Xuất khẩu lao động

Tuân thủ con đường chính ngạch

Xuất khẩu lao động (XKLÐ) đã trở thành một lĩnh vực mang lại hiệu quả lớn đối với đất nước ta, xét từ cả góc độ kinh tế và xã hội. Nếu chúng ta nắm bắt cơ hội vàng khi hàng loạt thị trường lao động mở cửa, số việc làm từ XKLÐ sẽ vượt hơn con số 10% lao động hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, chúng ta cần có định hướng và những bước đi cụ thể để thúc đẩy XKLÐ phát triển bền vững.

Người lao động làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Ðăng
Người lao động làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Ðăng

Cơ hội rộng mở

Theo con số vừa được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) công bố, mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 100.000 người đi làm việc tại nước ngoài, gửi hàng tỷ USD kiều hối về cho đất nước. Nhìn một cách tổng thể, nguồn lợi từ XKLÐ không chỉ dừng ở con số kiều hối. Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) khẳng định, XKLÐ không chỉ đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm hằng năm mà nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác. Ngoài ra, XKLÐ còn là cách thức để chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài về Việt Nam, giúp đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng, tay nghề cao và rèn luyện tác phong công nghiệp cho người lao động, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa nước ta với các nước trên thế giới. Theo bà Hà, cùng với số lượng thì chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao, ngành nghề đưa đi được mở rộng; trong đó có nhiều ngành nghề mới như điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.

Dự báo về xu hướng XKLÐ từ nay đến cuối năm 2019 đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Ðài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản là thị trường truyền thống, tiếp nhận lao động Việt Nam với quy mô lớn nhất, chiếm trên 90% tổng số lao động đi trong thời gian qua. Một số thị trường khác như Bru-nây, Xin-ga-po, A-rập Xê-út cũng đang được mở rộng. Các quốc gia phát triển có thu nhập cao như Ô-xtrây-li-a, Mỹ, Ca-na-đa, Phần Lan và I-ta-li-a cũng là mục tiêu xuất khẩu lao động Việt Nam hướng đến.

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, chìa khóa vẫn nằm ở chất lượng lao động có đáp ứng được yêu cầu từ phía các thị trường hay không. Nói như TS Nguyễn Cảnh Toàn, Trường đại học Thăng Long Hà Nội, nếu nâng cao tỷ lệ lao động đi xuất khẩu có tay nghề không chỉ ở mức 20-30% như hiện nay thì con số kiều hối sẽ còn cao hơn.

Tuân thủ con đường chính ngạch ảnh 1

Ðào tạo người lao động trước khi đi xuất khẩu tại Công ty cổ phần Công nghệ cao Phúc Thái (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Hà Phương

Phải có cơ chế đủ mạnh

Tuy mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội, nhưng trên thực tế, quá trình triển khai XKLÐ vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập có thể gây ảnh hưởng đến việc nắm bắt cơ hội mở rộng và gia tăng giá trị từ những thị trường XKLÐ lớn. Ðiểm cần khắc phục đầu tiên liên quan đến chất lượng trình độ của người lao động. Hiện nay còn tồn tại tình trạng, các doanh nghiệp (DN) tuyển chọn mới chú ý đến số lượng thay vì chất lượng, nên đội ngũ lao động phần lớn còn yếu về kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và ý thức kỷ luật cũng như tác phong làm việc.

Thêm nữa, từ góc độ của người lao động, việc các lao động đi “chui” hoặc tự bỏ hợp đồng để sống, làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại đã và đang làm xấu hình ảnh người lao động và thị trường lao động Việt Nam. Mới đây nhất, vụ việc 39 người thiệt mạng trong xe công-ten-nơ tại Anh là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng đưa người lao động nhập cảnh bất hợp pháp. Ðiều được trông đợi lúc này, sau sự việc đau lòng nói trên, người lao động trong nước sẽ tỉnh táo trước những “cạm bẫy, mời chào” đi lao động chui, về phía DN XKLÐ sẽ cải thiện chất lượng cũng như nâng cao trách nhiệm trong quá trình tuyển chọn, đào tạo và quản lý lao động… Và một điều quan trọng nữa, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại cơ chế chính sách để bảo đảm tính thực thi của pháp luật cũng như tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận được những kênh XKLÐ chính thức. Những địa phương kinh tế khó khăn, để người lao động có cơ hội đi.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, tăng cường quản lý để người dân ý thức được nguy cơ xuất khẩu lao động chui và có cơ hội tiếp cận được con đường XKLÐ chính thống, an toàn. Muốn vậy, từ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về XKLÐ đến việc dạy nghề, ngoại ngữ, giáo dục cho người lao động cần được thực hiện sát sao hơn.

Ðể giúp người lao động nghèo không “sập bẫy” tín dụng đen, Chính phủ đã ban hành Quyết định 27/2019/QÐ-TTg về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020. Theo đó mức vốn vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký với doanh nghiệp, và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Cũng cần những tổng kết từ thực tiễn xem việc giải ngân gói hỗ trợ này được tiến hành trên thực tế như thế nào, có cần điều chỉnh gì cho phù hợp với thực tế hay không?

Các địa phương, cần quản lý chặt các công ty có hoạt động XKLÐ, xử lý nghiêm hoạt động XKLÐ trái pháp luật, kêu gọi các DN chính thống phối hợp tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài; các xã, thị trấn lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn giới thiệu cho các doanh nghiệp XKLÐ có năng lực, uy tín, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng cò mồi, môi giới rồi lấy tiền thù lao của người lao động...

Ðể giải quyết tận gốc vấn đề nâng chất lượng tuyển chọn người lao động, cần xem xét sửa đổi quy định về tuyển chọn lao động hiện hành theo hướng bổ sung quy định DN có thể liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên để chủ động bổ túc, nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động. Nhìn từ góc độ của DN, Chủ tịch Hiệp hội XKLÐ Việt Nam Nguyễn Lương Trào cho rằng, muốn có được đội ngũ DN XKLÐ mạnh cần phải nhân rộng từ những hạt nhân đang làm tốt công tác này.

Cơ chế chặt chẽ, cơ quan quản lý đồng hành cùng đội ngũ DN mạnh và người lao động có tay nghề cao, có tinh thần tuân thủ pháp luật và học hỏi… đó là những yếu tố then chốt giúp các thành viên tham gia thị trường XKLÐ đạt được sự bền vững trong việc vươn đến những chặng đường phát triển mới.

Ước tính, hiện Việt Nam có hơn 500.000 lao động đang làm việc trong 30 ngành công nghiệp khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong những năm gần đây, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng đều hằng năm, năm 2015 là 115.980 người; năm 2016 là 126.296 người; năm 2017 là 134.751 người; năm 2018 là 143.000 người và riêng 10 tháng của năm 2019 là 120.000 người.