Từ nền tảng gia đình

Những hành vi ứng xử thiếu văn hóa tuy chưa có tính chất nguy hiểm như tội phạm, nhưng ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội và trở thành mối quan ngại trong sự phát triển văn hóa xã hội chung của đất nước. Phóng viên Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi với GS, TS Ngô Đức Thịnh về căn nguyên cũng như giải pháp nâng cao văn hóa ứng xử nơi công cộng.

Giúp đỡ người khuyết tật là một nét văn hóa ứng xử đẹp.
Giúp đỡ người khuyết tật là một nét văn hóa ứng xử đẹp.

Giúp đỡ người khuyết tật là một nét văn hóa ứng xử đẹp.

- Thưa giáo sư, đang có nhiều quan ngại về thực trạng đáng báo động của văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Việt, nhất là lớp trẻ. Điều này có phần ngược chiều với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước?

- Chúng ta có thể nhận thấy, nhân tố quyết định đến văn hóa ứng xử chính là ở sự khoan dung, nhân hậu. Cùng đó là sự trung thực và biết mình biết người. Đó là nền tảng của một con người có lòng tự trọng cao.

Giai đoạn hiện nay, có sự chen nhau giữa cái cũ và cái mới, đảo lộn giữa các giá trị. Nhiều yếu tố văn hóa tinh thần, thể hiện cốt cách của con người bị xem nhẹ, bị bỏ rơi. Trong khi, môi trường sống lại có nhiều biểu hiện dung dưỡng, phổ biến thói không trung thực. Kiểu sống hai mặt của một bộ phận người khiến lớp trẻ mất niềm tin: Người thật thà thì cứ chịu thiệt. Người có tài năng không được trọng dụng, người kém tài thì nhờ tiền bạc được thu xếp chỗ làm tốt.

Môi trường như vậy gây nên những ảnh hưởng rất lớn đến tư duy và nhận thức của các em nhỏ. Từ chuyện các giá trị bị đảo lộn, thiếu lòng tự trọng, dẫn đến thói ứng xử xuống cấp. Hơn nữa, xã hội Việt Nam mấy chục năm qua liên tục phải trải qua nhiều biến động lớn, để lại nhiều vết thương cho con người, con người hôm nay mất niềm tin ở nhau, ảnh hưởng đến hành vi ứng xử nơi công cộng.

- Nhiều ý kiến cho rằng, sự lệch lạc trong nhận thức về văn hóa ứng xử của một bộ phận giới trẻ ngày nay có căn nguyên từ sự buông lỏng, xem nhẹ giáo dục vấn đề này trong mỗi gia đình?

- Việc giáo dục trong gia đình vô cùng quan trọng, giúp cho đứa trẻ có định hướng, học được cách sống tốt, có sự nhân hậu, trung thực. Lâu nay, chúng ta có quan niệm rất sai lầm là, coi giáo dục nhân cách và hành vi ứng xử cho trẻ nhỏ là công việc và trách nhiệm của gia đình. Đó là cái nhìn lệch lạc của xã hội. Bởi, chính từ trong mỗi sinh hoạt gia đình, là đang tạo ra một con người cho xã hội sau này. Cách nhìn lệch lạc, xem nhẹ giáo dục này đã tàn phá gia đình rất nghiêm trọng.

Chúng ta vẫn coi thiên chức của người phụ nữ nghiêng về việc chăm sóc gia đình. Điều đó là đúng. Và việc nuôi dạy các con phải được coi là quan trọng không kém việc ông chồng ra ngoài làm kiếm tiền. Bởi người phụ nữ đang tạo ra một sản phẩm của xã hội cơ mà. Cần nhìn nhận việc người phụ nữ đẻ con, giáo dục cho con trở thành người công dân tốt là hoạt động mang tính chất xã hội, thậm chí còn quan trọng hơn các công việc khác ngoài xã hội.

- Điều chỉnh, hình thành một nền nếp ứng xử văn hóa hẳn không còn là chuyện của bất kể ngành nào. Nó là vấn đề chung mà xã hội ta phải cấp thiết quan tâm, thưa giáo sư?

- Đúng vậy. Văn hóa ứng xử là vấn đề vi mô, nhưng cũng vĩ mô đấy. Xã hội xưa con người ứng xử với nhau rất tốt, và các cụ xưa coi đây là vấn đề cốt lõi của cuộc sống. Việc đi đứng, nói năng, thưa gửi với người trên được coi là nề nếp văn hóa rất quan trọng. Hiện nay, nếu gia đình nào giữ được nề nếp gia phong, cha mẹ nghiêm khắc, lo giáo dục con cái thì ngay trong gia đình thôi, chắc chắn những đứa con ấy sẽ đối xử rất tốt với anh em, cha mẹ, ra ngoài ứng xử tốt với bạn bè, rộng hơn nữa là có lòng bao dung, nhân hậu với người khác.

Văn hóa ứng xử cần tính tự giác. Vì vậy, căn cốt là phải làm sao nâng cao tính tự giác trong ý thức mỗi con người. Trong giai đoạn hiện nay, cố gắng đó của các cơ quan chức năng bằng các giải pháp tăng nặng hình thức xử phạt, hay xây dựng các bộ quy tắc ứng xử… chỉ có thể khắc phục được phần nào thôi. Chửi bậy, nói tục làm sao có người đi theo dõi mà xử phạt được.

Vì thế theo tôi, việc đào tạo ra một con người có văn hóa, trước hết phải từ nền tảng gia đình và môi trường xã hội lành mạnh. Phải chung tay vào cuộc đào tạo ra con người xã hội, dần dần, các hành vi ứng xử sẽ được điều chỉnh.

- Xin cảm ơn giáo sư.