… Nếu lần này trang trại nhà ông mà bị dịch thì thiệt hại sẽ lên tới sáu tỷ đồng.

Bài 2: Dịch chồng dịch, khó thêm khó ảnh 6

Ông Phạm Thái học không khỏi xót xa khi nhớ lại đợt khủng hoảng thừa thịt lợn năm 2017 khiến gia đình ông thiệt hại tới 5,7 tỷ đồng. Ông nói: "Nhà tôi hiện giờ chẳng còn gì để mất nữa".

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sở, chủ trang trại có 500 con lợn thịt và 100 lợn nái, tại xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cũng chia sẻ hoạt động chăn nuôi hiện nay có “nhiều cái khổ lắm”. Nhà ông vừa bị dịch phải tiêu hủy mất 200 con lợn thịt, còn 300 con trọng lượng từ 50-70kg chưa đến tuổi xuất chuồng. Mỗi ngày chi phí chăn nuôi của ông hết khoảng 10 triệu, mỗi tháng phải trả từ 15-20 triệu tiền lãi ngân hàng với số vốn vay ba tỷ đồng.

“Lợn thì bị tiêu hủy mà tiền hỗ trợ thì chưa thấy đâu, lợn thịt chưa đến kỳ xuất, lợn nái đẻ nhiều không xuất được cứ phải nuôi, vốn thì cạn kiệt do thua lỗ, trại bị dịch thì phải đầu tư mới, khó khăn đủ đường”, ông Sở nói và mong muốn sớm nhận được hỗ trợ từ Nhà nước cho số lợn bị tiêu hủy cũng như được vay thêm vốn từ ngân hàng để tiếp tục đầu tư làm ăn.

Trực tiếp thực hiện công tác thống kê, khảo sát các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, chị Đỗ Thị Hồng, cán bộ thú y xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết, đi đến đâu các hộ chăn nuôi cũng kêu khó khăn, mọi vốn liếng, tài sản đều cầm cố để đầu tư vào con lợn nhưng lại liên tiếp gặp rủi ro. “Người ta nói vui rằng lợn “ngậm” sổ đỏ hết rồi”, chị Hồng nói.

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại người chăn nuôi lợn thực sự đang trong thế “khó chồng khó”. Một mặt phải lo ứng phó nguy cơ dịch bệnh bủa vây, mặt khác phải xoay sở để duy trì đàn, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình sau những đợt thua lỗ liên tiếp.

* Bài 1: Găng sức dập dịch