Vai trò của nhà giáo hiện đại

Là Chuyên gia trưởng về Giáo dục của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, TS M. Oen-mông (ảnh bên) đã có nhiều năm tham gia triển khai các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục của WB dành cho Việt Nam. Từ kinh nghiệm thực tế, nhận thấy những bất cập, ông đã gửi bài viết này đến Nhân Dân cuối tuần, nêu những gợi mở cần thiết cho công tác đổi mới giáo viên hiện thời.

Vai trò của nhà giáo hiện đại

Đòi hỏi từ thực tiễn

Trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải có những kỹ năng và tri thức cao mới có thể giúp Việt Nam cạnh tranh và bứt phá. Ở vai trò là nhà sư phạm, để giúp HS đối mặt được với những thách thức trong tương lai, GV cần những kỹ năng và năng lực mới. Người GV mới sẽ phải thay đổi phương pháp sư phạm để giải quyết các thách thức chưa từng gặp trước đây; phải đánh giá công tác dạy học của mình dựa trên kết quả và tự điều chỉnh một cách thích hợp; phải luôn tự cập nhật các kết quả nghiên cứu và phương pháp thực hành mới nhất; phải bảo đảm sao cho tất cả học sinh đều học tập dù các em bắt đầu từ đâu; phải khuyến khích học sinh sáng tạo và thích thú với học tập; và phải hợp tác với các GV khác.

Liệu hệ thống đào tạo GV hiện nay của Việt Nam (gồm cả đào tạo giáo sinh, bồi dưỡng thường xuyên, đánh giá GV) đã đáp ứng được các đòi hỏi nêu trên hay chưa? Nhiều hệ thống đào tạo và bồi dưỡng GV trên thế giới đã giúp GV hoàn thành mục tiêu này thông qua những hỗ trợ sau: Đào tạo và hướng dẫn GV liên tục ngay tại nhà trường; tạo điều kiện cho GV dễ dàng tiếp cận với kinh nghiệm, sáng kiến trong giảng dạy; xây dựng cơ chế đánh giá, phản hồi nhằm thúc đẩy việc phát triển, kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo GV.

Với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, Việt Nam đã triển khai một số sáng kiến áp dụng các phương pháp tiếp cận nêu trên. Chẳng hạn như một dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ có tên là Dự án Mô hình trường học mới (VNEN) đã giới thiệu phương pháp học tập tích cực tới hơn 2.000 trường học và giúp GV triển khai phương pháp này thông qua tập huấn và hướng dẫn cũng như tập huấn chuyên sâu tại các trường. Chương trình bảo đảm chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã giúp xây dựng các mô-đun tập huấn để hỗ trợ GV ở các trường chuyển từ học nửa ngày sang học cả ngày. Bên cạnh đó, cả hai dự án đều nhắm tới các trường vùng sâu, vùng xa nên đối tượng hưởng lợi là các HS thiệt thòi.

Vai trò của nhà giáo hiện đại ảnh 1

Phải có tư duy mới

Hiện tại, Việt Nam có hơn 800 nghìn GV phổ thông cần được hỗ trợ để đạt được những tiêu chuẩn giáo dục quốc tế mới. Chăm lo cho đội ngũ này nên được đặt làm ưu tiên hàng đầu cho công tác đào tạo và bồi dưỡng GV.

Vấn đề quan trọng nữa là đào tạo GV ở Việt Nam chỉ tập trung vào bằng cấp thay vì chú ý vào nhu cầu học tập của học sinh. Hiện nay hầu hết đội ngũ GV phổ thông đã đạt chuẩn bằng cấp nên công tác đào tạo GV đang tập trung vào việc nâng chuẩn. Trên thực tế, trường học thì không cần thêm nhiều GV và GV thì không cần thêm quá nhiều bằng cấp. Cả nhà trường và GV cần thêm những công cụ và kiến thức mới để thích nghi với điều kiện mới, nhờ đó mà học sinh có thể đạt được những mục tiêu học tập mới.

Những cơ sở đào tạo GV phải hình thành một quan hệ đối tác mà trong đó họ có thể phát huy được thế mạnh của mình để hỗ trợ GV trong lớp học, theo sát thành tích và thực tế giảng dạy của GV, kịp thời cung cấp kiến thức và hướng dẫn theo nhu cầu của môi trường giảng dạy thực tế. Nói một cách khác, quan hệ đối tác này sẽ giúp GV nhận được những hỗ trợ cần thiết. Nó cũng giúp theo dõi quá trình GV được bồi dưỡng và việc giảng dạy của họ.

Trong một thế giới hoàn hảo, các trường đại học sư phạm sẽ đưa ra các sáng kiến đổi mới, đánh giá chất lượng và tác động của công tác đào tạo GV, tham gia đào tạo các chuyên gia, giảng viên cốt cán, cán bộ đánh giá - những người sẽ về làm việc tại các cơ sở khác trong mạng lưới. Các trường cao đẳng sư phạm xây dựng tập huấn theo nhu cầu tại chỗ, và đến tận trường phổ thông để thực hiện công tác đào tạo và bồi dưỡng. Các sở và phòng GD-ĐT sẽ điều phối công tác đào tạo trong phạm vi quản lý của mình và tạo mối liên kết giữa trường phổ thông và các cơ sở đào tạo khác.

Nhưng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo. Không dễ thuyết phục những người làm việc tại các cơ quan khác nhau hợp tác với nhau cho một mục đích chung. Sẽ phải nỗ lực rất nhiều để thuyết phục các trường bước ra khỏi vùng an toàn của mình, và để cho họ biết rằng ngoài kia còn nhiều đòi hỏi mới khác mà họ có trách nhiệm phải thực hiện.

Tuy nhiên, đội ngũ GV Việt Nam sẽ không theo kịp đòi hỏi của đổi mới giáo dục nếu không được bồi dưỡng phù hợp theo nhu cầu của họ với chất lượng cao. Và điều này chỉ có thể đạt được nếu các cơ sở đào tạo GV thay đổi hướng đi và bắt đầu phối hợp cùng nhau để bảo đảm rằng GV phổ thông nhận được những hỗ trợ họ cần. Quan trọng hơn tất cả, để đạt được mục tiêu đổi mới chúng ta cần động viên, hỗ trợ cũng như nâng cao trách nhiệm của GV ngay tại trường học.

Cuối cùng, sau cha mẹ, ai là người dành nhiều thời gian nhất với con cái chúng ta? Hãy bảo đảm rằng đội ngũ GV có thể giúp đỡ trẻ em chuẩn bị sẵn sàng để bước vào một thế giới mới.