Xuất khẩu nông sản:

Từ thay đổi tư duy đến chiến lược hành động

Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 43 tỷ USD, tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%. Mục tiêu này có kỳ vọng quá không, nhất là trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều thay đổi lớn và tốc độ xuất khẩu của hầu hết các nông sản đều giảm hơn cùng kỳ năm trước? Câu trả lời là Không.

Những trái xoài Việt Nam được bày bán tại siêu thị Aeon ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: TUYẾN QUÂN
Những trái xoài Việt Nam được bày bán tại siêu thị Aeon ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: TUYẾN QUÂN

Động thái mới từ nhà quản lý

Với con số kim ngạch xuất khẩu nông sản trong năm 2018 đạt con số kỷ lục 40,2 tỷ USD, Việt Nam một lần nữa khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản. Đáng chú ý, kết quả này đạt được trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều thay đổi, với những tác động đa chiều từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Không chỉ khó khăn về giá cả và nhu cầu, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong điều kiện thể chế thương mại thế giới thay đổi, năm 2018 cũng chứng kiến sự thay đổi tư duy của các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp. Đó là ngành nông nghiệp đã tập trung ưu tiên khai thông các thị trường quốc tế mới. Các chuyến đi đàm phán với các nước để bán nông sản ngày một nhiều hơn. Riêng năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NN và PTNT) đã có sáu đoàn sang làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để mở cửa cho các mặt hàng. Chính nhờ vậy mà nhiều nông sản Việt cũng đã mở rộng cánh cửa xuất khẩu như: Thịt bò, sữa vào Ma-lai-xi-a; thịt lợn, gà, trứng vào Xin-ga-po; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc… Cũng năm này, lần đầu tiên, nhiều nông sản Việt đã được các nước cấp “visa” xuất khẩu như: thịt gà vào được Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Mi-na-ma, vú sữa vào Mỹ, chôm chôm vào Niu Di-lân, chanh leo vào EU... Tuy số lượng chưa lớn, song đã cho thấy uy tín của nông sản Việt ngày càng được thế giới thừa nhận.

Rõ ràng là các cơ hội mới về xuất khẩu nông sản đang mở ra với Việt Nam. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, cả cơ hội và thách thức đang chờ đợi nông sản Việt...

Từ thay đổi tư duy đến chiến lược hành động ảnh 1

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 (Nguồn: TTXVN)

Chuỗi giá trị nông sản - bao giờ?

Việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản có sức cạnh tranh cao và bền vững đang trở nên cấp bách. Tuy nhiên để bảo đảm năng lực cạnh tranh của các chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu, bảo đảm sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, trước hết ngành nông nghiệp cần xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn, đáp ứng được các quy định từ các thị trường nhập khẩu.

Để thực hiện được tiêu chuẩn các nhà sản xuất cần thực hiện được các thực hành sản xuất tốt (GAP) và thực hành quản trị tốt (GMP, HACCP) hay được cấp chứng nhận mã vùng trồng. Như thị trường Trung Quốc là thị trường lớn nhất về cây ăn quả của Việt Nam hiện nay, yêu cầu các vùng sản xuất phải được chứng nhận mã vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch. Đây là khó khăn với Việt Nam vì các vùng sản xuất phải thay đổi nhanh cách quản lý sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm.

Có thể nói, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho nông sản là tiêu chuẩn tối thiểu cho các loại hình sản xuất phải đạt mục tiêu là đáp ứng được nhu cầu về an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu, nhưng không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến các sản phẩm đặc sản của Việt Nam. Một yếu tố khác liên quan đến tiêu chuẩn là tính chuyên nghiệp và khả năng hội nhập quốc tế của hệ thống chứng nhận chất lượng bao gồm cả nhà nước và tư nhân (như GAP, hữu cơ…) ở Việt Nam còn thấp, cần được đầu tư tăng cường năng lực trong thời gian ngắn để có thể giảm chi phí chứng nhận và tăng uy tín, lòng tin.

Hiện nay, chúng ta đang có sáu thị trường đã có thỏa thuận thương mại là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN với ưu đãi cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, để sản phẩm có thể lưu thông được thì việc đàm phán của Nhà nước và cải thiện chất lượng, ATTP của các tác nhân sản xuất, kinh doanh để vượt qua được các rào cản kỹ thuật là quan trọng. Điều này đặt ra những yêu cầu vô cùng cấp thiết đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các DN khi tham gia sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản.

Mặt khác, nhu cầu về đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa các chuỗi giá trị nông sản là hết sức cấp thiết. Đặc biệt, Nhà nước cần xây dựng chiến lược thu hút đầu tư về phát triển chuỗi giá trị lạnh vì nông sản của chúng ta chủ yếu xuất khẩu dạng tươi. Hiện tỷ lệ áp dụng bảo quản lạnh cho thủy sản là cao nhất, đạt 95%, tuy vậy ngành rau quả mới đạt rất thấp hơn 6%. Rõ ràng chúng ta còn thiếu các dịch vụ bảo quản, kho vận lạnh chuyên nghiệp, các DN xuất khẩu phải tự đầu tư nên chi phí logistics cao. Một số DN nước ngoài đã đầu tư trong lĩnh vực này nhưng lại thiếu kết nối thông tin với các vùng sản xuất. Do đó, cần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi với người sản xuất.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các sản phẩm nông sản chế biến phục vụ xuất khẩu nhằm đa dạng hóa sản phẩm như nước quả, rau quả khô… là một bước đi cần thiết để giảm rủi ro về thị trường. Nhu cầu hợp tác giữa các DN chế biến với các vùng sản xuất quy mô, quản lý chuyên nghiệp và các Viện nghiên cứu chuyển giao công nghệ là mô hình tích cực cần phổ biến rộng như mô hình của Công ty Nafood với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các HTX sản xuất chanh leo.

Các tác nhân chuỗi giá trị cần thúc đẩy liên kết chặt chẽ theo mô hình HTX-DN để quản lý chất lượng, từng bước áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử như áp dụng công nghệ Blockchain (chuỗi khối) nhằm tạo sự minh bạch thông tin đối với các thị trường khó tính, kết hợp với sử dụng thương mại điện tử, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, chủ động giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch. Truy xuất nguồn gốc Blockchain đã lần đầu được áp dụng cho xoài của HTX Mỹ Xương, Đồng Tháp để sản phẩm này trở thành nổi tiếng ở thị trường trong nước và có thể đặt chân tới thị trường Nhật Bản và Mỹ.

Một điều không thể thiếu, Bộ NN và PTNT cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài.

Nếu tạo được sự đổi mới mạnh mẽ trong cung cách quản lý, điều hành, thứ hạng đứng thứ hai Đông - Nam Á và thứ 13 trên thế giới về xuất khẩu nông sản của Việt Nam có thể còn được cải thiện hơn nữa.

Từ thay đổi tư duy đến chiến lược hành động ảnh 2