Vì một thế hệ công dân số ngày mai

Trẻ em ngày nay được tiếp cận từ rất sớm với một thế giới tri thức không biên giới qua internet, chỉ qua một vài phím bấm, hoặc cái chạm tay. Thế nhưng, trong khi thế giới ảo có những hiểm họa thật, các em lại chưa được bảo vệ một cách đầy đủ. Ðể xây dựng được thế hệ công dân số tương lai mạnh khỏe về trí lực và nhân cách, chúng ta cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa.

Ðang thiếu hụt những cơ chế đồng hành cùng phụ huynh trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường internet. Ảnh: HD
Ðang thiếu hụt những cơ chế đồng hành cùng phụ huynh trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường internet. Ảnh: HD

Hai mặt của kiểm soát

Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos năm 2016 đã định nghĩa, một công dân số thế kỷ 21 phải có được ba cụm kỹ năng, trong đó IMT (Information, Media, Technology - Thông tin, Phương tiện và Công nghệ) là quan trọng. Nhóm kỹ năng này không thể có được nếu như trẻ em không có điều kiện tiếp cận và sử dụng internet một cách đúng đắn. Rất tiếc tại Việt Nam, chúng ta chưa chuẩn bị tốt cho trẻ có được kỹ năng IMT ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Những hiểm họa trên internet đa dạng và tinh vi đến mức ngay cả người lớn nhiều khi cũng chưa ý thức được hết. Một trong những nguy cơ thường trực nhất chính là xâm hại tình dục trẻ em. Minh chứng cho điều này, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết, trên toàn thế giới, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, luôn có 750.000 kẻ đang ngồi tìm kiếm các hình ảnh, video tình dục trẻ em. Số hình ảnh xâm phạm tình dục trẻ em được tải lên trên internet mỗi ngày cũng đạt con số gần tương tự, trong đó có trẻ em dưới 2 tuổi.

Ở Việt Nam, con số mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) dẫn ra rất đáng giật mình. Ðó là cứ bốn trẻ em được khảo sát thì có một trẻ em chia sẻ, đã từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội (MXH). Một phần ba số trẻ được khảo sát cho biết, mình từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt cao gấp ba lần số trẻ trai. Hiện cũng đã xuất hiện các trang khiêu dâm có nội dung là trẻ em tại Việt Nam... Ngoài những nguy cơ như bắt nạt trực tuyến dẫn tới trầm cảm, tự tử, việc tham gia vào MXH một cách không chọn lọc còn dẫn trẻ đến những nguy cơ có thể bị bắt cóc, tống tiền, cướp nội tạng, rủ rê bỏ nhà hoặc tham gia vào các thử thách nguy hiểm… Thậm chí, với các em, khái niệm “ngưỡng giới hạn thời gian trực tuyến có hại cho trí lực và sức khỏe” vẫn còn rất mơ hồ…

Là một chuyên gia đào tạo nhận thức an toàn thông tin, khi trao đổi với những phụ huynh có con dưới 18 tuổi về mong muốn của họ đối với việc “vào mạng” của con cái, tôi hầu như chỉ bắt gặp hai loại nhu cầu: “Kiểm soát thời gian sử dụng internet/điện thoại/máy tính” và “không muốn chúng xem những nội dung không phù hợp”. Câu trả lời của tôi luôn là, “cách thức kiểm soát đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay”.

Trẻ em giờ đây tiếp cận với công nghệ hằng ngày, chúng học được rất nhiều và rất nhanh, cả hay và dở, từ internet và MXH. Khoảng cách về công nghệ giữa cha mẹ và các em trong việc tiếp cận các nội dung và sử dụng ứng dụng trên internet ngày một rộng ra. Ðiều trớ trêu, cha mẹ là người trả tiền dịch vụ internet và mua thiết bị công nghệ cho các em nhưng lại bị động trong cách ứng xử với con cái. Nếu con cái nhận ra cha mẹ đang muốn kiểm soát, hạn chế việc sử dụng internet của chúng, một rào cản vô hình sẽ được tạo ra. Các em sẽ cảnh giác với mọi cố gắng “làm bạn” của bố mẹ. Ở đâu có khoảng cách, ở đó không thể có sự chia sẻ.

Dù nhu cầu kiểm soát là có thật, lời khuyên tốt nhất dành cho các bậc phụ huynh vẫn là đồng hành và giúp con nhận ra việc đúng sai khi sử dụng các ứng dụng trực tuyến và cư xử văn minh trong xã hội số. Ðể đồng hành với con, trước hết cha mẹ cũng cần trở nên hiểu biết hơn, bởi họ cũng đang là công dân của một “xã hội số”. Thậm chí, có thể tạo ra một “bản hợp đồng” quy ước sử dụng MXH, giữa cha mẹ và con cái. Một khi cùng thống nhất các điều khoản trong hợp đồng, cả hai bên đều có quyền và nghĩa vụ của mình trong thực thi. Cách thức này vừa cho thấy mong muốn làm bạn với con của phụ huynh, vừa để các em tự nhận thấy mình đang dần được chịu trách nhiệm hơn khi lớn lên.

Vì một thế hệ công dân số ngày mai ảnh 1

Quản lý trẻ em theo những cách thức mang nặng tính kiểm soát đã trở nên lạc hậu. Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Trách nhiệm không chỉ từ gia đình

Những lời khuyên tôi gửi đến phụ huynh hoàn toàn không khó và khả thi, nhưng không nhiều người có thể làm được điều đó bởi chúng ta đang thiếu hụt những cơ chế đồng hành cùng phụ huynh trong việc bảo vệ trẻ em trong môi trường internet.

Ở các nước đi trước trong công tác giáo dục trẻ em về công dân số, quyền kiểm soát có thể được thực hiện bởi nhiều bên và được hỗ trợ bởi công nghệ. Nhưng ở Việt Nam, bức tranh chung về kiểm soát nội dung rất mờ nhạt. Những bên có liên quan (nhà mạng di động, nhà cung cấp dịch vụ nội dung, nhà cung cấp dịch vụ internet…) đều chưa có động thái cụ thể nào về việc dán nhãn và kiểm soát nội dung mà chỉ chạy theo mục tiêu phát triển người dùng. Bên cạnh đó, hầu hết các bậc cha mẹ Việt Nam đều xa lạ với những tính năng có sẵn trên ứng dụng này và không có các nguồn hướng dẫn, đào tạo trực tuyến để họ có thể chủ động sử dụng cũng như ứng xử với con cái trong thế giới số.

Rõ ràng trong môi trường số hiện nay, không thể quản lý các em theo những cách thức mang nặng tính kiểm soát đã trở nên lạc hậu. Quản lý nhà nước, hệ thống đào tạo và ngay chính các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nội dung số, các nhà mạng… đều có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong môi trường số. Việt Nam có xây dựng được những thế hệ công dân số phát triển khỏe mạnh về trí lực và nhân cách, tự tin khẳng định mình khi hội nhập toàn cầu hay không tùy thuộc vào chính những bước chuyển trong nhận thức và quản lý hôm nay.

Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Ngô Phương Thảo, Lưu Hương, Nguyễn Hà