Ưu tiên những "giải pháp mềm"

Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngày càng thường xuyên ở đồng bằng sông Cửu Long, TS Dương Văn Ni (trong ảnh), Khoa Môi trường, Trường đại học Cần Thơ đề xuất, cùng với tiêu chí "thuận thiên", cần xác định đối tượng ưu tiên trong sản xuất để tập trung nguồn lực.

Ưu tiên những "giải pháp mềm"

- Biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, đồng thời, tăng sự xâm nhập mặn, ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp của người dân. Theo ông, cần có giải pháp ứng phó với thiên tai ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) hiện nay ra sao?

- Bấy lâu nay, nông dân sản xuất theo kinh nghiệm được hình thành qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, hệ thống kinh nghiệm của họ đang bị thách thức, nhất là khi thời tiết, khí hậu, đất đai, nguồn nước đã thay đổi. Và để có thể dự đoán những thay đổi này thì nằm ngoài tầm với của người nông dân.

Vì vậy, ở cấp độ quốc gia, đặc biệt Việt Nam là thành viên của Ủy hội sông Mê Công, thì chúng ta nên thuyết phục các quốc gia phía thượng nguồn không làm những điều có thể gây ra tác động xấu cho các quốc gia phía hạ du, trong đó có Việt Nam. Ðể làm được điều này, cần hiểu cặn kẽ vai trò kinh tế - xã hội của ÐBSCL đối với khu vực và quốc tế.

Về kinh tế, ÐBSCL đóng góp cho thị trường khu vực và toàn cầu mỗi năm tới 5-6 triệu tấn gạo, 1-2 triệu tấn tôm cá và hàng triệu tấn rau, quả. Là nơi có sức sản xuất nông nghiệp thuộc hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, khi nói đến việc cần bảo vệ cho ÐBSCL trước những thiên tai, thì đó không phải chỉ là bảo vệ cho chính ÐBSCL, hay Việt Nam, mà là bảo vệ một vùng đất có ý nghĩa quan trọng cho thị trường khu vực và toàn cầu.

Ở cấp độ vùng, Nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2017 đã tháo gỡ những vướng mắc về chính sách an ninh lương thực, trong đó xem hiệu quả kinh tế là tiêu chí thành công cho sản xuất nông nghiệp chứ không dựa vào sản lượng nữa. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đang giao cho Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì chương trình lập Quy hoạch phát triển vùng ÐBSCL, dựa theo Luật Quy hoạch 2017. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch chuyển đổi cho sản xuất nông nghiệp. Ðây sẽ là dịp để rà soát, sắp xếp và xác định lại cho ÐBSCL có một hướng đi bền vững hơn trong tương lai. Cũng là cách minh bạch thông tin và quảng bá tiềm năng của vùng đất này để dễ dàng hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn.

- Với người dân, trước tình trạng thiên tai ngày một trầm trọng, cần có những chuyển đổi gì trong nhận thức cũng như sinh kế?

- Người dân sống và lớn lên ở ÐBSCL thì không ai sợ chuyện nước nhiều nước ít. Ví như người sống ở các tỉnh đầu nguồn, nơi mùa mưa nước có thể ngập sâu đến 4-5 mét, thì người ta có giống lúa mùa nổi. Dù năng suất lúa chỉ có hai tấn mỗi héc-ta, nhưng bù lại mùa nước nổi người ta thu hoạch được vô số tôm cá, ăn tươi không hết mới nghĩ ra cách làm mắm, nước mắm, bột cá, phân bón.

Còn ở những vùng ảnh hưởng mặn - ngọt, thì hàng trăm năm qua hễ nước lớn đưa nước mặn vào thì người dân sống ở vùng trũng lấy nước vào để "ém phèn" và nuôi tôm sú, khi nước ròng chảy ra thì độ mặn giảm nên người dân vùng gò bơm nước vào cho lúa hay trữ nước mưa trong ao để trồng màu. Nhịp sống hài hòa giữa thiên nhiên và con người như vậy nên rất "thuận thiên". Bây giờ thì dân số ÐBSCL đã tăng gấp nhiều lần, và chúng ta không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống ngày xưa, nhưng cần phải xem những kinh nghiệm truyền thống đó như là "kho tư liệu" quý giá cho những áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sau này.

- Ông đã có đề xuất, khi Nghị quyết 120 đã khẳng định nước lũ, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên, thì không nên dồn hết kinh phí vào các công trình lớn, mà nên ưu tiên cho những "giải pháp mềm"? Xin ông cho biết cụ thể?

- Ðó là xây dựng một chương trình cảnh báo sớm chính xác về thiên tai như lũ lụt, hạn hán hay xâm nhập mặn. Trên nền tảng kinh nghiệm truyền thống tại mỗi vùng sinh thái, nghiên cứu và phát triển những giống cây-con mới, kỹ thuật canh tác mới, thích nghi với lũ lụt, hạn hán, hay mặn xâm nhập.

Ví như vùng tranh chấp mặn - ngọt, thì trong mô hình truyền thống lúa - tôm cần cải tiến khả năng chịu mặn của các giống lúa, kỹ thuật "dưỡng" tôm con trong ao ương có mái che, chờ khi tôm con cứng cáp rồi mới cho ra ao nuôi hay ruộng nuôi, sẽ giảm được rủi ro do chuyện mưa nắng, hay thay đổi mặn - ngọt thất thường. Ðặc biệt là trong mỗi mô hình canh tác, cần xác định đối tượng "ưu tiên" để có thể tăng thu thập trên đơn vị diện tích cao hơn, như trong mô hình lúa - tôm, thì con tôm phải là đối tượng ưu tiên. Từ đó, mọi nguồn lực của Nhà nước, như đầu tư kênh mương, cống đập, giao thông, cấp nước, bến cảng và cả những chính sách ưu đãi về nguồn vốn, đất đai hay kêu gọi đầu tư, cũng phải dồn ưu tiên cho con tôm. Dù đầu tư cho con tôm cũng có nhiều rủi ro, nhưng ai cũng công nhận là trong mười năm qua con tôm đã "gánh"cho cây lúa rất nhiều. Trên bình diện quốc gia, năm 2017 xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD và xuất khẩu gạo đạt 2,6 tỷ USD. Vì vậy, Nghị quyết 120 xếp thứ tự ưu tiên hiện nay cho ÐBSCL là thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo.

- Trân trọng cảm ơn ông!