Góc nhìn

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị:

Một lộ trình về miễn thuế VAT trong năm nay và giảm thuế năm 2021; hoãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả tổ chức văn hóa - nghệ thuật trong thời gian sáu tháng. Đồng thời, miễn thuế thu nhập cá nhân trong hai năm 2020 - 2021 cho các cá nhân nghệ sĩ, người thực hành văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam. Các tổ chức văn hóa - nghệ thuật được hưởng lãi suất ưu đãi đặc biệt cho các khoản vay ngân hàng. Ngoài ra, hỗ trợ miễn phí, giảm phí cho việc sử dụng các công nghệ số cho hoạt động văn hóa - nghệ thuật.

Với các đơn vị sự nghiệp công lập, tạm dừng áp dụng tự chủ 10% trong năm 2020 - 2021 cho các đơn vị sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật truyền thống; tạm dừng lộ trình tự chủ toàn bộ trong năm 2020 với các đơn vị sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật và các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật. Miễn thuế doanh thu trong năm 2020 cho mọi đơn vị sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật; đồng thời, thực hiện giảm 50% thuế doanh thu trong năm 2021 để các đơn vị này có thể bù lại tổn thất nặng nề do dịch gây ra. Ngoài ra, giảm 50% số tiền các đơn vị sự nghiệp này thu được từ hoạt động bán vé tham quan, biểu diễn,... (đối với bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc...). Với các tổ chức văn hóa - nghệ thuật ngoài công lập, miễn thuế môn bài trong năm 2020 và 2021, miễn hoặc giảm tiền thuê mặt bằng kinh doanh, áp dụng các chương trình cho vay không lãi từ các ngân hàng.

Về kiến nghị trung và dài hạn, thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa - nghệ thuật ứng phó với khủng hoảng (nguồn từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa). Xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hành văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng những chương trình có sự hợp tác công - tư dài hơi và tổng thể, tạo điều kiện cho nghệ sĩ, các không gian văn hóa ngoài công lập có môi trường thuận lợi để sáng tạo và góp phần lớn hơn vào sự nghiệp phát triển bền vững của kinh tế, xã hội và văn hóa đất nước.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Quỹ Hỗ trợ điện ảnh sẽ là cú huých đối với sự phát triển của nền điện ảnh

Với các nhà sản xuất phim tư nhân, dịch Covid-19 là một đòn giáng mạnh vào tình trạng tài chính của họ, nhất là với những nhà làm phim hạng vừa hoặc trung vốn, có nguồn lực tài chính không bền vững. Ở góc nhìn của một người quan sát (dù không toàn diện cho lắm), tôi cho rằng cũng giống như với các lĩnh vực sản xuất khác, Chính phủ cần có một động thái hỗ trợ thích đáng đối với một ngành sản xuất và kinh doanh đặc thù như điện ảnh.

Quỹ Hỗ trợ điện ảnh là niềm mơ ước từ lâu của giới điện ảnh, ngay từ trước khi đại dịch diễn ra. Với những người làm phim tâm huyết thì Quỹ Hỗ trợ điện ảnh sẽ là điểm tựa để họ vững tin cho ra đời những tác phẩm giàu hàm lượng văn hóa, có chất lượng nghệ thuật cao. Và đặc biệt hơn, nếu được vận hành tốt, Quỹ có thể định hướng cho một nền điện ảnh Hay và Đẹp bằng cơ chế tài trợ cho các tác phẩm đỉnh cao, thông qua sự thẩm định của một Hội đồng do Quỹ lựa chọn và giao phó.

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị: ảnh 1


Với hiện thực đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, Quỹ Hỗ trợ điện ảnh được hình thành và hoạt động sẽ là một cú huých mạnh mẽ đối với sự phát triển của một nền điện ảnh chính đạo, làm cân bằng lại mặt bằng chung của các dòng phim. Có thể nói, đại dịch ở một khía cạnh nào đó cũng mở ra một quãng thời gian tạm lắng để các nhà sản xuất và nghệ sĩ nhìn nhận lại mục đích sáng tạo của bản thân, tự chiêm nghiệm và chọn cho mình con đường đi thích hợp nhất. Trạng thái tâm lý này có thể dẫn đến sự phân hóa mạnh mẽ của các dòng phim. Và Quỹ Hỗ trợ điện ảnh sẽ khiến cho sự phân hóa này trở nên rõ nét hơn, có đích hơn.

Để Quỹ Hỗ trợ điện ảnh có thể sớm khởi động, tôi nghĩ cần lắm một động thái trước hết từ Chính phủ. Với hạt nhân ban đầu của Quỹ được gây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước, tôi tin nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, cả các kiều bào ở nước ngoài sẽ đóng góp không nhỏ cho Quỹ. Tôi đã thấy họ góp vốn cho các dự án điện ảnh lớn và có tầm. Khi đã có Quỹ, chắc chắn những bộ phim lịch sử, văn hóa dân tộc, các bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng… cũng sẽ tìm thấy sự hỗ trợ thích đáng từ Quỹ. Và khi Quỹ có cơ chế hỗ trợ minh bạch, đúng đắn thì nguồn tài chính đổ vào Quỹ cũng sẽ tăng lên. Đó là điều tôi tin chắc và mong mỏi.

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực: Nhà nước cần thay đổi tư duy đầu tư cho nghệ thuật

Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị nghệ thuật được Nhà nước rót kinh phí đầu tư hằng năm đều đặn nhưng hoạt động rất èo uột. Nhiều vở diễn vừa ra mắt đã phải xếp kho, không có đời sống bằng những suất diễn lâu dài. Theo tôi, cách chi tiền, quản lý đầu tư của Nhà nước hiện nay không kích thích sự sáng tạo của nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là đối với sân khấu. Phải khẳng định rằng, với nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống, muốn giữ được bản sắc cần phải có sự đầu tư thích đáng. Việc đầu tư này không chỉ ở phần ngọn với khâu dàn dựng tác phẩm hay tổ chức biểu diễn mà còn phải đầu tư từ con người ngay ở khâu đào tạo để có sự đồng bộ từ đội ngũ tác giả, đạo diễn cho tới nghệ sĩ biểu diễn. Sự thiếu hụt thành phần nào cũng sẽ tạo nên những khoảng trống và thiếu đi tính chuyên nghiệp cho loại hình nghệ thuật đó. Đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương cần phải có các dự án chiến lược để sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn lâu dài. Xuất thân là người làm nghệ thuật sân khấu truyền thống nhưng tôi cảm thấy vô cùng lo lắng khi xem các vở tuồng, chèo cổ hiện nay bởi phục dựng lại đã không còn giữ được bản sắc riêng.

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị: ảnh 2


Mặt khác, để tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh cho nghệ thuật, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao và hấp dẫn khán giả, Nhà nước cần thay đổi phương thức đầu tư mang tính “cào bằng” và thiếu trọng điểm như hiện nay. Nên chăng cần có nhiều dự án nghệ thuật dành cho đơn vị công lập và cả xã hội hóa cùng vào cuộc! Và những dự án đầu tư cho nghệ thuật phải thật sự “xứng đồng tiền bát gạo” để giúp nâng tầm cho sân khấu không bị tụt hậu, xa cách với sân khấu thế giới.