Ðừng chỉ nôn nóng thúc đẩy tiến độ !

Lúc này, nên ưu tiên cải thiện chất lượng quản trị, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hơn là thúc tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn. Ðó là quan điểm của ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi phân tích về những đòi hỏi để cải thiện dòng vốn nhà nước cùng với Báo Nhân Dân cuối tuần.

Ðừng chỉ nôn nóng thúc đẩy tiến độ !

- Thưa ông, cho tới thời điểm này, tiến độ cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại nhiều DN đang chậm so với kế hoạch. Phải chăng, có nguyên nhân từ việc chờ thực thi chuyển giao các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước về Ủy ban thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu?

- Quan điểm của tôi, đây có lẽ không phải là thời điểm chỉ tập trung đẩy tiến độ CPH, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty. Có lý do để tôi nói như vậy.

Thứ nhất, các DN trong danh sách CPH, thoái vốn giai đoạn này phần lớn là các DN quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, nên việc xác định giá trị DN sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi thời gian lâu hơn.

Thứ hai, những vấn đề nổi cộm trong hoạt động DNNN thời gian vừa qua khiến tâm lý e dè hơn trong các quyết định liên quan đến DNNN. Bên cạnh đó là một số thay đổi trong quy định về xác định giá trị DN khi CPH cũng ảnh hưởng đến tiến độ, như là chưa có hướng dẫn cụ thể cách xác định giá trị quyền sử dụng đất giao, đất thuê, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử.... của Nghị định 32/2018/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NÐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN...

Thứ ba, tôi nghĩ có tâm lý chờ đợi, đón xem tới đây sẽ thay đổi thế nào của nhiều DN có tên trong danh sách sẽ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Nhiều DN chúng tôi đến làm việc có sự cầm chừng trong thực hiện các kế hoạch đầu tư, kinh doanh chứ chưa nói đến việc tư duy chiến lược phát triển dài hơi.

Từ tháng 3-2018, khi Chính phủ ra Nghị quyết về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, việc chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về Ủy ban thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu được nhắc tới, nhưng chưa có kết luận cụ thể. Mọi việc đang chờ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN được ban hành, dự kiến trong tháng 9 tới.Hơn thế, cũng phải nhắc tới thành công trong các đợt thoái vốn trong đầu năm 2018, như Lọc hóa dầu Bình Sơn (5.566 tỷ đồng), PV Power (gần 7.000 tỷ đồng), PV Oil (4.177 tỷ đồng), Tập đoàn cao-su Việt Nam (1.311 tỷ đồng), Hapro (gần 1.000 tỷ đồng)... Việc dồn dập "ra hàng" với giá trị lớn cũng có những tác động không mong đợi, nhất là khả năng hấp thụ của thị trường.

- Như khảo sát của ông, có bộ phận không nhỏ DNNN đang hoạt động cầm chừng. Cần làm gì để các doanh nghiệp này chuyển sang chủ động đưa ra những chiến lược dài hạn, thưa ông?

- Theo kế hoạch, Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được Chính phủ ký ban hành trong tháng 9 này. Như vậy, đây sẽ là văn bản quan trọng giúp chấm dứt tâm lý chờ đợi của các DNNN trong danh sách sẽ chuyển giao đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban.

- Nếu không dùng tiến độ để thúc đẩy, thì sẽ phải ưu tiên tập trung vào điều gì để CPH không còn bị chậm trễ?

- Theo tôi, có hai việc cần làm hơn vào lúc này. Một là, đưa nhanh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN vào hoạt động, để ổn định tâm lý cho các DN. Hai là, cải thiện quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN thông qua việc xây dựng lại các tiêu chí đánh giá hoạt động DN theo đúng nguyên tắc thị trường. Hiện tại, các tiêu chí để đánh giá DNNN khá đơn giản. Căn cứ để đánh giá dựa chủ yếu vào việc so sánh giữa kế hoạch và thực tế triển khai cùng với một số chỉ tiêu đánh giá tài chính. Các vấn đề quan trọng khác như tình hình thực hiện CPH, thoái vốn; việc thực hiện chức năng chủ sở hữu tại DN, mức độ hài lòng của khách hàng; hiệu quả quản trị DN, kinh doanh bền vững, trách nhiệm xã hội, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động… chưa được sử dụng làm căn cứ xếp loại DN. Ðây là lý do khiến khó đánh giá, xếp hạng đúng DNNN so với các DN khác cùng trong lĩnh vực hoạt động.

Việc cần làm ngay là chuẩn hóa các chỉ tiêu hoạt động giao cho các DN và thống nhất công cụ thu thập số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu của DN. Tất cả yếu tố như kế hoạch kinh doanh, mục tiêu nhiệm vụ, ngân sách, hiệu quả hoạt động, tiến độ các dự án sẽ được giám sát trên cùng một cơ sở dữ liệu thu thập từ DN, qua đó bảo đảm việc giám sát được tiến hành thường xuyên, minh bạch và hiệu quả hơn.

Việc thay đổi tiêu chí này cần phải được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN thực hiện ngay khi tiếp nhận vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước của các DN, để bảo đảm cả mục tiêu giám sát hiệu quả hoạt động của khu vực DN này. Khi hiệu quả hoạt động được cải thiện, hiệu quả CPH cũng sẽ tăng tương ứng.

- Về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, ông kỳ vọng gì khi cơ quan này đi vào hoạt động?

- Ủy ban được thành lập là một bước tiến mạnh theo hướng kinh tế thị trường. Nhưng để cơ quan này hoạt động hiệu quả, nên ủng hộ bằng cách thiết kế cơ chế hoạt động đúng với vai trò của nó, đó là có công cụ, có quyền lực và động lực để thực hiện các trách nhiệm rất lớn trong nâng cao hiệu quả của DNNN và dòng vốn nhà nước tại DN.

- Xin cảm ơn ông!

"Nên tập trung thoái vốn nhà nước trong các DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Ðây là các việc có thể làm ngay, không mất nhiều thời gian, nhưng cần có chiến lược rõ ràng để tối ưu hóa, không để rơi vào tình trạng cung vượt quá nhu cầu hấp thụ của thị trường".