Dịch chuyển lao động trong AEC

Vẫn là bài toán khó!

Sau ba năm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập vẫn chưa cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ của lao động Việt Nam tham gia vào thị trường các nước ASEAN như kỳ vọng ban đầu. Rào cản nào khiến lao động Việt Nam đang khó bước chân vào AEC và đi những bước xa hơn?

Người lao động Việt Nam cần được trang bị trình độ kỹ thuật cao để tham gia AEC.Ảnh: Diên Khánh
Người lao động Việt Nam cần được trang bị trình độ kỹ thuật cao để tham gia AEC.Ảnh: Diên Khánh

Những rào cản

Bàn về khó khăn trong sự dịch chuyển lao động sau ba năm thành lập AEC, bà Hà Thị Minh Ðức, Phó Vụ trưởng Quan hệ quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ,TB và XH) cho biết, AEC chủ yếu chỉ đề cập tới việc dịch chuyển tự do lao động có kỹ năng cao, hành nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề lại có những điều kiện riêng mà các nước phải thỏa thuận để công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xây dựng khung đánh giá tiêu chuẩn thống nhất. Trong khi đó, khung trình độ quốc gia hiện nay trong khối ASEAN vẫn tồn tại khoảng cách.

Vấn đề có thể thấy, việc dịch chuyển nội khối còn hạn chế, chưa thông suốt bởi các nước đã có những hàng rào kỹ thuật nhất định. Ðó là các quy định về giấy phép lao động và quy định của từng quốc gia trong AEC nghĩa là còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường lao động ở từng nước đó. Trong khi đó, chất lượng cũng như vị thế của lao động Việt Nam hầu như rất mờ nhạt trên bản đồ lao động quốc tế. Các kỹ năng nghề nghiệp của lao động Việt Nam chỉ đạt mức trung bình và thấp, so với yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước và trong khu vực. Ðáng chú ý, các kỹ năng mềm như làm việc theo tổ nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, làm việc trong môi trường đa văn hóa… lại rất hạn chế.

Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động thế giới (ILO) thì đến năm 2025, AEC có thể giúp tạo ra 14 triệu việc làm cho Việt Nam và các nước ASEAN. Tuy nhiên, nói về sự dịch chuyển lao động hiện nay, ông Simon Matthews, CEO Tập đoàn cung cấp giải pháp nhân lực ManpowerGroup tại Thái-lan, Việt Nam và Trung Ðông cho biết: "Ðến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt nào trong dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực".

Hiện AEC mới cho phép tám ngành nghề được tự do di chuyển là: kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, hành nghề y khoa, nha khoa; dịch vụ kế toán và du lịch. Tuy nhiên, các lao động ở những lĩnh vực này muốn có sự dịch chuyển trong khối thì họ phải chứng minh được trình độ kỹ thuật của mình; chứng minh khả năng ngôn ngữ, trong đó là tiếng Anh, hoặc có thể là ngôn ngữ của nước sở tại. Và cuối cùng là những kỹ năng mềm khác như làm việc theo nhóm, kỹ năng máy tính, hiểu về văn hóa của nước sở tại cũng là những điều rất quan trọng…

Ðây là một việc khó vì vậy AEC đã đưa ra một thước đo chung cho mỗi ngành nghề và công nhận lẫn nhau về trình độ đó, tức là thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Khối ASEAN hiện đang có tám thỏa thuận công nhận lẫn nhau về nghề nghiệp thuộc tám lĩnh vực nói trên. Ở Việt Nam, lao động làm việc trong các ngành nghề này mới chỉ chiếm 1% tổng lực lượng lao động cả nước nên số lao động có tay nghề cao để tận dụng cơ hội này sang làm việc ở nước khác sẽ không nhiều. Hiện mới có khoảng 200 kỹ sư và 10 kiến trúc sư Việt Nam thuộc các lĩnh vực trên được công nhận đạt chuẩn ASEAN. Còn các ngành khác hầu như vẫn chưa có người được công nhận.

Nâng cao kỹ năng cho người lao động

Thật ra, trước AEC thì lao động vẫn di chuyển không theo một thỏa thuận nào và chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo, kỹ năng nghề thấp dẫn đến thu nhập của người lao động thấp. Nhưng khi tham gia vào AEC thì người lao động có thể dịch chuyển theo các thỏa thuận, nhưng phải hội đủ các điều kiện để nắm lấy cơ hội kiếm việc làm có thu nhập cao hơn. Tất nhiên sự chuyển dịch này không phải không có những rào cản và còn phụ thuộc vào quy luật cung cầu.

Theo ông Mạc Văn Tiến, Viện Nghiên cứu tài chính, hợp tác và đầu tư thương mại Ðông - Nam Á (SEAFIT) thì kỹ năng nghề nghiệp của lao động Việt Nam đạt mức trung bình và thấp, so với yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước và trong khu vực. Các kỹ năng mềm như làm việc theo tổ nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, làm việc trong môi trường đa văn hóa rất hạn chế, năng suất lao động thấp hơn so với các nước trong khu vực, chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài cũng thấp... Tất cả đều tạo nên rào cản ngăn sự dịch chuyển lao động Việt Nam sang các nước.

Một rào cản nữa cũng cần đề cập đến đó là vấn đề ngôn ngữ. Theo bà Hà Thị Minh Ðức, lao động Việt Nam chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi hơn so với các nước láng giềng vì hàng rào ngôn ngữ. Hầu như người In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a đều sử dụng ngôn ngữ chung; Lào, Thái-lan, Cam-pu-chia có nhiều điểm tương đồng về ngôn ngữ nên họ có thể hiểu tiếng của nhau. Chỉ có lao động Việt Nam là bất lợi nếu không có thêm ngoại ngữ nào khác. Còn ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LÐ, TB và XH thì nhận xét, nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh giá kiến thức kỹ năng mà Việt Nam đào tạo trong các cơ sở giáo dục hiện nay còn khoảng cách lớn so với nhu cầu mà họ cần. Cũng theo ông Diệp, chúng ta đang cung cấp ra thị trường những sản phẩm về nhân công lao động dở dang, chưa hoàn chỉnh.

Ðể nắm bắt cơ hội dịch chuyển lao động, người lao động Việt Nam đang cần quá nhiều thứ. Trước hết, đó là các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ. Ngoài những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp, người lao động cần học hỏi thêm những kỹ năng mới mà doanh nghiệp cần.

Ðối với cơ quan Nhà nước, cần phải khẩn trương hoàn tất quá trình tham chiếu trình độ ASEAN và tiến hành tham chiếu theo đúng kế hoạch đưa ra trong năm 2018. Mặt khác, Việt Nam đã có khung trình độ quốc gia được công bố chính thức vào tháng 10-2016 và là một trong những nước ASEAN cuối cùng xây dựng khung trình độ nên có thể học hỏi từ các nước khác. Ðồng thời cần có những đầu tư cho việc dự báo nhu cầu lao động không những trong nước mà cả trong khu vực, nhất là tám lĩnh vực tự do dịch chuyển lao động. Một điều hết sức quan trọng, là các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo đại học, trên đại học cần có những đổi mới đột phá làm sao để giúp người lao động có đầy đủ kiến thức theo chuẩn nghề ASEAN.

AEC được thành lập vào cuối năm 2015, cho phép lao động có tay nghề di chuyển tự do trong khối, tạo điều kiện hành nghề thuận lợi cho các chuyên gia và lao động tay nghề cao. Tham gia vào AEC tạo thêm cơ hội cho người lao động trong cộng đồng.