Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực

Áp lực cạnh tranh của ngành mía đường trước giờ “G”

NDO -

NDĐT - Từ ngày 1-1-2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa với việc tất cả hạn ngạch và thuế xuất nhập khẩu đường sẽ bị bãi bỏ, tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường.

TTC Sugar đã tiến hành mở rộng diện tích trồng mía giống trên quy mô 150 hecta tại tỉnh Kratie, Campuchia.
TTC Sugar đã tiến hành mở rộng diện tích trồng mía giống trên quy mô 150 hecta tại tỉnh Kratie, Campuchia.

Không thể kéo dài thời gian bảo hộ

Theo ATIGA chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, tất cả hạn ngạch và thuế xuất nhập khẩu đường dự kiến sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn, nguồn đường từ các quốc gia sẽ được mua bán tự do trên thị trường, mía đường Việt Nam sẽ phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác. Theo ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay, các nhà máy đường đã có sự chuẩn bị nhưng toàn ngành thì chưa. Sự chuẩn bị của toàn ngành mía đường cho mốc thời điểm ngày 1-1-2020 xoá bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường chưa đủ độ “chín”. Hai năm qua, năng suất ngành mía đường vẫn đang thấp hơn bình quân thế giới, thấp hơn khu vực châu Á. Giá thành mía của Việt Nam còn cao do năng suất thấp.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – nêu quan điểm, tinh thần chung của mía đường phải tự mình là chính, trước khi tính đến câu chuyện đàm phán lại. “Trong đàm phán, luôn có sự đánh đổi được cái này thì chúng ta sẽ phải mất đi những cái khác và đây là điều ta phải chấp nhận” - TS Võ Trí Thành nói.

Cùng chung quan điểm, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn – cho rằng, việc kéo dài thời gian bảo hộ là không hợp lý. Ngành gạo ngày mới hội nhập cũng lo không cạnh tranh được với Thái-lan, nhưng rồi chúng ta vẫn vượt qua. Với ngành mía đường, phải tái cơ cấu, tập trung nguồn lực phát triển vùng nguyên liệu nào, doanh nghiệp nào mạnh thì tập trung nguồn lực phát triển, ngành nào, vùng nguyên liệu nào cần phải chuyển đổi mô hình phát triển.

Trước ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay, về chương trình thuế cho mía đường, Bộ đều có báo cáo với Chính phủ, tham vấn với các bộ, ngành, các đối tượng có liên quan. Trong khuôn khổ, Bộ trưởng Công thương đã vận động từng nước ASEAN, mặc dù bư1ớc đầu chưa được đồng ý ngay nhưng chúng ta vừa áp dụng và vừa thực hiện những công tác khác. Cuối cùng, họ đã đồng ý cho chúng ta kéo dài đến ngày 1-1-2020. Mặt hàng đường là mặt hàng cuối cùng được áp dụng hạn ngạch thuế quan cho các nước ASEAN. “Đến ngày 1-1-2020, nếu chúng ta tiếp tục vi phạm cam kết, khả năng rất cao sẽ bị trừng phạt thương mại. Ngoài ra, nếu trong trường hợp vi phạm lại, trong 90 ngày, sẽ bị trả đũa ngay theo quy định ở Hiệp định. Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam chưa bao giờ bị kiện. Chúng ta thực hiện các quy định rất nghiêm túc và đúng pháp luật”, ông Lương Hoàng Thái nói.

“Các mặt hàng khác đưa thuế về 0% rồi, đường là mặt hàng cuối cùng chúng ta bảo hộ. Đàm phán thì phải đánh đổi. Nếu đánh đổi thì doanh nghiệp Thái-lan có đồng ý không? Liệu chúng ta có chấp nhận để họ tăng thuế gạo hay mặt hàng nào khác không?” - ông Lương Hoàng Thái đặt câu hỏi và cho biết thêm, cái chúng ta đang nhìn vào là biện pháp hạn ngạch thuế quan áp dụng cho các nước ASEAN. Chúng ta vận động rất cao, rồi đàm phán, các nước đồng ý gia hạn cho Việt Nam thêm hai năm (từ 2018 đến 2020). Nếu bây giờ chúng ta tiếp tục xin gia hạn nhưng ngành vẫn chưa thể mạnh lên, liệu có được không? “Các công cụ trợ cấp các nước được phép sử dụng, họ áp dụng rồi xuất khẩu hàng sang ta gây ảnh hưởng sản xuất trong nước thì ta có thể có những biện pháp phòng ngừa thương mại. Chúng tôi khẳng định, không bao giờ Chính phủ để một ngành lớn như ngành đường chết”, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Chuẩn bị sẵn sàng

Để chuẩn bị cho ngày 1-1-2020, đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn ngành mía đường đã chuẩn bị sẵn sàng. Ông Phạm Hồng Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) cho biết, TTC Sugar đã đầu tư dây chuyền luyện đường từ đường thô tại một số nhà máy. Nhờ đó, bù đắp lượng đường còn thiếu trên thị trường bằng đường luyện từ đường thô nhập khẩu. Bên cạnh đó, không ngừng mở rộng vùng nguyên liệu có diện tích canh tác lớn, đưa ra các giải pháp khuyến nông như “dồn điền, đổi thửa” để dễ dàng áp dụng cơ giới hóa vào quá trình canh tác, thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, cũng như giảm chi phí giá thành mía.

Là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực mía đường, ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Sơn La – cho hay, hiện nay, giá đường Việt Nam đang cao hơn Thái-lan là do ngành mía đường của Thái-lan đã được trợ cấp, trợ giá, bảo hộ từ nhiều thập kỷ nay. Theo tính toán dựa trên báo cáo của Hiệp hội Mía đường Mỹ thì Chính phủ Thái-lan trợ giá tối thiểu 1,5 tỷ USD/năm, tương đương 3.000 đồng/kg cho ngành mía đường.

Trong khi đó, tại Việt Nam, dù nhà máy không lớn nhưng lại có hiệu quả và độ phù hợp. Ông Đặng Việt Anh cho hay, tại Sơn La, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm năng suất và thu nhập cho bà con trồng mía, Công ty đã chủ động đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật... Nhờ đó, dù quy mô sản xuất nông hộ nhưng vẫn có năng suất 70 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất của Thái-lan cũng chỉ đạt 72-75 tấn/ha. “Điều này lần nữa khẳng định chúng ta không thua kém ai, nếu được hội nhập một cách công bằng”, ông Đặng Việt Anh khẳng định.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có kế hoạch hành động để triển khai Quyết định 1369 về Phê duyệt đề án phát triển ngành mía đường Việt Nam đến năm 2020, hướng đến năm 2030. Làm sao để ngành mía đường phát triển tổng thể, khai thác có hiệu quả… phù hợp với hội nhập quốc tế, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.