Ưu tiên năng lực và hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng

Tìm những phương thức nhằm thích ứng nuôi trồng phù hợp với biến đổi khí hậu (BÐKH) ra sao? Chúng tôi có cuộc trao đổi với chuyên gia Nguyễn Thị Yến, cố vấn về Biến đổi khí hậu và Quản lý rủi ro thiên tai, Tổ chức Care International Việt Nam.

Ưu tiên năng lực và hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng

- Ngành nông nghiệp đang phải chịu nhiều thiệt hại gia tăng do thời tiết ngày càng cực đoan. Theo bà, năng lực ứng phó trong nông nghiệp ở nước ta trước những tác động của BÐKH hiện nay ra sao?

- Theo tôi, những yếu tố bao gồm sự chính xác và khả năng đưa thông tin cảnh báo sớm đến với những cán bộ theo dõi trực tiếp tại cơ sở và với người dân còn hạn chế. Cán bộ cơ sở nhiều địa phương chưa có kỹ năng, năng lực đánh giá và lựa chọn giải pháp thích ứng phù hợp với điều kiện địa phương. Lợi ích về thích ứng, bền vững với môi trường về lâu dài gặp phải thách thức với lợi ích phát triển trước mắt về năng suất, sản lượng (thí dụ giống lai năng suất cao, đầu tư nhiều phân bón thuốc trừ sâu hóa học và cần nhiều nguồn lực tự nhiên như nước tưới, đất cho cây trồng). Công tác điều phối hiệu quả thông tin và các nguồn lực vẫn còn hạn chế (thí dụ xung đột nước tưới thủy lợi và giữ nước phục vụ thủy điện tại nhiều vùng trong cả nước).

Trong khi đó, nguồn lực tài chính quốc tế hỗ trợ thích ứng với BÐKH đang ngày càng thu hẹp. Nhất là việc hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để giảm tổn thất đến gia súc và trồng trọt do rét đậm rét hại, mưa bất thường vẫn còn là một bài toán lớn.

- Có nhiều phương thức như chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cũng như nhiều mô hình nông nghiệp thông minh với BÐKH đa mục tiêu (CSA) đã được thử nghiệm… tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cả về thích ứng, vừa đáp ứng an ninh lương thực và góp phần giảm thiểu khí nhà kính thì có lẽ vẫn là chưa đủ?

- Thị trường và chuỗi giá trị ngày càng được quan tâm trong bối cảnh nông nghiệp nhiều rủi ro và biến động. Can thiệp về chuỗi giá trị trong cà-phê, chè và các cây chủ lực cần phải được nhìn nhận toàn diện, trong đó lưu ý đến việc bảo đảm giảm rủi ro thiên tai, thích ứng BÐKH ở các khâu trong chuỗi giá trị từ đầu vào, sản xuất, chăm sóc, chế biến, v.v, cùng với tiêu chí thân thiện với môi trường sẽ làm tăng hiệu quả và giá trị sản phẩm. Hiện tại các công ty bảo hiểm cho nông nghiệp chưa quan tâm đến sản xuất và hộ gia đình quy mô nhỏ và chưa có hình thức bảo hiểm phù hợp. Chính phủ cần chú trọng bảo trợ xã hội cho nhóm nông dân dễ bị tổn thương này, có những hỗ trợ cần thiết như trợ phí bảo hiểm, và nghiên cứu nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả tài chính và bảo hiểm vi mô do nhóm cộng đồng tự đóng góp và quản lý, nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật và kỹ năng quản lý.

Cùng đó, giải quyết vấn đề tài chính cho thích ứng BÐKH còn hạn chế, chúng ta cần phải tăng cường năng lực thiết kế dự án để tiếp cận nguồn quỹ quốc tế như "Quỹ khí hậu xanh" đang hứa hẹn là định chế tài chính lớn nhất cho ứng phó BÐKH. Bên cạnh đó, lồng ghép thích ứng BÐKH với các chương trình dự án nông nghiệp, dự án giảm nghèo 135, trong đó có những hợp phần sinh kế nông nghiệp hay nông thôn mới giúp giải quyết được đồng thời các mục tiêu trong khi ngân sách hạn chế.

- Cụ thể hơn, cần có những giải pháp triển khai ra sao, thưa bà?

- Theo tôi, kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) đang xây dựng cần ưu tiên năng lực và hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng về thích ứng trong nông nghiệp với các đặc điểm đại diện các vùng miền. Thí dụ ở miền núi với đặc điểm canh tác đất dốc, sử dụng cây, con bản địa là thế mạnh. Vùng ven biển chú trọng rừng ngập mặn và hài hòa lợi ích nuôi trồng thủy sản với bảo vệ rừng ngập mặn. Còn tại đồng bằng sông Cửu Long cần giải quyết các bài toán về tính hiệu quả của cây lúa, việc nuôi trồng thủy sản theo hướng quảng canh và sinh thái, kết hợp tôm lúa và cá lúa, v.v. Bên cạnh các mô hình kỹ thuật cao, đầu tư lớn phù hợp với đối tượng nông dân khá giả, các hộ dân nghèo vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số miền núi phía bắc cần sử dụng tối đa kiến thức, và cây con giống bản địa như bò vàng Hà Giang, gà bản địa… thích ứng tốt với điều kiện khí hậu địa phương, chịu rét tốt kết hợp với những kỹ thuật chăm sóc hiện đại.

Việc sử dụng tài nguyên tự nhiên cho nhiều mục đích khác nhau, như nguồn nước cần có sự tham gia và ý kiến của cộng đồng và có sự đánh giá tổng thể các chi phí đánh đổi để xây dựng hài hòa các kế hoạch xả nước hồ chứa phục vụ tưới tiêu cho hạn hán và giữ nước thủy điện, tránh việc thiếu nước thủy lợi trầm trọng cho nông dân vào mùa khô như ở Quảng Nam thời gian qua.

Những mô hình về dịch vụ thông tin khí tượng nông nghiệp cụ thể cho từng tiểu vùng khí hậu cộng đồng và các khuyến cáo hành động phù hợp với cây trồng, vật nuôi với cộng đồng cần được triển khai và nhân rộng. Các thực hành nông nghiệp thông minh với BÐKH cần nhân rộng tại cấp xã, cộng đồng như canh tác trên đất dốc chống xói mòn, rửa trôi (trồng xen cây lâm nghiệp tăng độ che phủ, trồng xen cây họ đậu cải thiện đất, trồng băng cỏ); đệm lót sinh học cho gia súc, gia cầm, nuôi giun quế, áp dụng các giống cây trồng chống chịu với BÐKH (chịu hạn, chịu mặn, chịu ngập).

- Trân trọng cảm ơn bà!