Xây dựng và quản lý hiệu quả thương hiệu

Làm thế nào để thương hiệu các sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Ocop) trở thành dấu hiệu nhận diện uy tín đối với người tiêu dùng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và sức tiêu thụ? Phóng viên Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tiến (ảnh bên), Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quanh vấn đề này.

Xây dựng và quản lý hiệu quả thương hiệu

- Thưa ông, sau gần ba năm thực hiện Chương trình OCOP, ở một số địa phương công tác đánh giá, lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình có sự xuê xoa, cục bộ, ảnh hưởng đến cơ hội tham gia của một số chủ thể. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
 
 - Chương trình OCOP có tiếp cận rất rõ ràng, theo đó phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...). Với nguyên tắc như vậy, chương trình đặt ra các yêu cầu: Phát huy các tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa; phát huy sự sáng tạo và sức mạnh cộng đồng để tổ chức sản xuất và hình thành các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng; phát triển liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa.
 
 Để triển khai, Chương trình đã đưa ra Chu trình OCOP rất rõ ràng và cụ thể theo trình tự từng bước. Tuy nhiên, đây là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó không thể tránh khỏi những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai, như sự cục bộ, xuê xoa trong thẩm định, đánh giá, chạy theo thành tích ở một số ít các địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Năm 2020, Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, ban hành văn bản hướng dẫn về nhiệm vụ, vai trò của các cấp trong triển khai Chương trình. Đặc biệt là công tác đánh giá tiềm năng và lựa chọn các sản phẩm tham gia. Nhờ vậy đã giúp các địa phương chủ động và triển khai đúng hướng hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu.
 
 - Việc tiêu thụ được sản phẩm có ý nghĩa quyết định đối với thành công của chương trình ở mỗi địa phương. Chương trình đã có những giải pháp nào để kết nối, tạo liên kết chuỗi sản phẩm, hỗ trợ về đầu ra để người sản xuất có thể tiêu thụ được sản phẩm?
 
 - Thật ra, Chương trình OCOP bao hàm các giải pháp hỗ trợ tổng thể đối với các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, trong đó tập trung vào ba khía cạnh chính: Đó là chuẩn hóa và phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh và lợi thế của các địa phương, thúc đẩy sự sáng tạo để hình thành các sản phẩm gắn với nhu cầu của thị trường (yêu cầu về an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác, sự tiện dụng…), nhưng vẫn bảo đảm sự đặc sắc và nổi trội (đặc biệt về chất lượng, văn hóa truyền thống…); tập trung nâng cao năng lực của các chủ thể kinh tế (quản trị, tổ chức sản xuất và marketing...), đặc biệt là hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể, đến nay có 65,8% chủ thể OCOP là các HTX và doanh nghiệp, đây là những chủ thể đóng vai trò thúc đẩy sự chủ động và kết nối giữa sản xuất và thị trường, từng bước khắc phục những hạn chế như: nhỏ lẻ và manh mún trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam; tập trung vào quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Trong thời gian qua, hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại đã được chú trọng triển khai từ trung ương đến địa phương.
 
 Với hệ thống các giải pháp đã triển khai trong thời gian vừa qua, Chương trình đã thật sự góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế. Từ đó giúp các chủ thể OCOP chủ động được đầu ra, phát triển thị trường ổn định và nâng cao giá trị gắn với lợi thế về chất lượng, văn hóa truyền thống của từng địa phương.
 
 - Vấn đề xây dựng thương hiệu OCOP ở Việt Nam nói chung và thương hiệu sản phẩm gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý nói riêng rất cần được quan tâm. Quanh vấn đề này, Chương trình OCOP có những định hướng gì trong giai đoạn tới?
 
 - Tại Hội nghị tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, diễn ra vào ngày 23-3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu cần “Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế”.
 
 Trên cơ sở đó, chúng tôi xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 là xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam, để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm, đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
 
 Bên cạnh đó, với phương châm khai thác tối đa và hiệu quả các thế mạnh, lợi thế của địa phương, đặc biệt là các sản vật, làng nghề truyền thống, việc xây dựng và khai thác các thương hiệu địa phương (như: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận gắn với dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý) sẽ được đặc biệt quan tâm. Bộ NN& PTNT sẽ phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản hướng dẫn chi tiết, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn để tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho chủ thể OCOP về sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận… Sự phối hợp giữa thương hiệu OCOP Việt Nam và thương hiệu của sản phẩm (thương hiệu địa phương) sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao giá trị về chất lượng, hình ảnh để tiếp cận thị trường, giá bán và hiệu quả của sản xuất cho các chủ thể OCOP.
 
 - Xin trân trọng cảm ơn ông!