Vượt “bão” tả lợn châu Phi

Bài 1: Găng sức dập dịch

NDO -

NDĐT - Những ngày qua, sau những nỗ lực dập dịch tả lợn châu Phi, một số địa phương đã công bố khống chế được dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.

Dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.
Dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.

Lợn bệnh, người khóc

Chúng tôi về một số địa phương tại Thái Bình và Hải Phòng, hai trong ba tỉnh, thành phố bị dịch tả lợn châu Phi “tấn công” sớm nhất cả nước, vào đúng cao điểm lây lan dịch, khoảng một tuần từ những ngày cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Tại các địa phương này vẫn có nhiều ổ dịch mới phát sinh; công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ghi nhận tại xã Quang Phục, một trong hai xã có tình hình dịch tả lợn châu Phi “nóng” nhất tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), ổ dịch đầu tiên tại xã được phát hiện vào ngày 8-3, dịch bệnh nhanh chóng bùng phát nhanh và lan rộng tại xã từ ngày 20-3 cho đến nay.

Ông Phạm Văn Suốt, Chủ tịch xã Quang Phục bùi ngùi chia sẻ: Mặc dù địa phương đã thực hiện rất quyết liệt việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo cấp trên như: tổ chức tuyên truyền cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền thanh xã), phát tờ rơi; tổ chức các chốt chặn kiểm soát dịch bệnh; phun tiêu độc khử trùng…, nhưng vẫn không tránh được dịch tả lợn châu Phi “tấn công”.

“Nói thực, khi xảy ra dịch bệnh người chăn nuôi là khổ nhất, có những hộ chúng tôi đến tiêu hủy vợ chồng ôm nhau khóc như mưa. Có những con lợn nái sắp đến ngày sinh sản vẫn phải buộc đem đi tiêu hủy, đến mình là người ngoài trông thấy cũng xót xa chứ nói gì đến các chủ hộ”, ông Suốt nói.

Bài 1: Găng sức dập dịch ảnh 1

Người dân xót xa nhìn cảnh lợn bị tiêu hủy cả đàn.

Theo thống kê của UBND xã Quang Phục, chỉ hơn ba tuần sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 70 hộ, ở 9/14 thôn của xã với hơn 500 con lợn bị tiêu hủy, đỉnh điểm có ngày 15 hộ của xã phát sinh dịch.

Trong những ngày chống dịch tả lợn châu phi, chúng tôi phải liên hệ nhiều lần mới gặp được Trạm trưởng Thú y huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) Mai Công Việt. Chẳng phải ông Việt gây khó dễ gì cho phóng viên, mà đến bản thân ông và các đồng nghiệp cấp dưới cũng đang phải căng mình giúp dân chống dịch, nhiều khi không kịp ăn trưa.

“Lực lượng cán bộ thú y địa phương thì mỏng mà tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh, đỉnh điểm có ngày 24 hộ/xã phát sinh dịch nên kể từ khi có dịch ngày nào anh em chúng tôi cũng phải căng sức xử lý. Cũng may, ở đây các trang trại nuôi lợn lớn từ khoảng 500 con trở lên chưa có trang trại nào bị mắc dịch chứ nếu không biết tình hình sẽ như thế nào”, Trạm trưởng Thú y huyện Tiên Lãng chia sẻ.

Bài 1: Găng sức dập dịch ảnh 2

Cán bộ Thú y huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cấp vật tư chống dịch cho người dân.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng: Tính đến ngày 16-4, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.754 hộ, ở 633 thôn, thuộc 121 xã, phường trên địa bàn chín huyện, quận. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy lên đến 49.383 con, trọng lượng hơn 2.500 tấn.

“Dập dịch căng lắm, mệt lắm”

Tương tự tại Thái Bình, tính đến 17-4, dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại hơn 31 nghìn hộ chăn nuôi tại 253/281 xã, thuộc 8/8 huyện, thành phố. Số lợn bệnh bắt buộc phải tiêu hủy lên đến hơn 8.700 tấn. Đặc biệt, tại bốn huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Vũ Thư, dịch bệnh đã xảy ra tại 100% số xã, thị trấn. Dịch bệnh đã xảy ra tại hai trạng trại chăn nuôi có quy mô lớn ở xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, đồng thời tái phát tại hai xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ và xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư.

Tiếp chúng tôi khi vừa từ ổ dịch về chân vẫn còn đeo ủng, vôi bột lấm tấm trên vạt áo và mái tóc, ông Lê Trung Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, gạt những hạt mồ hôi trên trán nói: “Cả tháng nay, hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải đi tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, căng lắm, mệt lắm. Tính đến ngày 3-4 đã có 56/181 hộ chăn nuôi phát sinh dịch tả lợn châu Phi, cao điểm có 12 hộ phát sinh dịch vào ngày 1-4”.

Bài 1: Găng sức dập dịch ảnh 3

Ông Lê Trung Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình: "Dập dịch căng lắm, mệt lắm".

Ngồi bên cạnh, tiếp lời ông Cương, chị Đỗ Thị Hồng, cán bộ Thú y xã Quỳnh Hội tỏ vẻ mệt mỏi: “Đến thời điểm này, anh em trong tổ tiêu hủy đều mệt hết rồi. Tổ đi tiêu hủy gần như ngày nào cũng hoạt động từ sáng đến tối. Những ngày đầu, có những con lợn nái nặng tới hai tạ phải tiêu hủy, mấy anh em khênh không nổi, về nhà chân tay mệt rã rời”.

Vừa dứt lời, chuông điện thoại của chị Hồng lại kêu lên, nhìn số điện thoại lại chị bảo: “Chắc lại có người báo lợn chết đây”.

Bài 1: Găng sức dập dịch ảnh 4

Lợn bệnh được đưa đi tiêu hủy.

Nguồn lây bệnh khó kiểm soát

Mặc dù công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi được thực hiện quyết liệt, song đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Tại Hải Phòng, chỉ trong vòng chín ngày, (từ 7 đến 16-4) số hộ phát sinh dịch tả lợn châu Phi và số lượng lợn phải tiêu hủy đã tăng gấp đôi; cao điểm ngày 16-4, dịch bệnh tiếp tục phát sinh thêm tại 418 hộ, thuộc 60 xã, trong đó có một xã mới, số lợn tiêu hủy là 3.250 con.

Trong khi đó tại Thái Bình, tính đến hết ngày 17-4, tổng số lợn phải tiêu hủy tương đương 22,12% tổng đàn lợn tại xã có dịch bệnh; tính theo số hộ có lợn phải tiêu hủy tương đương 52,5% số hộ chăn nuôi đã có dịch bệnh.

Thực tế khảo sát tại các địa phương cho thấy, hầu hết, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu lây lan tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và gia trại. Các trang trại lớn, nơi áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học ít bị ảnh hưởng hơn. Để bảo vệ an toàn cho lợn, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các trang trại lợn và các hộ chăn nuôi lợn số lượng lớn đều áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tại Thái Bình, chúng tôi đã thử tiếp cận một trang trại lợn tư nhân trên địa bàn xã Quỳnh Hội. Tuy nhiên, đến cả nói chuyện, nhân viên bảo vệ nhất quyết không chịu mở cửa kính phòng trực để trao đổi với phóng viên.

Bài 1: Găng sức dập dịch ảnh 5

Tất cả các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn đều được rắc vôi bột khử trùng.

Còn ở Hải Phòng, chúng tôi may mắn hơn khi được người quen giới thiệu gặp ông Phạm Thái Học, một trong bốn chủ trang trại lợn lớn nhất tại huyện Tiên Lãng. Ông Học cho biết: Từ khi có dịch, ông đã chủ động cho làm hố khử trùng, hạn chế mọi người vào trang trại, ai bắt buộc phải vào trang trại, phải tắm khử trùng, tắm nước sạch, rồi mặc quần áo của trại mới được vào trong.

Nhận định về nguyên nhân dịch bệnh vẫn lây lan nhanh, Trạm trưởng Thú y huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) Mai Công Việt cho rằng: “Anh cán bộ thú y đi chăm sóc bệnh cũng có thể là một nguồn lây bệnh, hoạt động kinh doanh vận chuyển ra vào, bạn khách đến chơi, cán bộ đến thăm quan cũng có thể mang nguồn bệnh”.

Lý giải rõ hơn về việc này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, dịch tả lợn châu Phi là một dịch bệnh rất nguy hiểm, từ năm 1996 đến nay đã lan đến 60 quốc gia trên thế giới, gần đây nhất là Campuchia, giáp Việt Nam. Đường lây truyền của virus tả lợn châu Phi hết sức phức tạp, có thể qua lợn từ lợn rừng đến lợn nhà, từ chim chóc, côn trùng, hay chuột đều có thể là vật chủ trung gian, rồi con người, các phương tiện vận chuyển và trang thiết bị vệ sinh cũng thể là nguồn lây bệnh.

Bài 1: Găng sức dập dịch ảnh 6

Tại một trang trại lợn ở xã Quỳnh Hội, phóng viên đã không thể tiếp cận với bất kỳ ai kể cả bảo vệ trang trại.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Trung Quốc đã xảy ra dịch tại 28 tỉnh, thành phố và có đường biên giới hơn 1.000km với Việt Nam, với rất nhiều đường mòn lối mở và hoạt động thương mại trong dịp Tết tăng rất cao, cư dân biên giới đi lại rất nhiều, có tỉnh một ngày hơn vạn người, lượng khách du lịch vào Việt Nam tăng cao trong quý I cũng là một trong những nguồn mang dịch bệnh vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, hoạt động giết mổ, vận chuyển, bày bán thương mại trong dịp Tết vào tháng đầu năm rất nhộn nhịp, song song với tình hình thời tiết có độ ẩm cao, mưa phùn, gió bấc là điều kiện lý tưởng cho dịch bệnh lây lan. Thứ nữa là hoạt động chăn nuôi của chúng ta rất lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ ngay sát nhà ở, các hộ liền kề dẫn đến khó thực hiện biện pháp an toàn sinh học hoặc có thực hiện nhưng khó có thể bảo đảm công tác thú y cũng là nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh và khó kiểm soát.