Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng

Làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông - thủy sản trong bối cảnh mới? Ông Lê Thanh Hòa (ảnh bên), Phó Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần về triển vọng thị trường và sự chuyển đổi trong quản lý Nhà nước, như những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu này.

Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng

- Thưa ông, thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính như gạo, cà-phê đều giảm sút. Liệu rằng, các mặt hàng này có đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2019?

- Theo dự báo, với việc hoàn tất đàm phán hạn ngạch nhập khẩu gạo vào Hàn Quốc; cùng việc thị trường In-đô-nê-xi-a nhập khẩu gạo lại do lượng gạo dự trữ đủ tiêu dùng trong trong sáu tháng đầu năm 2019 đã hết, song song tiến trình mở rộng khai thác vào các thị trường Trung Đông; đồng thời gấp rút hoàn tất thủ tục cấp mã số cho các DN đã được phép xuất khẩu gạo vào Trung Quốc… xuất khẩu gạo của nước ta cuối năm vẫn có khả năng khởi sắc và đạt mức 6,5 đến 7 triệu tấn.

Đối với mặt hàng cà-phê, dự báo trong ngắn hạn sẽ tăng do nguồn cung có phần sụt giảm từ các nước sản xuất chính, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, giá sẽ vẫn ở mức thấp. Riêng về rau quả, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng vào cuối năm. Hiện nay, về cơ bản việc bao gói, dán nhãn mác bảo đảm truy xuất nguồn gốc với quả tươi xuất khẩu vào Trung Quốc đã được đáp ứng đầy đủ. Cùng lúc, Mỹ mở cửa thị trường cho xoài; Ô-xtrây-li-a mở cửa cho nhãn và Nhật Bản mở cửa cho vải thiều sẽ là các yếu tố tác động lớn và tích cực cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm nay cũng như các năm tiếp theo. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2019 sẽ đạt và vượt mức bốn tỷ USD, thậm chí đạt được mục tiêu 4,3 tỷ USD như kế hoạch đã đề ra.

- Trước việc Trung Quốc thay đổi trong chính sách, chú trọng vào nhập khẩu chính ngạch, ông nhìn nhận thế nào về sự thích ứng của nông sản Việt Nam?

- Đúng là phía Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp giám sát và quản lý chặt chẽ về nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, như: Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ đối với hàng hóa từ nước thứ ba mượn xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu vào Trung Quốc; quản lý chặt đối với các mặt hàng quả tươi (chỉ cho phép nhập khẩu các loại quả trong danh mục được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là thanh long, xoài, nhãn, vải, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt).

Chính vì vậy, thời gian qua, Cục đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc tổ chức hai hội nghị phổ biến các thông tin về yêu cầu kiểm dịch và ghi nhãn mác hàng hóa nông - lâm - thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) đặt tại Cục trong hai năm qua cũng đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng phổ biến các thông tin và quy định của thị trường Trung Quốc cho các cơ quan quản lý tại các tỉnh và DN trên cả nước.

- Đối với những thị trường có nhiều rào cản kỹ thuật như Mỹ và châu Âu, các cơ quan quản lý của Việt Nam phải làm gì để nâng cao năng lực kiểm định, giám sát chất lượng hàng hóa, thưa ông?

- Các thị trường Mỹ và châu Âu có quy định rất khắt khe về an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, thêm vào đó là các yêu cầu về môi trường sinh thái và phát triển bền vững, có tính đến cả yếu tố lao động. Hiện Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) có nhiều thay đổi trong quản lý giám sát an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu. Thí dụ: Mỹ đã chuyển việc giám sát cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ từ Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) sang cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong khi EU cũng bổ sung quy định mới về mức dư lượng tối đa một số hóa chất trong thực phẩm. Thêm vào đó là quy định với thủy hải sản đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...

Để thâm nhập và mở rộng thị phần tại hai thị trường này, cần tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý và công tác kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; xây dựng và triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh trên động vật và thực vật, giám sát kiểm tra nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản phẩm; Xây dựng và phát triển các mô hình trồng rừng, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt có chứng nhận theo yêu cầu (GlobalGAPs, FSC, ASC…). Qua đó, không chỉ đáp ứng được các quy định về an toàn thực phẩm mà còn đáp ứng được các yêu cầu khác về môi trường và phát triển bền vững.

- Ông đánh giá như thế nào về năng lực mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay, để tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường trọng điểm?

- Theo tôi, các sản phẩm nông-lâm-thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 180 quốc qua và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Với năng lực sản xuất và chế biến như hiện nay, cộng với việc tái cơ cấu các ngành hàng và chuyển hướng đầu tư công nghệ cao cho các nhà máy chế biến thì trong thời gian tới, nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa về thị trường. Điều quan trọng là các sản phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có chất lượng cao hơn. Trong thời gian tới, việc Việt Nam triển khai thực hiện hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu và tiến tới là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ còn mở ra nhiều cơ hội về thị trường cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nước ta.

- Xin cảm ơn ông!

Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng ảnh 1