Vẫn thiếu công cụ, chính sách pháp luật

Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân cuối tuần, TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (ảnh bên) cho rằng, các chính sách về kiểm soát chất thải nhựa vẫn chưa thật sự được quan tâm, quản lý thỏa đáng.

Vẫn thiếu công cụ, chính sách pháp luật ảnh 1- Ông nhìn nhận ra sao về thực trạng ô nhiễm môi trường biển hiện nay?

- Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học biển cao, nguồn tài nguyên sinh vật biển có hơn 20 kiểu hệ sinh thái, là nơi cư trú của khoảng 11.000 loài, trong đó hơn 2.000 loài cá, đặc biệt xuất hiện các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Tuy nhiên, hiện tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái biển, ven biển Việt Nam đã và đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng, do ô nhiễm môi trường, đặc biệt là do rác thải nhựa đại dương, a-xít hóa đại dương, suy kiệt ô-xy gây tác động xấu tới kinh tế - xã hội và môi trường.

Trong khi đó, sự tăng trưởng cao của lượng khách du lịch cùng với xu hướng du lịch đại trà và tính thời vụ của hoạt động du lịch tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã dẫn đến những hệ lụy đối với môi trường, hệ sinh thái. Lượng khách du lịch quá lớn sẽ xả lượng lớn chất thải trong khi tỷ lệ thu gom chất thải rắn hiện chỉ đạt khoảng 70-80%, và hầu như không được xử lý, chỉ chôn lấp tại chỗ, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời có thể vượt quá khả năng tự phục hồi của môi trường.

- Vì sao cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về mức độ thiệt hại của chất thải nhựa gây ra đối với kinh tế - xã hội và môi trường, thưa ông?

- Chất thải nhựa được xác định là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, và có những tác động nguy hại tới môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái biển. Trong khi đó, ở Việt Nam, hiện nay, chúng ta chưa có chính sách về kiểm soát chất thải nhựa. Do vậy trong thời gian tới, cần phải có các công cụ chính sách pháp luật cụ thể, thiết thực hơn nhằm kiểm soát ngay từ giai đoạn sản xuất đến tiêu dùng và công đoạn xử lý.

Cụ thể, có các chính sách khuyến khích đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường; có chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường với các cơ sở du lịch và dịch vụ cũng như khách du lịch… Các khu du lịch biển cần phải thực hiện một số giải pháp như chất thải rắn phải được thu gom và phân loại ngay tại nguồn thành rác thải hữu cơ; rác thải vô cơ; rác thải có khả năng tái sử dụng hoặc tái chế.

Cùng đó triển khai đồng bộ và tiến tới lộ trình bắt buộc các doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh áp dụng triệt để mô hình giảm tối đa, tái sử dụng, tái chế chất thải (3R) để sớm đưa nội dung này thành một thói quen, tiêu chí bắt buộc về bảo vệ môi trường. Giảm sự phát sinh chất thải rắn thông qua việc hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần, sản phẩm không thân thiện với môi trường, đặc biệt các sản phẩm bằng nhựa trong hoạt động du lịch. Sử dụng các phương tiện thu gom di động và vận chuyển linh hoạt chất thải rắn trong mùa cao điểm du lịch và dịp lễ hội tránh tình trạng rác thải không được thu gom kịp thời gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan tại các khu du lịch vùng biển, hải đảo.

- Nhìn rộng hơn, ông có kiến nghị gì để “gia tăng sức khỏe biển”?

- Muốn phát triển bền vững biển, Việt Nam cần giảm các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường biển như: rác thải nhựa, dầu mỏ, hóa chất độc hại, khí thải nhà kính, các chất nạo vét, nước thải đô thị, dầu tàu, sinh vật ngoại lai. Tăng cường công tác bảo vệ đa dạng sinh học biển, các hệ sinh thái rừng ngập mặn, san hô, thảm cỏ biển, đặc biệt cần phải gia tăng diện tích các khu bảo tồn biển, các khu bãi giống thủy sản; phục hồi và ươm tạo mới các rạn san hô. Ði cùng là phát triển kinh tế biển xanh, như khai thác điện sạch từ các nguồn năng lượng tái tạo biển; nuôi hải sản xa bờ; du lịch sinh thái biển, đảo. Bên cạnh áp dụng các mô hình phát triển bền vững biển như: duy trì và mở rộng các khu dự trữ sinh quyển thế giới (do Ủy ban sinh quyển của UNESCO công nhận) vùng biển, hải đảo tại Việt Nam và các khu đất ngập nước RAMSAR có tầm quan trọng quốc tế tại Việt Nam.

Việc thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng có ý nghĩa quan trọng nhằm phòng ngừa, giảm phát sinh chất thải nhựa trên biển trong hoạt động du lịch. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương, các cấp ngành cần đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ về tác hại của rác thải nhựa và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, giảm phát thải rác nhựa đối với các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch ven biển cũng như ngư dân đánh bắt hải sản trên biển thông qua các chương trình truyền thông, giáo dục và chiến dịch thu gom, xử lý thường xuyên chất thải ven biển và trên biển. Tuyên truyền để người dân ven biển và ngư dân hiểu bảo vệ môi trường biển chính là bảo vệ cuộc sống của mình.

- Xin cảm ơn ông!