Vòng luẩn quẩn của thu nhập

Thu nhập không dư dả, chính sách chưa hấp dẫn, phương thức truyền thông chưa phù hợp... là những nguyên nhân chính khiến cho người lao động di cư chưa mặn mà với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi, những gói sản phẩm bảo hiểm với quyền lợi thiết thực hơn đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Anh Ðương đã đứng tên mua bảo hiểm của Bảo Việt từ lâu.
Anh Ðương đã đứng tên mua bảo hiểm của Bảo Việt từ lâu.

Cân đo đong đếm chi tiêu

Quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, rồi đến phố cổ, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp họ - những người lao động di cư tạm xa quê hương của mình lên thành phố mưu sinh.

Dương Ngọc Vương sinh năm 1984, quê ở tận Bắc Giang, lên Hà Nội làm nghề chạy xe ôm được hơn chục năm rồi. Anh cùng vợ thuê nhà ở khu đường tàu Trần Phú, chồng làm xe ôm, vợ đi làm thuê. Anh chia sẻ: "Cùng ở Hà Nội, kiếm tiền dễ hơn, nhưng phải để con ở nhà cho ông bà trông, hằng tháng gửi tiền về cho ông bà, vừa là nuôi bố mẹ già, vừa là nuôi con nhỏ. Cũng may cả hai cùng đi làm tháng cũng kiếm được hơn chục triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt đi thì vừa đủ nuôi gia đình ở quê". Từ ngày có loại hình xe ôm Grab thì những người chạy xe ôm như anh ế ẩm hẳn, nhưng anh chị cũng vẫn chẳng bỏ thành phố mà về quê được, vì dù sao tiền kiếm ở thành phố vẫn dễ hơn, nhiều hơn, dù vất vả. "Ngày trước chạy một ngày vài chục cuốc, thì bây giờ chỉ được còn nửa, cũng may anh làm lâu rồi nên nhiều khách quen, bây giờ kiêm luôn mua đồ ăn mang tận nơi cho họ, trộm vía thu nhập cũng vẫn đều".

Nhiều người dân lao động di cư ra thành phố đều có hoàn cảnh như anh Vương, tuy có khó khăn, vất vả, nhưng ăn tiêu tiết kiệm thì vẫn đủ tiền gửi về quê. Chị Nguyễn Thị Ðịnh (sinh năm 1954) giúp việc cho một gia đình trẻ gần nơi anh Vương hay đứng đợi khách, cũng tâm sự: "Hầu hết bọn chị ai cũng có gia đình ở quê, như chị đi làm một tháng được 5 - 6 triệu tiền lương, nhà chủ người ta lo ăn ở cho hết, thành ra làm được đồng nào gửi hết về quê đồng nấy, giữ lại một ít phòng thân thôi!".

Cả anh, chị Ðịnh đều tỏ ra ngỡ ngàng khi tôi hỏi về chuyện tham gia bảo hiểm xã hội để có khoản lương hưu khi về già. "Anh còn không biết chút thông tin nào về loại BHXH tự nguyện mà em nói. Mà nếu có biết thì anh cũng không mua, vì bây giờ tiền anh làm được chỉ vừa đủ nuôi gia đình, có dư dả đâu mà đóng bảo hiểm!", anh Vương cười mà nói với tôi. Chị Ðịnh cũng vậy, "Tối thì chị có xem thời sự với chủ nhà, cũng thấy người ta nói, mà chị nghe không hiểu, không có nhu cầu nên không quan tâm, tiền mà có để ra được thì gửi người quen cầm hộ, hay cho người ta vay, đến khi cần đòi người ta còn trả cho mình chút lãi, chứ mua bảo hiểm, biết mình theo được bao lâu?".

Có nhiều sự lựa chọn

Khác với câu chuyện trên, hằng ngày cứ từ 5 giờ chiều, đến 5 giờ sáng vợ chồng anh Nguyễn Xuân Ðương (47 tuổi) - chị Nguyễn Hữu Huyên (46 tuổi) lại cùng nhau đẩy hai chiếc xe chở ngô xào, khoai lang nướng, bánh mì đi khắp các phố cổ Hà Nội. Tôi gặp anh chị ở Chợ Gạo, nơi có nhiều bạn trẻ thường hay ngồi la cà trà chanh vỉa hè. Công việc của anh chị khi bắt đầu tới khi kết thúc vừa tròn một vòng đồng hồ. Chị Huyên kể với tôi "Chị chủ yếu là đi ủng hộ anh thôi, chứ mệt lắm, chị cứ hôm đi hôm nghỉ, còn anh ở quê mà không có việc gì thì đi đều cả tháng". Anh chị đẩy xe đi bán từ khu nhà trọ bên Gia Lâm, rồi vòng quanh khắp phố cổ, đặc biệt mấy phố nhiều hàng quán thì dừng lâu hơn, đến bây giờ cũng được 5 năm rồi. Hai vợ chồng cùng nhau từ huyện Mỹ Ðức ra thành phố đi làm nuôi ba người con ăn học. "Mỗi tháng, riêng tiền nhà cho anh chị và các cháu ở để học đại học là gần 5 triệu đồng, rồi tiền sinh hoạt, tiền học, tiền đóng bảo hiểm… nghĩ đến các khoản đấy là anh có ốm cũng không dám nghỉ bán, cố gắng mỗi tháng phải bán được hơn chục triệu đồng", anh Ðương nói.

Hóa ra anh Ðương đã đứng tên mua bảo hiểm của Bảo Việt từ lâu. Gói bảo hiểm nhà anh mua ở mức 6 triệu đồng/năm, thêm phí bảo an cho chị Huyên và các con 1,1 triệu nữa, vậy là một năm anh đóng hơn 7 triệu đồng. Khi hoàn thành thời gian đóng, anh chị sẽ được lấy tiền gốc về, và có mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/tháng, coi như lương hưu. Anh Ðương cũng chia sẻ thêm: "Ở quê anh mọi người chủ yếu chơi loại bảo hiểm này. Nhỡ không may mà có ốm đau thì nhà mình cũng được bảo hiểm thanh toán, đến khi đóng hết còn được một khoản lớn cho các con". Khi tôi cũng hỏi về loại hình BHXH tự nguyện, anh Ðương bảo: "Không biết tới, nhưng anh chị cũng không có ý định thay đổi, loại kia mức đóng cũng không thấp hơn bao nhiêu, khi đau ốm lại không có trợ cấp, thế thì mình cứ dùng loại BH của Bảo Việt này vẫn hơn".

Rõ ràng, BHXH tự nguyện có sự ưu việt, có đem lại nhiều lợi ích hơn cho lao động tự do, tuy nhiên, các quy định về điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu vẫn còn khá khắt khe. Chính sách thì chưa thật hấp dẫn do chỉ thực hiện hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Vì vậy, khi so sánh với các loại bảo hiểm nhân thọ khác thì có phần "yếu thế". Hơn nữa, phương thức truyền thông cũng chưa thật sự hiệu quả, khi đối tượng hướng tới của BHXH tự nguyện lại hầu như không hề biết đến sự tồn tại của loại bảo hiểm này.